Khấm khá nhờ được dạy nghề nâng cao và hỗ trợ khởi nghiệp

  • 07:14 | Thứ Hai, 15/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT)  - Sau khi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ Nông dân-Phụ nữ tỉnh (Trung tâm), Hội Nông dân tỉnh đào tạo nghề nâng cao, tập huấn khởi nghiệp và xây dựng mô hình sau đào tạo nghề, nhiều nông dân (ND), tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên có cuộc sống khấm khá.
 
Được nông dân giỏi truyền nghề...
 
Năm 2022, 35 hộ ND ở xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn) được Trung tâm tổ chức đào tạo nghề trồng và nhân giống nấm. Sau khi tốt nghiệp, nhận thấy nhu cầu và khả năng có thể xây dựng trở thành mô hình khởi nghiệp tốt, Trung tâm đã tổ chức tập huấn nâng cao về khởi nghiệp cho người dân về xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD), chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm, kiến thức marketing. Từ đó, thành lập THT để phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn.
 
Người trực tiếp tham gia đứng lớp truyền nghề là ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, Bố Trạch)-một trong những HTX sản xuất và kinh doanh nấm sạch hàng đầu của tỉnh. 
 
Chia sẻ với phóng viên, ông Hương cho biết: "Từ năm 2020, tôi được Trung tâm mời đi dạy nghề cho bà con ND trên địa bàn tỉnh. Trong các buổi truyền nghề, tôi chia sẻ kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp của bản thân, không chỉ câu chuyện thành công mà những thất bại, vấp ngã, tôi đều chia sẻ cho bà con.
Đào tạo nghề nâng cao và ra mắt THT sản xuất, kinh doanh chổi đót Lệ Bình (xã Mai Thủy, Lệ Thủy).
Đào tạo nghề nâng cao và ra mắt THT sản xuất, kinh doanh chổi đót Lệ Bình (xã Mai Thủy, Lệ Thủy).
Đặc biệt, tôi tập trung dạy kỹ thuật trồng nấm theo cách "cầm tay chỉ việc" cho bà con và mời mọi người đến cơ sở sản xuất nấm của HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh để thực hành. Sau dạy nghề, chúng tôi còn tư vấn cho bà con thành lập THT, HTX, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm ban đầu cho bà con nông dân".
 
Sau khi được Trung tâm tổ chức tập huấn nâng cao và được ông Nguyễn Quốc Hương truyền nghề, 35 hộ ND ở xã Quảng Hòa đã thành lập THT và bắt tay ngay vào việc sản xuất, kinh doanh nấm.
 
Bà Nguyễn Thị Liễu, tổ trưởng THT sản xuất và kinh doanh nấm sạch Quảng Hòa chia sẻ: “Chúng tôi được ông Hương truyền nghề, chỉ dạy tận tình nên việc trồng nấm rất dễ dàng, hiệu quả. Cùng với đó, chúng tôi còn được HTX Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh bao tiêu luôn sản phẩm nên cho thu nhập cao. Riêng vụ nấm năm 2023, chúng tôi bắt tay sản xuất từ tháng 9, đến nay đã có doanh thu hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, vụ nấm sẽ kéo dài đến tháng 3/2024 và có nhiều sản phẩm chưa thu hoạch như nấm linh chi, vân chi. Trong năm vừa qua, sản phẩm nấm sạch của THT đã được đóng gói đưa đi trưng bày tại Đại hội Hội Nông dân TX. Ba Đồn và các điểm bán hàng trên địa bàn”.
 
Tích cực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp
 
Giám đốc Trung tâm Nguyễn Tiến Thành cho biết: "Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực công tác tuyển sinh cho cán bộ Hội ND cấp huyện và cơ sở; tập huấn khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho hội viên (HV) ND; tập huấn nâng cao, xây dựng mô hình sau đào tạo nghề. Riêng năm 2023, từ nguồn kinh phí của các chương trình, trung tâm đã tổ chức 30 lớp cho trên 1.000 người tham gia.
 
Các hoạt động này đã phát huy vai trò của Hội ND trong công tác đào tạo nghề nghiệp, chăm lo, hỗ trợ cũng như trang bị kiến thức cơ bản cho HVND trong việc khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại địa phương. Xây dựng các mô hình hay, cách làm hiệu quả của các ngành nghề để phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế tập thể, THT do HVND quản lý, bước đầu mang lại hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội”
 
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tiến Thành, việc Trung tâm tổ chức dạy nghề cho HVND triển khai theo mô hình dạy nghề gắn với phát triển các mô hình SXKD giỏi, được các ND giỏi trực tiếp truyền nghề đã mang lại hiệu quả rất rõ nét. Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành ngay tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm, cũng như kinh nghiệm của các ND SXKD giỏi.
 
Theo Kế hoạch số 463/KH-UBND, ngày 30/3/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nội dung phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025, năm 2023, Trung tâm đã tổ chức tập huấn 3 lớp về khởi nghiệp cho gần 300 HVND tại huyện Quảng Ninh, Tuyên Hóa và TX. Ba Đồn; xây dựng 5 mô hình THT sau đào tạo nghề, gồm: THT trồng nấm sạch Linh Sơn, xã Quảng Sơn; THT chế biến thủy sản phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn); THT chăn nuôi gia cầm xã Duy Ninh (Quảng Ninh); THT trồng nấm sạch xã Thanh Thủy và THT chổi đót Lệ Bình, xã Mai Thủy ( Lệ Thủy).

Ngoài ra, sau khi học nghề, ND còn được các chuyên gia trong các lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, các HTX, THT và ND giỏi đang làm ăn hiệu quả tư vấn thành lập THT, cung ứng đầu vào, bao tiêu đầu ra của sản phẩm nên rất thuận lợi cho việc SXKD. Nhiều HVND sau khi được hỗ trợ học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở mang ngành nghề mới, củng cố các nghề truyền thống, thành lập THT, HTX để đẩy mạnh phát triển SXKD, định hình thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có giá trị lớn về chất lượng, thị trường và thu nhập.

Từ việc tham gia các lớp đào tạo nghề, HVND cũng từng bước từ bỏ các thói quen canh tác cũ chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới vào sản xuất, nhất là trong liên kết theo kinh tế tập thể, liên kết “bốn nhà”, với phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
 
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho HVND, góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó, gắn đào tạo nghề với định hướng chuyển đổi đối tượng cây trồng, vật nuôi, ngành nghề và quy mô sản xuất, dịch vụ, du lịch cộng đồng, tổ chức các hoạt động kết nối giữa nông dân với các đơn vị doanh nghiệp, HTX tiêu thụ nông sản”, ông Thành nhấn mạnh.
Phan Phương

tin liên quan

Rộn ràng mùa ổi Tết

(QBĐT) - Tận dụng ưu thế đất đai và khí hậu thuận lợi, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch phát triển kinh tế từ cây ổi lê (giống Đài Loan). Từ cuối tháng 9 âm lịch, người dân đã tất bật chăm sóc vườn ổi của gia đình để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Du lịch chữa lành: Đi chậm, ngắm sâu, hiểu kỹ

(QBĐT) - Trở về sau một chuyến du lịch, bạn như buông bỏ hết tất thảy những mệt mỏi, muộn phiền của cuộc sống đời thường và nạp năng lượng để bắt đầu cho những thử thách mới. Không đơn thuần là đi để trải nghiệm, để được nhìn ngắm những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, đi du lịch giờ đây còn là cơ hội để được chữa lành cả thân-tâm-trí.

Bố Trạch: Dự kiến gieo trồng hơn 5.000ha lúa đông-xuân

(QBĐT) - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, vụ đông-xuân 2023-2024, huyện sẽ triển khai gieo trồng 5.130ha lúa.