Nông dân " méo mặt" vì trồng dưa

Cập nhật lúc 07:59, Thứ Năm, 26/05/2011 (GMT+7)

Bố Trạch là vùng trồng dưa lớn nhất tỉnh ta. Cùng thời gian này năm ngoái, khi chúng tôi đến vùng dưa hấu, người trồng dưa ở các xã Vạn Trạch, Hoàn Trạch, Lý Trạch, Sơn Lộc, Cự Nẫm, Hưng Trạch, Phú Định, thị trấn Nông trường Việt Trung… thì thấy bà con nông dân ai cũng rạng ngời phấn khởi, bởi năng suất đạt 11 đến 13 tấn/ha. Về giá cả, bình quân cả vụ đạt 5.000 đồng/kg. Trừ chi phí, 1 ha dưa hấu (trồng 3 tháng) đã cho thu lãi từ 45-55 triệu đồng. Thấy vậy, năm nay nông dân nhiều xã đã bỏ cây màu để chuyển sang trồng dưa hấu. Thế nhưng buồn lắm thay, bởi dưa hấu năm nay mất cả mùa lẫn giá.

Vụ dưa 2011, các hộ dân trồng dưa hấu ở huyện Bố Trạch lỗ “méo mặt”. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết do giá thuê nhân công, phân bón, giống, thuốc phòng trừ sâu bệnh tăng cao nhưng dưa lại mất mùa, rớt giá, khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần.

Chị Nguyễn Thị Hương, xã Lý Trạch thở dài ngao ngán: “Vợ chồng tui đầu tư trồng 4 ha dưa hết 80 triệu đồng (bằng tiền vay, mượn), đầu tắt mặt tối 3 tháng trời ở ngoài vựa dưa, đến kỳ thu hoạch chỉ bán với giá 2.000 đồng/kg. Thế là mất trắng vụ mùa, chẳng thể bù lại được tiền giống nói gì đến tiền công”.

 

Dưa hấu ế ấm khiến nông dân Bố Trạch lao đao
Dưa hấu ế ấm khiến nông dân Bố Trạch lao đao

 

Cùng cảnh ngộ với chị Hương, nhiều nông dân trồng dưa khác cho biết, do rét đậm, rét hại kèm mưa kéo dài, cả hai hiện tượng trên đã khiến nhiều vựa dưa trồng đi trồng lại, dưa ra hoa thụ phấn không đồng đều, xuất hiện nhiều lứa dưa trên cùng một vựa dưa, dưa chậm lớn và một số dưa ruột bị sượng. Như năm ngoái, dưa quả nào quả nấy nặng 2 - 5kg, vụ dưa này mất mùa lại xấu quả. Do đó, thương lái mua dưa bắt phân loại, quả 1,8 kg trở xuống chỉ mua với giá 500 đến 1.000 đồng/kg, loại lớn từ 2 kg trở lên có giá 1.800 đến 2.500đồng/kg mà cũng rất ít thương lái mặn mà mua dưa. Vốn dưa đã mất mùa, mất giá nay nông dân trồng dưa lại còn khốn đốn vì “cơn bão” tin đồn ăn dưa hấu chết người. Ngoài thương lái thu mua đem đi tiêu thụ ngoại tỉnh thì lượng dưa tiêu thụ ở thị trường tại chỗ sụt giảm đến thảm hại, khiến những người bán dưa không khỏi hoang mang.

Chị Nguyễn Thị Nga, một người bán dưa nhiều năm liền ở đường Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Ninh (Đồng Hới) buồn bã nói: “Mấy ngày nay nắng to, tôi mua nhiều dưa để bán nhưng nay giá bán đã giảm nhiều so với đầu mùa mà người mua vẫn thưa vắng. Những năm về trước, theo đường Quốc lộ 1A tính từ điểm xã Lộc Ninh đi ra xã Đại Trạch (Bố Trạch) các lều bán dưa nằm san sát nhau, từ khi rộ lên tin đồn chỉ có lèo tèo vài người bán kẻ mua. Ế ẩm lắm!

 Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Tuyển - chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện cho rằng: Giá dưa hấu rớt thảm hại bên cạnh do tác động của tin đồn thất thiệt, còn có việc năm nay diện tích gieo trồng tăng đột ngột. Vụ dưa năm 2010, toàn huyện gieo trồng được 700 ha dưa thì vụ dưa năm 2011 đã tăng lên 951 ha. Lý do để bà con tăng diện tích dưa là do năm ngoái bà con nông dân trúng đậm mùa dưa, do đó, vụ mùa này hầu như diện tích đất trồng được dưa là người dân đều ưu tiên để trồng dưa. Không chỉ có huyện Bố Trạch mà tại nhiều huyện khác xuất hiện cảnh “nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa”. Nhiều hộ nông dân không có đất trồng dưa đã tìm đến các hộ dân có vườn cao su ít ngày tuổi thuê đất trồng dưa xem canh giữa vườn cao su, giá thuê đất 4 đến 4,5 triệu đồng 1 ha (3 tháng). Vậy nhưng đây lại là một vụ dưa thất bát chưa từng thấy.

 

-	Nhiều vựa dưa đã héo lá, khô cành nhưng chưa thu hoạch vì không có thương lái thu mua.
Nhiều vựa dưa đã héo lá khô cành nhưng chưa thu hoạch vì không có thương lái thu mua

 

 Phải nói rằng, ngoài việc đầu tư trồng lúa, ngô, khoai, sắn và các loại rau màu để tăng thu nhập, nhiều năm nay, người nông dân ở huyện Bố Trạch đã đem cây dưa hấu vào trồng thành công, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy, xây nhà… cũng nhờ dưa hấu. Nhưng chúng tôi nhận thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở tỉnh ta vẫn chủ yếu là do người nông dân quyền… tự quyết. Đa số họ thấy thị trường “cần gì thì trồng nấy”. Vì thế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người nông dân y như… đánh bạc với trời, đánh bạc với thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thường, xã Phú Định tâm sự: Dưa hấu là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác, tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu lớn. Bình quân mỗi sào dưa bà con phải đầu tư trên 20 triệu đồng, do đó cần phải cân nhắc tính toán kỷ lưỡng. Như vừa qua, nhiều xã ở Bố Trạch quy hoạch vùng trồng ớt, giống ớt kém chất lượng nên cây ớt mọc lưa thưa, không đáng kể, nhiều vùng đất lỡ vụ nên bà con nông dân “mất cả chì lẫn chài”, trồng dưa cũng thế mà thôi.  

Thiết nghĩ, thất thu vụ dưa hấu đã và đang đẩy hàng trăm gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Việc các địa phương trồng dưa tự phát, thiếu quy hoạch, lại không có thị trường ổn định khiến người trồng dưa gặp nhiều rủi ro. Được mùa mất giá, được giá mất mùa hoặc mất cả mùa cả giá đã trở thành “lệ thường” trong những năm gần đây. Trong thời gian tới, các ngành chức năng của huyện, tỉnh cần đưa ra một quy hoạch cơ cấu cây trồng mang tầm chiến lược để giúp người nông dân thoát khỏi cảnh khóc - cười.

 

                                                                                          Bùi Ánh

,
.
.
.