.

Để nuôi tôm, thủy sản mặn lợ phát triển bền vững

.
14:36, Thứ Tư, 25/05/2011 (GMT+7)

Sau nhiều năm nuôi tôm, thủy sản mặn lợ trên địa bàn tỉnh gặt hái thành công, nông dân các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích và chuyển dần sang nuôi thâm canh để tăng thu nhập. Tuy vậy, để nuôi tôm, thủy sản mặn lợ phát triển hiệu quả và bền vững, các địa phương và người nuôi cần có sự nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tuân thủ các biện pháp kỹ thuật mà phương án nuôi bền vững đã vạch ra...

Từ manh nha ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) mới về nuôi trồng thuỷ sản của một số hộ dân và nhiều mô hình trình diễn sản xuất mang lại lợi nhuận cao, nông dân tỉnh ta đã dựa vào tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương, đưa hàng ngàn hécta ao hồ mặt nước ven sông, biển và vùng đất cát ven biển vào nuôi tôm, thủy sản mặn lợ. Tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TCT) phát triển tốt nên trở thành đối tượng nuôi chủ lực với sản lượng hàng ngàn tấn/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân. Do đối tượng nuôi thuỷ sản là cơ thể sống, liên quan mật thiết với tự nhiên nên khâu kỹ thuật có vai trò quyết định hiệu quả kinh tế và tính bền vững của nghề này.

Tuy nhiên, không hẵn địa phương và người dân nào cũng nhận thức đúng để chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho sản xuất mà còn thực hiện theo ý chủ quan. Năm 2009 về trước, ngoài một số vùng nuôi tập trung được xây dựng đúng quy định còn các vùng khác cơ sở hạ tầng chưa đạt yêu cầu; đa số ao nuôi của các hộ không đồng bộ; kiến thức KHKT của người nuôi còn hạn chế; nhận thức bảo vệ môi trường của cộng đồng người nuôi chưa cao; công tác quản lý chất lượng giống và kiểm dịch còn bất cập... Dẫn đến sản xuất thiếu bền vững, một số dịch bệnh nguy hiểm (phổ biến là bệnh đốm trắng trên tôm nuôi) phát sinh gây hại liên tiếp trong nhiều vụ tại nhiều địa phương, không ít hộ bị mất vốn, phải bỏ hoang ao hồ...

u

Thu hoạch tôm trên cát

Trước khó khăn của người dân, tỉnh ta đã ban hành phương án nuôi tôm, thủy sản mặn lợ bền vững năm 2009, 2010 và định hướng đến năm 2015 (gọi tắt là phương án nuôi bền vững). Với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành chuyên môn và các huyện, TP,  chính quyền một số xã đã vận động các hộ dân có ao liền nhau góp một phần diện tích chung để làm ao xử lý nước cấp; nhiều hộ ở Hàm Ninh, Đồng Trạch, Quảng Phong, Quảng Hải nuôi tôm trong ao đất có lót bạt, kết hợp với thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên đạt năng suất 7-10 tấn/ha. Các doanh nghiệp và nhiều hộ nuôi tôm trên cát đã xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn nuôi thâm canh nên không những an toàn dịch bệnh, đảm bảo VSATTP mà đạt được năng suất 9-12 tấn/ha/vụ.

Nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh đã áp dụng thành công công nghệ sinh sản nhân tạo các đối tượng nuôi mới. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã lựa chọn tôm giống có nguồn gốc tôm bố mẹ do các công ty sản xuất giống hàng đầu cung cấp và được  TESTPCR để loại trừ các mầm bệnh nguy hiểm. Công tác quản lý chất lượng con giống và việc kiểm soát dịch bệnh được quan tâm hơn, năm 2010 gần 75% giống tôm các hộ dân thả nuôi được kiểm tra, cấp phiếu kiểm dịch. Chi cục Thú y đã lấy nhiều mẫu bệnh phẩm, mẫu nước có nghi vấn hoặc do dân yêu cầu để xét nghiệm, trả lời kết quả nhanh, phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thuỷ sản cho nông dân và triển khai nhiều mô hình trình diễn để tuyên truyền nhân ra diện rộng. Nhờ đó đến năm 2010 dịch bệnh đã giảm xuống rõ rệt (toàn tỉnh chỉ 27,6 ha bị bệnh đốm trắng); tổng diện tích nuôi tôm của tỉnh đạt 1.724 ha, trong đó TCT đạt 983 ha (tăng 456 ha so với năm 2009), tôm sú 389 ha, chuyên cua 220 ha, nuôi hỗn hợp 132 ha; sản lượng tôm nuôi đạt 3.813 tấn, trong đó TCT đạt 3.575 tấn (tăng 1.275 tấn so với năm 2009).

Tuy nhiên, so với mong muốn của phương án thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác quy hoạch theo phương án nuôi bền vững chưa được triển khai đúng quy trình. Diện tích làm ao chứa lắng, xử lý nước cấp trong ao đất (tại 1 số vùng nuôi tôm cao nhất) mới chỉ đạt tỷ lệ 10-20% (quy định 25-30%). Nhiều vùng nuôi vẫn còn tình trạng chung mương cấp và tiêu nước; thiếu công trình cấp nước ngọt, thiếu điện lưới để chạy máy quạt nước, bơm nước.

Trên vùng cát nhiều diện tích ao hồ xây dựng không đúng quy hoạch, nguồn nước sử dụng nuôi tôm không bảo đảm an toàn, nước thải xả bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước biển. Việc chuẩn bị ao nuôi trước khi thả giống tuy đã được Sở NN-PTNT khuyến cáo nhưng nhiều hộ bất chấp không thực hiện đúng quy trình. Công tác quản lý chất lượng tôm giống có cố gắng nhưng còn nhiều bất cập do không nắm được nguồn gốc tôm giống bố mẹ mà các cơ sở giống đưa vào sản xuất và do người nuôi chạy theo giá rẽ, mua tôm giống trôi nổi trên thị trường, trốn tránh sự kiểm dịch của thú y. Công tác chỉ đạo thực hiện của cấp huyện, xã có lúc, có nơi chưa sâu sát, kịp thời, quyết liệt, thậm chí UBND một số xã, phường còn đứng ngoài cuộc, xem việc nuôi tôm chưa quan trọng bằng các ngành nghề khác...

 Đánh giá tình hình 2 năm thực hiện phương án, Sở NN-PTNT đã đề ra những giải pháp chủ yếu cho thời gian tới, theo đó: chỉ đạo đẩy nhanh công tác quy hoạch, huy động các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, tạo điều kiện để khôi phục diện tích nuôi tôm, thủy sản còn để hoang hóa. Tăng cường phối hợp giữa ngành chức năng với địa phương trong việc giám sát thực hiện quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng con giống, khuyến khích áp dụng các TBKT mới để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. UBND huyện, TP và UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra chặt chẽ việc chuẩn bị ao hồ trước vụ nuôi, dành diện tích thích hợp làm ao chứa lắng, xử lý, khuyến khích nuôi tôm trong ao đất có lót bạt. Khuyến cáo các hộ mua tôm giống của các trại có chất lượng giống cao, ổn định; các trại trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, dịch vụ giống để có giống chất lượng đáp ứng nhu cầu người nuôi. Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm dịch thú y tôm giống sản xuất, dịch vụ trên địa bàn và giống tôm ngoài tỉnh bán trực tiếp cho các ao nuôi, kịp thời phát hiện, bao vây và ngăn chặn dịch có hiệu quả. Nêu cao ý thức cộng đồng của người dân trong quản lý chất lượng giống và môi trường dịch bệnh; phát động các hộ tham gia các chi hội, tổ nuôi tôm tự quản để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và phòng tránh, khắc phục thiên tai, dịch bệnh. Khuyến khích vụ 2 nên nuôi luân canh các đối tượng khác nhau để cải tạo môi trường ao nuôi, vùng cát nên chỉ nuôi 2 vụ/năm. Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý cải tạo môi trường, nghiêm cấm sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không được phép sử dụng...

                                                                                   Đặng Văn Huế                                                                                     
,