Về vùng quê được mùa 8 tấn...

Cập nhật lúc 14:53, Thứ Năm, 16/06/2011 (GMT+7)

Trên cánh đồng ruộng sâu, bà con đang vào mùa gặt rộ. Nông dân Nguyễn Phong Thuấn vừa xốc bó lúa lên thùng xe công nông xong, cho hay: “Được mùa, giá lúa cũng đang ở mức cao 7 triệu đồng/tấn nên bà con rất phấn khởi”.

Ông Nguyễn Duy Viên, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (An Ninh-Quảng Ninh) hồ hởi: “Vụ mùa năm nay, toàn HTX gieo trồng được trên 235 ha. Vượt lên khó khăn thiên tai từ đầu vụ, nắng suất bình quân của xã viên đạt trên 71 tạ/ha. Trong đó có gần 40 ha lúa đạt năng suất 80 tạ/ha. Có thể khẳng định vụ mùa này được nhất trong mấy năm gần đây với các giống chủ lực lúa lai, XT 28, QS 2...”.

Mỗi ha lúa cho lãi trên 20 triệu đồng...

Vào vụ, nhà anh Thuấn gieo giống lúa lai trên diện tích gần 8 sào, gặp đận rét “nuốt” hết, phải gieo lại rồi dặm lại đến bã cả người. Cả thôn, ai cũng lâm cảnh giống nhau, làm mà cứ nghĩ đến chuyện thất bát trước thiên tai... Anh Thuấn cho hay: “Nhà tôi cũng đạt được năng suất 75 tạ/ha. Nhiều nhà có năng suất cao hơn như nhà ông Ơn, ông Bình, ông Hiển đạt 80 tạ/ha”.

Ghé qua vùng đồng đấu thầu 3 ha của gia đình ông Nguyễn Đại Ơn, lúa cũng đang chín rộ. Thấy tôi thắc mắc sao không dùng máy gặt cho nhanh và tiết kiệm, ông Ơn cho hay: Vì lúa này sau khi thu hoạch để làm vụ tái sinh. Nếu gặt máy thì hư hết gốc rạ.

Ông Ơn cho biết thêm khi HTX đưa ra đấu đất 5% thì hai vợ chồng ông tính toán mạnh dạn nhận thêm diện tích khoảng 3 ha ở vùng bãi. Phần ruộng đấu thầu làm một vụ lúa, rồi thả thêm các loại cá chép, cá mè, cá rô phi và một phần đê được quây lại để nuôi vịt đẻ, vịt thịt. Từ diện tích ruộng của mình, năm nào gia đình cũng thu khoảng 20 tấn thóc. Nhưng vụ mùa năm nay thì đã vượt lên 24 tấn. Nếu thêm vụ tái sinh thì cả năm cũng tròm trèm con số trên 30 tấn. Ông Ơn tính toán: “Vụ mùa này, do  rét hại nên chi phí trên đồng tăng cao.

Nông dân Thống Nhất (An Ninh, Quảng Ninh) thu hoạch mùa. Ảnh T.P
Nông dân Thống Nhất (An Ninh, Quảng Ninh) thu hoạch mùa. Ảnh T.P

Tuy nhiên, thu hoạch 7 tấn/ha, giá bán 7 triệu đồng/tấn thì được 49 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 25 triệu đồng/ha thì người nông dân còn có lãi 24 triệu đồng/ha”. Ngoài lúa, gia đình ông Ơn còn thu gần 100 triệu đồng từ việc nuôi cá và vịt. Cũng theo ông Ơn cho hay thì sau khi thu hoạch vụ mùa, diện tích lúa được bà con để lại làm vụ tái sinh, thuận lợi về tưới, thêm đợt phân bón và phòng trừ được chuột phá thì nắng suất đạt 30 tạ/ha. Sau vụ tái sinh, cây lúa còn có vụ nhánh, vụ này chủ yếu để chăn nuôi vịt đồng.

 

Chuyển đổi ruộng đất để sản xuất hiệu quả hơn

Hiện trên địa bàn HTX Thống Nhất có 25 ha ruộng 5% của xã cho bà con đấu thầu sản xuất, mỗi hộ từ 2 ha trở lên. Số diện tích ruộng đấu này đã được các hộ làm đê bao, phá bỏ các ô, thửa không hợp lý để trồng lúa, nuôi cá và làm chuồng trại chăn nuôi, nhờ vậy mới nâng cao được thu nhập.

Theo ông Nguyễn Duy Viên, Chủ nhiệm HTX thì: “Nông dân nếu theo cách làm hiện nay cũng chỉ đủ ăn, khó có thể tích luỹ được. Muốn có tích luỹ là phải có đầu tư sản xuất. Để đầu tư trước hết phải có diện tích, cho nên quá trình tích tụ ruộng đất là điều tất yếu. Việc dồn điền đổi thửa được triển khai sâu rộng vừa qua chính là bước đầu tiên để thực hiện quá trình ấy”.

Hiện nay, ở Thống Nhất bình quân mỗi nhân khẩu có 2,7 sào ruộng và HTX chủ trương nếu hộ ruộng ít (dưới 3 sào) được phân cho một nơi để thuận lợi trong khâu làm đất và đầu tư cho sản xuất, hộ từ 2 khẩu trở lên thì ruộng ở 2 nơi. Nhưng thực tế đó chưa phải là cách làm tối ưu để nâng diện tích đất sản xuất tạo điều kiện cho xã viên thâm canh.

Để tạo đà cho người dân, HTX vận động xã viên đổi ruộng cho nhau tạo thành 1 ô, 1 khoảnh để hình thành trang trại sản xuất tổng hợp lúa- cá- vịt- lợn...Ví dụ, 2 hộ có 3 mẫu ruộng (tương đương 1,5 ha) mà ở 2 hoặc 3 nơi có thể đổi cho nhau dồn thành một chỗ. Việc làm này là hoàn toàn tự nguyện của xã viên và HTX chỉ làm trung gian và chứng nhận cho việc chuyển đổi ấy.

Bước đầu phương án này đã được người dân đồng tình. “Rõ ràng, những gợi mở này sẽ góp phần giúp cho HTX Thống Nhất thực hiện thành công định hướng mang tính đột phá và tạo động lực cho nông dân làm giàu trên đồng ruộng”-ông Viên nhấn mạnh. Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Duy Viên thì hiện HTX Thống Nhất có gần 370 hộ dân, với tiêu chí đánh giá mới thì có khoảng 50% số hộ thuộc diện khá giả trở lên.

Để góp phần vụ mùa thắng lợi thì HTX đã cùng xã viên đóng góp trên 150 triệu đồng tu bổ hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Cẩm Ly về. Ngoài ra, HTX còn hỗ trợ khoảng hàng chục triệu đồng để thực hiện dùng bả sinh học Biorat diệt trừ chuột. “Cả vùng đồng rộng lớn như thế, nhưng không có một bụi lúa nào bị chuột phá hại”, ông Viên cho hay.

                                                                                    Tâm Phùng

,
.
.
.