Để du lịch biển Đồng Hới ngày càng hút khách

Cập nhật lúc 09:47, Thứ Hai, 04/07/2011 (GMT+7)

Từ đầu tháng 6 đến nay, các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn TP Đồng Hới (đặc biệt là gần biển Nhật Lệ) không còn một chỗ trống. Hầu hết các phòng nghỉ đều được khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc đặt chỗ trước từ 20-30 ngày và kín chỗ cho đến hết tháng 7.

Trên chiều dài hơn 5km bờ biển thuộc địa bàn TP Đồng Hới, từ xã Bảo Ninh đến Quang Phú có nhiều bãi tắm đẹp và nước biển trong sạch. Trong đó phải kể đến bãi tắm Nhật Lệ và Bảo Ninh. Từ mùa hè năm 2010 đến mùa hè này, biển Nhật Lệ đã trở thành điểm hội tụ của hàng chục nghìn lượt du khách từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc cũng như người dân địa phương.

Từ năm 2005 trở lại đây, trung bình mỗi năm du lịch biển của thành phố đã đón và phục vụ gần 300.000  lượt khách, đưa lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các cơ sở kinh doanh du lịch và nhân dân địa phương cũng như thu nhập xã hội cho thành phố. Đặc biệt là từ mùa hè năm 2010 đến mùa hè năm 2011 này, mỗi mùa biển Đồng Hới đã đón hàng chục nghìn lượt du khách đến từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc vào nghỉ ngơi. Các tháng 6, 7 lượng khách đổ về Đồng Hới đông đến mức tại ga Hà Nội và sân bay Nội Bài không còn có vé tàu và vé máy bay cho hành khách đi lẻ vào Đồng Hới. Các khách sạn, nhà nghỉ ở Đồng Hới luôn hết chỗ trú.

Để có được kết quả trên, những năm qua thành phố đã xác định biển là một trong những mũi nhọn để phát triển du lịch. Vì vậy thành phố đã tích cực ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch biển, đặc biệt là ở biển Nhật Lệ. Cụ thể là các chính sách về miễn, giảm phí thuê đất, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, các chính sách về ưu đãi vốn, thủ tục đầu tư v.v... tạo điều kiện thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư các công trình, dự án du lịch ở vùng biển. Nhờ những chính sách về hỗ trợ đầu tư và phương châm xã hội hoá du lịch, đến nay, các khu, điểm du lịch ở TP Đồng Hới đã có được những cơ sở vật chất tốt, với hơn 1.200 phòng đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế và trong nước, cùng với các dịch vụ phụ trợ như ăn uống, giải khát, vui chơi...

Theo Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh, lượng khách đến Đồng Hới chủ yếu là để nghỉ mát, tắm biển dài ngày. Đây là một tín hiệu tốt cho du lịch Đồng Hới. Vì chỉ có lưu trú dài ngày của du khách mới đem lại hiệu quả cao trong bài toán thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch. Ông Trần Mạnh Văn, một du khách ở quận Ba Đình, Hà Nội, cho biết: “Mùa hè năm nào tôi cũng đưa cả gia đình vào Quảng Bình tắm biển Nhật Lệ. Ở đây nước biển sạch, giá cả phòng nghỉ và các loại hải sản lại rẻ hơn so với các địa phương khác. Hơn nữa, trong thời gian nghỉ còn có thể “lưỡng tiện” là đi tham quan các hang động đẹp ở Phong Nha”.

 

Mùa hè, bãi tắm Bảo Ninh luôn đông khách
Mùa hè, bãi tắm Bảo Ninh luôn đông khách

Du lịch biển phát triển, đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động trong các cơ sở kinh doanh tại biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh và các khách sạn, nhà hàng khác trên địa bàn thành phố. Hầu hết người lao động tham gia vào hoạt động du lịch ở Đồng Hới đều có mức thu nhập 1,5-2 triệu đồng/tháng. Chỉ tính riêng doanh thu lưu trú hằng năm về mùa hè, du lịch biển của thành phố đã mang lại tổng giá trị không dưới vài chục tỉ đồng.

 

Khai thác thế mạnh, tiềm năng về du lịch biển của Đồng Hới cũng góp phần không nhỏ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tích cực, vừa bảo vệ được môi trường biển, giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân thành phố.

Nhưng nhìn chung du lịch biển của thành phố hiện vẫn còn mang nặng tính thời vụ. Vì vậy việc phát triển du lịch biển trong thời gian tới không chỉ là chú trọng vào xây dựng cơ sở vật chất, mà các cấp quản lý địa phương và ngành du lịch thành phố cần quan tâm hơn việc giữ chân du khách lâu hơn bằng các sản phẩm của địa phương, có như thế những người làm du lịch mới làm một mùa mà ăn đủ quanh năm bằng hoạt động du lịch. Đương nhiên cũng phải loại trừ kiểu làm ăn chụp giật, chặt chém giá cả thuê phòng nghỉ, giá ăn uống và các dịch vụ khác... với du khách. Số lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch ở Đồng Hới hiện nay chiếm tỷ lệ quá nhỏ. Vì vậy việc các hộ, người tham gia kinh doanh phải qua các lớp bồi dưỡng về kỹ năng phục vụ, giao tiếp và phong cách phục vụ là hết sức cần thiết.

Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh, để du lịch Quảng Bình - đặc biệt là du lịch biển ở Đồng Hới - ngày càng thu hút được khách đến một cách bền vững, người làm du lịch phải nâng cao chất lượng phục vụ ở các khách sạn, nhà nghỉ và cơ sở dịch vụ khác. Về giá cả dịch vụ, phải tránh diễn ra tình trạng khách đến đông thì “chặt, chém” giá thuê phòng và đồ ăn uống, làm cho khách muốn... đã đi là không hẹn ngày trở lại; đồng thời bảo đảm được môi trường biển trong sạch, an toàn...

Biển Nhật Lệ ngày càng có đầy đủ hơn các yếu tố để đầu tư thành khu du lịch biển của Đồng Hới, của tỉnh và quốc gia. Trong tương lai không xa, khi sự phát triển của đô thị  Đồng Hới mạnh lên, biển Đồng Hới sẽ là một trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực miền Trung và của cả nước.
                                                                                                   Thiên Hà

,
.
.
.