Trọn niềm vui

Cập nhật lúc 09:34, Thứ Ba, 24/05/2011 (GMT+7)

Đã thực sự trọn niềm vui, khi dòng nước mát lành giữa đại ngàn Trường Sơn băng qua bao đồi núi, vượt qua cả dòng Kiến Giang để làm tốt tươi những cánh đồng, làm dịu mát những làng quê trong ngày hè nóng bỏng...Dòng nước từ hồ chứa có tên Rào Đá...Ước mơ ngàn đời của bao thế hệ giữa những vùng đất khô khát (có vùng được coi là “tử địa”) của quê hương Quảng Ninh đã hiện hữu...
    Hơn 5 năm, kể từ ngày mảng bê tông đầu tiên đổ xuống đây, nhưng nếu nói về công trình này là phải kể từ năm1997, khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  cho phép tỉnh ta tiến hành các bước để đầu tư xây dựng hồ chứa Rào Đá. Nghĩa là phải đi qua 13 năm mới có được sự kiện này- lễ khánh thành công trình thuỷ lợi hồ chứa Rào Đá. Thời gian như đang đọng lại bao buồn vui bên dòng nước mát lành hôm nay. Những cán bộ kỹ thuật của Công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi, đơn vị được giao nhiệm vụ thiết kế công trình, nhớ lại: Đây là công trình  khá đặc biệt, kết cấu địa chất rất phức tạp... lại thêm mấy cột điện 500kv “toạ lạc” giữa lòng hồ tương lai...Bao nhiêu cuộc luận bàn, bao giấy mực, hồ sơ liên quan đến những bất thường trên vùng đất này...Vì vậy mà mãi đến ngày 3 tháng 6 năm 2005 mới có được quyết định đầu tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT và trong những ngày mưa dầm miền Trung tháng 12 năm 2005, công trình được khởi công trong niềm vui vô tận của nhân dân trong khu vực và lãnh đạo địa phương.

 

Hồ chứa nước Rào Đá
Hồ chứa nước Rào Đá

Chúng ta hãy cùng về miền đất mà thiên nhiên luôn thách thức sức chịu đựng của con người, để thấu hiểu niềm vui và lòng mong đợi của người dân. Hồ chứa Rào Đá không phải là hồ đầu tiên trong khu vực. Từ những năm 60 của thế kỷ trước đã có một hồ chứa khá lớn là hồ Cẩm Ly. Nhưng đây là hồ chứa hiếm có năm nào đủ nước như thiết kế (42 triệu m3). Hơn nữa sự “già nua” đã làm nó đuối sức trong việc cấp nước cho  những cánh đồng cuối nguồn. Bởi vậy cảnh “cháy đồng” trong mùa nắng hạn vẫn thường xuyên xẩy ra ở đây, có năm cả ngàn ha lúa chết cháy vì nắng lửa, gió Lào và một diện tích rất lớn của huyện Quảng Ninh đành ngậm ngùi làm bãi cỏ chăn thả trâu bò trong vụ hè thu. Thậm chí cả một vùng rộng lớn của Hàm Ninh được coi là “tử địa”...Bởi vậy, trọng trách số 1 của hồ chứa Rào Đá là kết hợp với hồ Cẩm Ly cấp nước cho gần 6000 ha lúa 2 vụ của huyện Quảng Ninh và một phần của huyện Lệ Thuỷ.

 Bên cạnh đó nguồn nước từ Rào Đá sẽ cấp nước sinh hoạt cho gần 40 nghìn dân của 5 xã Hiền, Xuân, Tân, Vạn Ninh và khu công nghiệp Áng Sơn. Và tất nhiên, nó còn có trọng trách giảm lũ cho hạ du; kết hợp nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái trong khu vực... Công trình được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 5 làm chủ đầu tư. Đây là dự án lớn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và tất nhiên cũng là dự án thuỷ lợi lớn nhất tỉnh Quảng Bình tính đến thời điểm đó. Với dung tích thiết kế hơn 80 triệu m3 nước, hồ chứa Rào Đá vượt qua hồ An Mã, gấp đôi hồ Cẩm Ly...Những đơn vị xây dựng có tiếng trong “làng” xây dựng của trung ương và địa phương được giao trọng trách như Công ty CP  XD và TV Bình Lợi, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 24, Công ty CP Thiết bị Thuỷ lợi ...
    Sau thời gian thi công gấp rút cùng với một loạt công việc quan trọng khác như giải phóng mặt bằng, công tác giám sát kỹ thuật...đến tháng 2-2008 công trình đã thực hiện chặn dòng, tích nước và đến giữa năm 2010 khi các ngành chức năng đã xử lý “sự cố” cuối cùng là kênh chính xuyên qua đường Hồ Chí Minh, dòng nước từ hồ chứa đã về các cánh đồng, đến với những xóm làng...

Trên vùng núi rừng phía tây huyện Quảng Ninh một công trình đồ sộ, hoành tráng đang hiện hữu. Con đập của hồ chứa Rào Đá có chiều dài hơn 700 mét, cao trình 32,6 mét, cùng với 3 đập phụ, chiều dài 469 mét; dung tích của hồ hơn 80 triệu m3 nước, diện tích lưu vực hơn 93 km.Tràn xả lũ bằng bê tông cốt thép, đóng mở bằng cửa van cung với lưu lượng xả 638,8m3/s. Ngoài ra hồ chứa còn có tràn sự cố, cao trình 30,9m, lưu lượng xả 151 m3/s..

 

Hệ thống kênh mương daanx nước từ hồ Rào Đá phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
Hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ Rào Đá phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

Cùng với hồ chứa, công trình có hệ thống kênh mương được coi là dài kỷ lục với gần 19 km kênh chính, kênh cấp 1,2,3 có tổng chiều dài 14,8 km. Kênh chính được thiết kế hình hộp bằng bê tông cốt thép. Trên chặng đường gần 19 km, con kênh đồ sộ này phải đi qua những điểm khá đặc biệt, có đoạn đi ngầm trong lòng núi, đoạn xuyên qua đường sắt bắc- nam và đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là đoạn phải dùng xi phông đi ngầm qua sông Kiến Giang gần nửa cây số để đến với vùng “tử địa” Hàm Ninh...Hiển nhiên là khi đến những vị trí này cấu trúc của kênh cũng khá đặc biệt, tốn nhiều thời gian, công sức của các đơn vị thi công...
    5 năm thi công là ngắn với công trình lớn như thế này, nhưng vẫn là quá dài với hàng vạn người dân trong vùng hưởng lợi, nhưng hôm nay đã lùi lại phía sau, tất cả tràn ngập niềm vui trọn vẹn. Anh Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: Hồ chứa Rào Đá có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương hưởng lợi và cả huyện Quảng Ninh, đáp ứng sự mong đợi bấy lâu nay của người dân trong huyện. Nhờ có nguồn nước Rào Đá, huyện đã tăng diện tích lúa hè thu lên trên 1200 ha. Đi đôi với đó là năng suất, sản lượng cũng có những bước tiến vượt bậc...
  Vâng, dòng nước mát đã có những tác động khá cụ thể vào sản xuất, đời sống người dân vùng hưởng lợi. Nhưng để nó thực sự phát huy hiệu quả ở tầm lớn hơn, đáng với “đồng tiền bát gạo” mà nhân dân cả tỉnh, cả nước gom góp cho công trình này, đặc biệt, chức năng điều tiết lũ cho hạ du là việc không đơn giản, khi chỉ trên dưới 30 phút là nước từ lòng hồ đã hoà vào biển nước vùng Quảng Ninh- Lệ Thuỷ trong mùa lũ, vì vậy, đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn của các ngành chức năng, đơn vị trực tiếp quản lý và tất nhiên không thể thiếu sự cộng đồng trách nhiệm của chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực.

                                                                                             Văn Hoàng.

 

,
.
.
.