.

Đội tàu biển của...nông dân

.
10:09, Thứ Hai, 30/05/2011 (GMT+7)

Đường lên xã Quảng Trường (huyện Quảng Trạch) là con đường 12 có xuất phát điểm từ thị trấn Ba Đồn đến huyện lỵ huyện miền núi Tuyên Hóa. Tại trung tâm xã có cột cây số ghi Minh Cầm 17Km. Có nghĩa là vùng lèn đá cao sừng sững Minh Cầm thuộc huyện Tuyên Hóa chỉ cách xã Quảng Trường 17Km. Dân Quảng Trường làm nhà dọc theo ven đường 12. Do không phải là địa hình đồng bằng nên những ngôi nhà được dựng lên cheo leo trên triền đồi cao. Dân ở đây nếu ai đó giàu có, tậu được chiếc xe máy thì cũng đến khổ. Phải vừa nổ máy vừa nhờ người nhà ra đùn đẩy mới cho xe lên được.
    Là vùng núi nhưng Quảng Trường có cái lạ là luôn được đón gió mát mang hơi hướng mặn mòi của biển. Trước mặt là khoảng rộng của nhánh sông cụt được tách ra từ dòng sông Gianh. Thấp thoáng những con tàu đánh cá biển neo đậu làm ngạc nhiên cho bao người. Đó là những con tàu của thanh niên...nông dân Quảng Trường. Anh Phạm Thành Đồng - Chủ tịch xã, khi nghe tôi hỏi chuyện về đội tàu biển này đã cười bảo: "Lên rừng mà hỏi chuyện đi biển thì thật là khó tin, nhưng quả đó là chuyện có ở xã tôi"

 

Một góc thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường
Một góc thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường

 

Vùng quê sơn cước này cũng lắm sự lạ. Đến mùa trăng tròn, cánh thủy thủ là con em trong xã lại dong tàu lên phía núi để về nhà tạm nghỉ. Nếu mùa trăng sáng trùng với mùa gặt lúa thì những chàng trai ấy trở lại đích thực là nông dân thứ thiệt. Cùng gia đình gặt lúa, xốc rơm, phơi thóc. Hết mùa trăng sáng, họ lại xuống tàu làm thủy thủ. Theo cụ  Mai Xuân Cử (thôn Thuận Hoà), là một trong những người kỳ cựu của thời chuyển đổi nông dân thành ngư phủ cho hay thì mọi chuyện khởi đầu từ năm 1995. Một số thanh niên trước đây từng sống trên Cồn Ngựa (vùng đất kẹp giữa sông Ginh thuộc địa bàn xã) có làm nghề chài lưới, do đời sống quá chật vật nên họ liều mạng rủ nhau vào các tỉnh phía nam làm ăn.

Có người mách bảo, họ xuống làm công cho các tàu đánh cá ở Phan Thiết, Phan Rang. Đến năm 1997, họ kiếm được ít vốn và trở về xã. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao không mua tàu tự đi biển mà lại phải đi làm thuê? Tháng 8 năm 1998, những con tàu biển đầu tiên của thanh niên trong xã mở một hành trình gần 20Km từ cửa Gianh lên Quảng Trường trong sự đón tiếp nồng hậu của cả xã. Nhắc lại sự kiện này, anh Đồng cho hay: "Xã tôi là vùng thuần nông, đời sống của dân dựa vào ít ruộng lúa và đi rừng. Sự kiện có tàu biển như bước đột phá của thanh niên trong công cuộc làm ăn".

 

fg
Đội tàu đánh bắt xa bờ của nông dân xã Quảng Trường

 

Sau 2 con tàu 35 ngựa ngược dòng sông Gianh ấy đến cuối năm lại có thêm 7 chiếc nữa ngược lên theo. Công chuyện làm ăn cảu người nông dân đi biển này diễn ra ban đầu chẳng giống ai. Thuyền viên tàu QB 1765 Mai Văn Minh mà tôi gặp trên bến đậu ở xã vui vẻ cho hay: "Mấy hôm nay có vài tàu đang bảo dưỡng máy nên ở nhà, chứ không thì anh chẳng gặp được tui mô, ra biển hết". Minh kể: Ban đầu tụi em lúng túng lắm, cứ như kẻ bị bịt mắt mà bắt đi đường hẻm. Cứ học hỏi, cứ đi ào ào rồi dần dần biết được nghề.

Buổi trưa, nhánh sông Giang chảy qua làng gió mát rượi. Tôi trèo lên thuyền thúng bơi ra giữa dòng rồi cập mạn trèo lên cặp tàu đang thẻ neo nghĩ sau chuyến đi biển dài ngày. Anh Mai Xuân Sỹ cùng hội bạn đang tranh thủ vá lưới chuẩn bị cho chuyển ra biển vài ngày tới vồn vã đón khách. Anh Sỹ là con trai cụ Cử. Sau gần 15 năm bám biển nay cụ Cử đã có cặp tàu trị giá trên 2 tỷ đồng này. Một tàu được giao cho anh Sỹ làm chủ. Hỏi chuyện đi biển, mọi người dừng tay  cười nhớ lại thửa ‘từ cửa lạch ra biển lớn’. “say sóng còn hơn say rượu ấy chớ”- anh Sỹ mở chuyện. Những hôm trời trở gió lại càng khổ gấp bội. Thuyền lắc như chao võng. Nhiều người nôn ra mật xanh, mật vàng, cổ họng đắng nghét như nuốt thuốc sốt rét ký ninh. Mỗi đận như vậy, có anh thề thốt với trời đất là không theo tàu đi biển nữa.

Nhưng rồi hôm sau lại thấy ra bãi sông từ sáng sớm. Vui nhất là chuyện trong đội tàu có những anh không biết bơi. Thế là vừa đi biển vừa tập bơi. Những có phải ai cũng có gan tập bơi trước biển đâu. Gặp mấy người có tính nhát vậy, anh Sỹ túm áo, chẳng cần nói gì cứ đẩy ào xuống biển. “Không chết được mô, chỉ tội là uống no nước biển thôi”- anh Sỹ cười rang rảng. “Như thằng cu Lâm đây (anh Sỹ đập bốp vào vai cậu thanh niên ngồi vá lưới bên cạnh), bảy lần đẩy xuống biển, không chịu đập bủm để bơi chi cả mà cứ cuộn tròn người lại nổi lập lờ vì sợ....cá to đớp. Đến lần thứ mười mấy mới  bơi được dăm mét. Khi hắn bơi được rồi mới mở miệng nói câu đầu tiên là: Cha mạ ơi, nước biển chi mà mặn hơn nước sông trong nhà mình”. Đám thanh niên nổ trận cười như muốn nghiêng ngả con tàu.

Thời gian đầu do chưa quen sử dụng lưới, chưa hiểu cách đánh cá đèn nên nên chỉ đạt bình quân thu nhập 400.000đ/tháng. Sau tăng dần lên đến 7-8 răm ngàn đồng. Từ đấy sức thu hút của nghề biển kích thích nhiều anh em nông dân miền sơn cước lao vào sắm tàu. Đến cuối năm 1999, cả xã lập được một đội tàu 15 chíêc có công suất từ 35 CV trở lên. Hầu hết anh em có tàu đều phải vay mượn tiền để mua. Con số may mắn sinh ra trong gia đình mà bố nẹ có chút của ăn của để thì vay mượn ít hơn. Chứ như anh Mai Văn Minh, anh Nguyễn Văn Hoàng thì trong số vốn góp 15 triệu đồng để mua tàu, các anh đã phải vay hơn 10 triệu đồng, mà vay đây là vay ngoài với lãi suất cao.

 

Thuyền viên tranh thủ vá lưới cho chuyến ra khơi
Thuyền viên tranh thủ vá lưới cho chuyến ra khơi

 

Trong tổng số 100 anh em góp vốn đi tàu, thì có hơn một nữa phải vay. "Tui ban đầu cũng lo ngại, vì đã quen biết chi mô với biển, sợ vay rồi nếu làm ăn không ra biết lấy chi mà trả. Sau rồi cũng liềi mạng vay hơn chục triệu góp với tiền nhà để làm ăn. Ai ngờ đến nay thấy cái liều của tụ tui cũng được việc ra phết"- anh Mai Văn  Chung bộc bệch. Cũng nhờ cái sự liều ấy mà bây giờ anh Chung đã có ngôi nhà xây hiện đại với nhiều tiêng nghi sinh hoạt không kém nhà ở phố. Con tàu anh đang neo trên đoạn sông ngay trước cửa nhà cũng có trị giá trên tỷ bạc.  Chị Tình (vợ anh Chung) bế con đứng hóng gió cũng góp chuyện: “Nếu chỉ làm nông thì làm được ngôi nhà là điều khó như đãi vàng rồi chớ đừng nói đén có tài sản lớn cả tỷ bạc như bây giờ”. Cũng theo chị Tình thì đầu năm đến bây giờ đi biển khó khăn hơn vì giá dầu tăng, giá các loại thực phẩm, ngư cụ cũng đắt nên lãi cũng giảm xuống. “Năm ngoái đi biển được 200 triệu đòng  thì chi phí khoảng một nữa, nay chi phí lên gần 130 triệu đồng”-chị Tình kể.

Cả xã Quảng Trường bây giờ có đội tàu đánh bắt xa bờ 40 chiếc. Trong đó thôn Thuận Hoà chiếm con số lớn nhất là 22 tàu. Ông Nguyễn Lưu, trưởng thôn nhẩm tính: “Cả thôn có 170 hộ, tính trung bình cứ 7 hộ chung nhau một con tàu hơn tỷ bạc. Hiện thôn chỉ có 26 hộ nghèo và cận nghèo. Còn lại thì cũng được xếp vào hạng khá giả theo tiêu chí mới”. Làm ăn càng thuận lợi, cánh thanh niên Quảng Trường lại nghĩ đến hướng đi lớn hơn cho tương lai. Một số tàu cũ được bán đi để mua tàu mới hiện đại về cho phù hợp với nghề mành rút. Anh Mai Văn Sỹ nói chắc: “Về lâu dài thì không thể đi biển bằng những con tàu nhỏ, mà ít ra cũng làm sao tích góp vốn để đóng lại những con tàu có máy 105CV trở lên để đi đánh bắt xa bờ thì mới tính được hiệu quảm làm giàu”. Mở hướng cho việc phát triển mạnh đội tàu có công suất lớn, Chủ tịch xã Phạm Thành Đồng cho biết: “.Xã đang khuyến khích thanh niên trong địa phương góp vốn để khai thác và phát triển nghề biển. Ngoài cá kênh vay của tín dụng, ngân hàng,  xã chủ trương thành lập các tổ tương trợ, động viên vốn nhàn rỗi trong dân để thanh niên vay mua tàu lớn”.

Tàu làm ăn lớn nhất trong xã là của gia đình ông Mai Xuân Cử, một "sư phụ" đi biển của Quảng Trường. Thành viên con tàu của ông gồm cha với 4 con và 2 cháu ruột. Chuyến đi nào cũng gặt hái được thành công. Nhiều gia đình cũng có danh tiếng về đi biển như Phạm Văn, Mai Toàn...Khoảng 1/2 số tàu ở đây đã quen hơi bén tiếng với ngư trường Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Và vươn ra xa hơn. Trước đây những chuyến đi dài 10 - 12 ngày chỉ đánh đèn, nay đội tàu còn mở thêm nghề câu mực, câu cá ngừ để tăng thêm sản lượng. Thu nhập của đội tàu cũng tăng dần lên ở mức 4-5 triệu đồng/ người/ tháng.
                                                                                          Tâm Phùng

,