Thực trạng về hệ thống công sở các cơ quan

Cập nhật lúc 14:55, Thứ Sáu, 29/04/2011 (GMT+7)

 

 

Thời gian qua, bên cạnh việc đổi mới phương thức điều hành, tỉnh ta cũng đã rất chú trọng vào việc hiện đại hóa công sở, đặc biệt là đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp, xây dựng công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của cơ quan, từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính Nhà nước.

 

Hàng năm, tỉnh ta phải đầu tư một khoản kinh phí từ ngân sách khá lớn để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước cấp tỉnh. Tuy nhiên việc hiện đại hóa công sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế quản lý mới cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện mới. Hầu hết các trụ sở được bố trí độc lập, phân tán, quy hoạch manh mún, chiếm nhiều diện tích đất và diện tích sử dụng công cộng, không thuận tiện cho quan hệ, giao dịch của nhân dân và thực hiện đề án cải cách hành chính một cửa liên thông. Do trình độ kỹ thuật chưa cao, sử dụng vật liệu công nghệ thấp, kèm theo điều kiện năng lực tư vấn hạn chế nên đa số các công sở chưa đẹp và hiện đại, chưa đóng góp nhiều cho bộ mặt đô thị thành phố Đồng Hới. Quy mô đầu tư thường thấp tầng nên không tạo được điểm nhấn trong kiến trúc đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống kỹ thuật lại rất lạc hậu, mạng thông tin, mạng Lan, Internet… thường không được đầu tư đồng bộ.

Trên cơ sở các tiêu chí như: thời gian đưa vào sử dụng, mức độ hiện đại và mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng trước mắt cũng như lâu dài, hiện toàn tỉnh còn lại khoảng hơn 10 trụ sở cơ quan cần phải được đầu tư xây dựng mới. Đó là các sở: Nội vụ, Ngoại vụ, Y tế, Kế hoạch và đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa- thể thao và du lịch, Công thương, Tài nguyên- Môi trường… Trụ sở của các cơ quan này được đầu tư xây dựng từ khi tái thành lập tỉnh (năm 1989), hiện nay đã xuống cấp, hàng năm đều phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng vẫn không có sự cải thiện đáng kể. Nhiều công trình từ khi xây dựng đến nay không được bảo trì, bảo dưỡng, đã thế, diện tích làm việc và cơ cấu bố trí phòng ốc không đúng với tiêu chuẩn hiện đại, hệ thống kỹ thuật lạc hậu…nên không đáp ứng được nhu cầu làm việc trước mắt và lâu dài, cần phải đầu tư xây dựng mới.

 

 

Song vẫn có một số cơ quan nhà làm việc còn đảm bảo, nhưng vì những lý do khác nhau, cơ quan có thẩm quyền đã thẩm định và phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp, làm mới trụ sở quá định mức cho phép. Có những cơ quan nhà làm việc 2 - 3 tầng mới đưa vào sử dụng 5 - 6 năm, nay đập phá làm lại. Có cơ quan vừa cấp kinh phí tiền tỷ để cải tạo năm trước, năm sau lại đập phá, làm mới hoặc dời chuyển do sai lầm trong quy hoạch và định hướng phát triển. Một số cơ quan cấp huyện biên chế dưới 10 người, thậm chí chỉ 3 - 4 người vẫn được cấp đất, cấp kinh phí làm trụ sở riêng. Một số cơ quan được làm mới hoặc nâng cấp nhà làm việc là chính đáng, vì tổ chức mới thành lập, phải dời chuyển hoặc nhà làm việc cũ đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo an toàn; Điều đáng nói là bên cạnh một số cơ quan được “ưu ái”, vẫn còn nhiều tổ chức điều kiện ăn, ở làm việc hết sức chật chội, trụ sở xuống cấp không có kinh phí để sửa chữa và làm mới. Trụ sở làm việc của một số xã, thị trấn rất tạm bợ; cơ sở vật chất hạ tầng và phúc lợi công cộng như giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm xá phục vụ đời sống dân sinh một số vùng nông thôn hết sức khó khăn.

 

Tuy chưa đồng bộ, chưa đầy đủ nhưng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về xây dựng và quản lý công sở. Đặc biệt là Quyết định số 229/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/10/2006 về yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, Quyết định số 260/2006/QĐ - TTg ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 21/2008/QĐ - BXD ngày 28/5/2007 của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc. Theo đó, Quyết định 229 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu quy hoạch các công trình theo hướng khuyến khích xây dựng nhiều tầng để tiết kiệm đất xây dựng; hợp khối thành liên cơ quan, bố trí trong cùng một khuôn viên hoặc ở các vị trí khác nhau trong đô thị thành khu hành chính tập trung…Quyết định 21 của Bộ Xây dựng cũng đã khuyến khích xây dựng công sở nhiều tầng đặc biệt là công sở tại đô thị loại 3 trở lên để tiết kiệm đất, giảm mật độ xây dựng và tạo sự bề thế, trang nghiêm, hiện đại cho công sở. Thực hiện chủ trương trên của Chính phủ và Bộ Xây dựng, cả nước đã có một số tỉnh tiến hành quy hoạch và xây dựng các trung tâm hành chính như: Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Lâm Đồng…

Có thể nói, cùng với sự đi lên của đất nước, tỉnh ta đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư xây dựng mới cũng như cải tạo nâng cấp các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước nói riêng và cơ sở hạ tầng toàn tỉnh nói chung, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong những năm tới, việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp trụ sở vẫn tiếp tục thực hiện nhưng thực hiện như thế nào để tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập của đất nước mới là điều quan trọng.

                                                                                      Thu Hương

 

,
.
.
.