Xuất hiện dịch lở mồm long móng

Cập nhật lúc 09:25, Thứ Hai, 23/05/2011 (GMT+7)

Trong thời gian cuối  tháng 8- 2009, dịch lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò xuất hiện ở Dân Hóa ( Minh Hóa) và đang lây lan ra một số xã dọc tuyến đường 12A và đường Hồ Chí Minh. Qua nhận định của cơ quan chức năng vào thời điểm thời tiết chuyển mùa từ nắng sang mưa như hiện nay dịch bệnh gia súc, gia cầm rất dễ xảy ra, việc phòng chống bệnh là rất phức tạp.

Thời tiết tháng 8 và đầu tháng 9-2009 ở địa bàn tỉnh ta có mưa nhiều, độ ẩm cao đã báo hiệu về nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra. Trong tháng 8-2009, dịch LMLM đã xảy ra ở nhiều xã tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh, mới đây vào đầu tháng 9, dịch tả lợn xuất hiện ở nhiều địa phương trong nước. Điều lo ngại bấy lâu nay của người chăn nuôi tỉnh ta đã đến, đó là trong tháng 8-2009 một ổ dịch LMLM gia súc đã bùng phát tại xã Dân Hóa (Minh Hóa) làm 32 con trâu bị nhiễm bệnh và đến đầu tháng 9 này một số xã dọc tuyến quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh dịch LMLM bắt đầu xuất hiện. Điều đáng nói là hầu hết các điểm có trâu bò bị bệnh LMLM mới đây đều là các ổ dịch có từ các năm trước.


Qua số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện tại tỉnh ta có đàn gia súc 142 nghìn con (trong đó  bò 140.000 con, trâu 42.000 con), đàn lợn có 385.000 con và đàn gia cầm 2,2 triệu con. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ta chưa xảy ra dịch bệnh gia súc, nên đàn trâu tăng 5% và đàn bò tăng 11,5%, đàn lợn tăng 5,5% so với cuối năm 2008.


Trước tình hình dịch bệnh LMLM xuất hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và PTNT cùng UBND huyện, thành phố triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Biện pháp ưu tiên hàng đầu là tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường khu vực có dịch và tiến hành tiêu hủy số gia súc bị nhiễm bệnh nặng. Chi cục thú y tăng cường hoạt động  của đội kiểm dịch lưu động, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc từ các  địa phương khác vào địa bàn tỉnh, kiên quyết  xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc, không có hồ sơ kiểm dịch...Đặc biệt là câng tác tuyên truyền cho dân hiểu rõ về tác hại của dịch bệnh LMLM để chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan thú y trong việc giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện nhanh, bao vây, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch, tiêu hủy ngay các gia súc bị bệnh.


Biện pháp được xem có tính quyết định là cần nâng cao ý thức của người chăn nuôi về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Sau một thời gian khá dài trên địa bàn tỉnh ta chưa có dịch LMLM xuất hiện nên đại bộ phận người chăn nuôi tỏ ra chủ quan, lơ là các biện pháp phòng chống dịch. Điều này thể hiện là việc mua, bán, giết mổ gia súc xảy ra tràn lan. Ngoại trừ các chợ nội thành Đồng Hới, còng hầu hết các chợ trong tỉnh, gia súc, gia cầm vẫn bày bán tự do, xen lẫn với các loại hàng hóa khác. Việc thực hiện kiểm soát vệ sinh thú y tại các chợ chỉ làm qua loa, chiếu lệ.


Tại các tỉnh lân cận là Hà Tĩnh và Quảng Trị, dịch bệnh lợn tai xanh đang lan rộng và có nguy cơ xâm nhập vào tỉnh ta là rất lớn. Một số hộ chăn nuôi ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh có thói quen vào huyện Hải Lăng (Quảng Trạch) để mua lợn giống về chăn nuôi, đó là mối đe dọa chung cho đàn lợn trên địa bàn. Đặc biệt trong các tháng hè vừa qua trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 12A đoạn qua tỉnh ta có rất nhiều xe ô tô vận chuyển trâu bò từ Lào về không qua trạm kiểm dịch. Sự chủ quan của người dân trước đại dịch gia súc, gia cầm còn thể hiện ở chỗ các quán ăn bày bán tràn lan các loại tiết canh lơn, tiết canh vịt và có rất đông thực khách. Trong lúc đó các cơ quan y tế và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại thức ăn không an toàn này, đề phòng nhiễm và lây lan dịch bệnh từ gia súc, gia cầm đối với con người.


Điều lo ngại nữa đối với công tác phòng chống dịch bệnh LMLM là hầu hết hộ chăn nuôi trâu, bò ở tỉnh ta theo dạng truyền thống (tức là thả rông trâu bò). Qua đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh gia súc năm nay chỉ mới tập trung vào các hộ chăn nuôi lớn, tập trung còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nhất là đối với đàn trâu bò thả rông rất ít được tiêm phòng. Việc ổ dịch LMLM xuất hiện ở xã Dân Hóa mới đây không loại trừ nguyên nhân do mầm bệnh từ nơi khác đến. Nều không tổ chức bao vây, ngăn chặn tốt thì ổ dịch này rất dễ lây lan qua đường vận chuyển trâu bò ốm đến các vùng khác trong và ngoài tỉnh.
Thí dụ như vào thời điểm này năm 2008, dịch LMLM xuất hiện ở thôn 2 Thanh Sen, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) mà nguyên nhân chính là do người dân thiếu biện pháp phòng chống dịch. Thôn này có tỷ lệ tiêm phòng hàng năm cho đàn gia súc thấp nhất so với các thôn khác trong xã Phúc Trạch. Trước khi dịch xảy ra, trong đợt tiêm phòng vắc xin lần 2 năm ngoái chỉ có 6/166 con trâu bò trong thôn được tiêm. Hộ có 3 con bò bị bệnh đều không tiêm phòng vắc xin. Mặt khác, người dân chủ quan trước thể bệnh nhe mà không thông báo với cán bộ thú y và chính quyền địa phương nên dịch bệnh đã bùng phát trên 34 con trâu bò chủ 19 hộ dân trong thôn.


Để kịp thời bao vây và tiến tới dập tắt dịch LMLM ở các địa phương có dịch xuất hiện, cần tiến hành đồng bộ, quyết liệt một số biện pháp. Đó là tổ chức tôt việc tiêm phòng vắc xin LMLM cho gia súc. Đây là biện pháp hàng đầu nhằm nâng cao sức đề kháng cho động vật trong điều kiện bất lợi của thời tiết dễ làm nảy sinh dịch bệnh. Các địa phương cần cố gắng tiêm phòng đạt ít nhất 80% trong tổng đàn trâu bò. Thứ hai là phát hiện nhanh, thông báo kịp thời để bao vây khống chế dịch. Muốn vậy, lực lượng thú y cơ sở phải tăng cường giám sáts dịch, yêu cầu các hộ chăn nuôi thông báo ngay dấu hiệu nghi ngờ bệnh đối với đàn gia súc của gia đình cho thôn trưởng hoặc thú y viên của xã. Việc mua bán trâu bò, lợn từ nơi khác về hoặc xuất bán ra khỏi địa bàn phải báo với chính quyền hoặc thú y xã để hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh để xử lý can thiệp trong trường hợp trâu bò đưa từ ổ dịch về hoặc nghi có dịch LMLM. Thứ ba, thực hiện vệ sinh khử trùng chuồng trại chăn nuôi, điểm giết mổ, xuất nhập gia súc, gia cầm để ngăn chặn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh. Một việc làm không kém phần quan trọng nữa là tăng cường hoạt động kiểm dịch trong việc vận chuyển bò, lợn từ xã này qua xã khác, huyện này sang huyện khác và từ các tỉnh nhập về.

Đối với hộ chăn nuôi cần nắm bắt thông tin qua đài, báo để hiểu biết về căn bệnh LMLM, qua đó tự phòng tránh cho đàn trâu bò của gia đình, vì đây vừa là công cụ sản xuất vừa là những tài sản có giá trị; đồng thời mong bà con hiểu được tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin LMLM đối với sức khỏe của đàn gia súc, bởi nếu tiêm tốt thì công tác phòng chống dịch bệnh cũng đỡ hơ, gia súc ít bị bệnh hơn.
Thời điểm này là mùa cao điểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bởi vậy người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà việc cần làm trước mắt là tự giác tiêm phòng trâu bò và làm tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, không tẩu tán hoặc giấu gia súc bị bệnh.
Bài và ảnh: P.V

,
.
.
.