Chủ động nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

Cập nhật lúc 14:23, Thứ Hai, 30/05/2011 (GMT+7)

Bố Trạch là huyện thuần nông, những năm qua nhờ chủ động được nguồn nước, nên hầu hết đất lúa 1 vụ đã chuyển sang sản xuất 2 vụ với năng suất sản lượng cao, tự cân đối được lương thực, đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và đời sống nhân dân ngày càng tăng, trong khi đó, năng lực phục vụ của các công trình không thể tăng...

Chi nhánh Thủy nông Bố Trạch được Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình giao nhiệm vụ quản lý khai thác 5 công trình, gồm đập dâng Đá Mài và 4 hồ chứa Vực Nồi, Vực Sanh, Cửa Nghè, Đồng Ran với dung tích gần 20 triệu m3 nước. Phục vụ sản xuất cho hơn 10 xã, thị trấn của huyện và một số trạm trại của tỉnh đóng trên địa bàn, với kế hoạch tưới gần 2.700 ha/năm (đông-xuân 1.400ha, hè-thu 1.300ha).

Trong điều kiện năng lực cấp nước của các công trình hạn chế; nhiều hạng mục do sử dụng lâu năm đã bị xuống cấp; thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán, lũ lụt, rét đậm, rét hại xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, ý thức tự giác bảo vệ công trình của một số người  dân chưa cao, việc xâm hại hành lang, tự do lấy nước tưới và xả rác bừa bải xuống kênh mương còn xảy ra. Đặc biệt, sau khi được Nhà nước miễn thủy lợi phí và miễn, giảm thuế nông nghiệp, những diện tích năng suất thấp và diện tích có thể khai hoang phục hoá bị bỏ hoang một thời nay được người dân đưa vào sản xuất đã làm tăng nhu cầu sử dụng nước so với trước... những nguyên nhân trên làm cho  nguy cơ thiếu nước tưới ngày càng cao.

 

Hồ chứa nước Vực Sanh đã được nâng cấp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
Hồ chứa nước Vực Sanh đã được nâng cấp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp

 

 Để có đủ nước phục vụ sản xuất không còn cách nào khác là phải bảo đảm  an toàn các đập dâng, hồ chứa và hệ thống kênh mương hiện có, hạn chế tối đa việc nước bị thất thoát từ đầu nguồn cũng như trên đường dẫn. Mặt khác phải phân phối điều tiết nước hợp lý để vừa có đủ tưới cho toàn bộ diện tích vừa đáp ứng nhu cầu thâm canh nhằm đạt được năng suất, sản lượng cao nhất trong các vụ sản xuất. Để làm được việc này, chi nhánh Thuỷ nông Bố Trạch đã phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở và tinh thần trách nhiệm của CBCNV bằng sự phân công phân nhiệm rõ ràng và gắn trách nhiệm cụ thể đến từng người. Kế hoạch công ty giao được chi nhánh triển khai xuống từng cụm sát với thực tế và có cam kết bằng văn bản.

Từ công trình đầu mối đến mỗi đoạn kênh mương và diện tích đã ký hợp đồng sử dụng nước với dân, cụm đều giao cụ thể cho từng người phụ trách. Nhờ đó mọi sự cố hoặc hư hỏng xảy ra được phát hiện, xử lý kịp thời nên nước không bị thất thoát, việc cấp nước không bị gián đoạn  hay thiếu hụt đối với sản xuất. Đồng thời với việc quản lý khai thác, chi nhánh thường xuyên tu bổ, sửa chữa các hạng mục để chống xuống cấp, nâng cao tuổi thọ và hiệu quả phục vụ của công trình. Mặt khác chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo vệ an toàn các công trình đầu mối khi lũ lụt xảy ra.

Được hỏi về biện pháp tiết kiệm nước, ông Dương Viết Nhân, chi nhánh trưởng cho biết: Tuỳ nhu cầu sử dụng nước trong từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây trồng và điều kiện thực tế mỗi năm chúng tôi thực hiện tưới cho lúa 17 đợt (vụ đông-xuân 9 đợt, vụ hè- thu 8 đợt). Trước mỗi đợt tưới cán bộ phải kiểm tra hệ thống kênh mương và thăm đồng nơi mình phụ trách để nắm tình hình nước, độ ẩm của đất. Tưới theo cách: vùng ruộng cao tưới trước sau đó kiểm tra để tưới bổ sung cho vùng ruộng thấp, làm như vậy để tránh ngập lúa, gây lãng phí nước tại vùng ruộng thấp và ruộng cao không bị thiếu nước.

Đối với địa bàn Bắc Trạch, Hạ Trạch, Mỹ Trạch có 2 hồ và lượng nước hồ Cửa Nghè hạn chế không thể đảm nhận được 2 vụ tưới nên phải phối hợp. Hồ Vực Sanh tưới cho cả 2 vụ, dự trữ nước hồ Cửa Nghè để tưới cho vụ hè-thu, làm cách này một số diện tích sẽ không bị hạn cục bộ. Trong thời điểm cấp nước, cán bộ phụ trách vùng nào phải bám kênh mương, đồng ruộng vùng đó 24/24h để “canh nước” nhằm điều tiết hợp lý, phân phối đủ nước, tránh lãng phí nước và ngăn chặn hiện tượng lấy nước trái phép.

Đến thăm các công trình thuỷ lợi Bố Trạch vào đợt cấp nước cuối cho vụ đông-xuân, chuẩn bị phục vụ sản xuất vụ hè-thu khi mực nước tại các hồ, đập đang giảm xuống hàng ngày bởi cái nắng như rang của mùa hè đã đến, chúng tôi càng thấu hiểu cái khó trong quản lý nước của những người cán bộ thủy nông nơi đây. Cùng với sự cố gắng của họ, hy vọng các ban, ngành, địa phương và nông dân các xã trong huyện cùng phối hợp bảo vệ và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn nhằm bảo đảm nước tưới cho những vụ mùa bội thu.

                                                                                   Đặng Văn Huế

,
.
.
.