Đồng hành cùng nông dân

  • 07:35 | Thứ Tư, 10/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... là những hoạt động được Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Ninh thực hiện hiệu quả thời gian qua.
 
“Tiếp sức” hội viên
 
Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, anh Trương Văn Bình, thôn Đại Hữu, xã An Ninh “bén duyên” với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu anh Bình nuôi 100 con gà và một vài con dê. Với nguồn vốn ban đầu khá khiêm tốn, mô hình chăn nuôi của gia đình anh chỉ mới chập chững những bước đầu, kinh nghiệm còn thiếu, nên thu nhập không được là bao, chỉ vừa đủ chi phí chứ chưa có lãi.
 
Không nản lòng, anh Bình tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức; học hỏi những người có kinh nghiệm ở những địa phương lân cận để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình mình. Nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi nên việc chăn nuôi của gia đình anh ngày một đi vào ổn định.
Mô hình trồng mướp đắng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hiền Ninh.
Mô hình trồng mướp đắng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hiền Ninh.
Năm 2023, anh Bình mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) để mua thêm con giống và mở rộng quy mô chuồng trại. Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, anh Bình dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm, mở rộng tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, anh cũng chủ động tìm mua những con giống có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Hiện, trang trại của anh duy trì nuôi 60-70 con dê và hơn 5.000 con gà, đem lại thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm.
 
Chủ tịch HND huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển cho biết, thời gian qua, nguồn Quỹ HTND đã và đang phát huy hiệu quả, trở thành “điểm tựa” giúp hội viên nông dân (HVND) trên địa bàn huyện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
 
Hiện nay, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp do HND huyện Quảng Ninh quản lý là hơn 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, HND huyện còn nhận ủy thác từ nguồn Quỹ HTND tỉnh và Trung ương với số vốn hơn 6,4 tỷ đồng. Trong năm 2023, Ban điều hành Quỹ HTND huyện đã thẩm định và giải ngân 19 dự án với số tiền 4,075 tỷ đồng cho 89 hộ vay.
Mô hình trồng rau sạch của hội viên nông dân xã Duy Ninh.
Mô hình trồng rau sạch của hội viên nông dân xã Duy Ninh.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HVND phát triển kinh tế, các cấp HND trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã làm tốt vai trò cầu nối, chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hội viên. Hiện, HND huyện quản lý 85 tổ tiết kiệm và vay vốn với 4.539 hộ vay; tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách là hơn 201 tỷ đồng. Đã có hàng trăm HVND trên địa bàn huyện Quảng Ninh vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.
 
Đa dạng hoạt động hỗ trợ
 
Theo Chủ tịch HND huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển, cùng với các cấp hội, đoàn thể, HND luôn là đơn vị đồng hành cùng người dân, HVND nghèo, tích cực tạo niềm tin, động lực để họ vươn lên phát triển kinh tế. Thời gian qua, các cấp HND đã triển khai linh hoạt, sáng tạo công tác tuyên truyền, vận động và định hướng HVND phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây, con giống có giá trị vào chăn nuôi, trồng trọt; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế gia đình cho thu nhập cao.
Nhiều nông dân ở Quảng Ninh được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển chăn nuôi.
Nhiều nông dân ở Quảng Ninh được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển chăn nuôi.
Đồng thời, HND các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối cơ sở sản xuất với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm; phối hợp tổ chức hội thảo về liên kết, hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm, vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
 
Trong năm 2023, HND huyện và HND cơ sở đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức 28 lớp dạy nghề cho 913 HVND; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.825 HVND. Thông qua việc mở gian hàng trưng bày sản phẩm, nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của HVND trên địa bàn huyện được giới thiệu, kết nối với đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh.
 
Bên cạnh đó, HND huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện đưa 18 nhóm sản phẩm tiêu biểu, đạt tiêu chuẩn OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ hội viên Trần Thiện Thuật (thôn Lệ Kỳ 2, xã Vĩnh Ninh) kết nối, tiêu thụ trên 15 tấn cam VietGAP; hướng dẫn các chủ sản phẩm tiêu biểu, OCOP giữa các xã trong huyện liên kết, hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm…
 
Từ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp HND đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của HVND cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện hiện có 7.006 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (cấp cơ sở 5.061 hộ, cấp huyện 1.654 hộ, cấp tỉnh 271 hộ, cấp Trung ương 20 hộ). Các mô hình tiêu biểu, như: Nuôi lươn không bùn, ốc bươu đen, trồng na Thái, nuôi cá lóc…

Bên cạnh việc “mở lối” cho HVND xây dựng mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu, các cấp HND huyện Quảng Ninh còn chú trọng tập hợp, đoàn kết HVND bằng việc vận động thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp. Từ đó giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm quyền lợi cho các thành viên. Trong năm, hội đã hướng dẫn, vận động thành lập 4 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác ở các xã Vạn Ninh, Duy Ninh, Lương Ninh, Võ Ninh, Hiền Ninh.

Với nhiều hoạt động thiết thực, HND các cấp huyện Quảng Ninh đã và đang đồng hành cùng hội viên trong phát triển kinh tế; từng bước thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
L.Chi

tin liên quan

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

(QBĐT) - Sáng 9/1, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 8, khóa VI, nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm đánh giá tình hình hoạt động kinh tế tập thể năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024.

 

Tuyên Hóa: Gieo trồng hơn 1.400ha lúa vụ đông-xuân

(QBĐT) - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đoàn Anh Tuấn vừa cho biết, vụ đông-xuân 2023-2024, huyện sẽ gieo trồng 1.450ha lúa, 1.000ha ngô, 400ha sắn và 650ha lạc.

Chuyện "vụ lợn" Tết

(QBĐT) - Những tháng gần đây, nhiều hộ gia đình ở bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) thường í ới gọi nhau cùng lên rừng chặt chuối, hái rau về nấu cho đàn lợn của gia đình mình ăn nhằm "vỗ béo" để mau chóng xuất chuồng, kiếm tiền mua sắm Tết.