“Cơ hội quảng bá du lịch hang động Quảng Bình”...

Cập nhật lúc 15:37, Thứ Ba, 14/06/2011 (GMT+7)

(Đồng chí Lê Hùng Phi, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc sở VH-TT-DL trả lời phỏng vấn phóng viên báo Quảng Bình).

 . PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của “Tuần Văn hóa-Du lịch Quảng Bình năm 2011”?

 . Đồng chí Lê Hùng Phi: Tuần văn hóa - du lịch Quảng Bình năm 2011 có một ý nghĩa rất to lớn, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, quảng bá, giới thiệu sự kỳ vĩ của hệ thống hang động tỉnh ta để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.

Các hoạt động đang được tổ chức trên các địa bàn trọng điểm: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thành phố Đồng Hới, huyện Bố Trạch với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng tạo ấn tượng đẹp đối với du khách. Trong đó trọng tâm là chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam).

Có thể nói quê hương Quảng Bình chúng ta tự hào vì có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có lịch sử phát triển địa chất phức tạp và lâu dài khoảng hơn 400 triệu năm, có hệ thống hang động kỳ vĩ được xem là cổ nhất Đông Nam Á và nhiều kỷ lục guiness về hang động. Những phong cảnh kỳ thú của hang động, những cảnh quan huyền bí, những cánh rừng hoang sơ nguyên thủy cùng dòng sông Son thơ mộng sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa quảng bá giới thiệu được nhiều so với tiềm năng vốn có. Bởi vậy, lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia, đây được xem là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Quảng Bình, giới thiệu vương quốc hang động kỳ vĩ Quảng Bình với du khách trong nước và quốc tế.

Nhân đây cũng xin nói rõ thêm về chương trình truyền hình trực tiếp phát sóng trên VTV1, VTV4 vào đêm 11- 6. Chương trình mang tên: “Du lịch hang động kỳ vĩ ở Quảng Bình” được truyền hình trực tiếp trong động Thiên Đường. Kịch bản chương trình có lồng ghép cảnh quay về hang Phong Nha, hang Tiên Sơn, hang Sơn Đoòng, kết hợp phỏng vấn đại diện UNESCO tại Việt Nam, các nhà khoa học về địa chất, cùng nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc do các nghệ sĩ  trung ương và địa phương thể hiện. Vì vậy, số lượng người có mặt tại động Thiên Đường sẽ không nhiều, Ban tổ chức rất mong bà con nhân dân theo dõi sự kiện qua màn ảnh nhỏ.

 . PV: Xin đồng chí nêu rõ thêm tiềm năng thế mạnh của du lịch tỉnh ta?

 . Đồng chí Lê Hùng Phi: Quê hương Quảng Bình chúng ta luôn tự hào vì có lịch sử cách mạng hào hùng, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tiềm năng thế mạnh của du lịch Quảng Bình thì nhiều, tôi chỉ xin được giới thiệu đôi nét về vai trò của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng trong tổng thể của con đường Di sản miền Trung.

Có thể nói Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng là tâm điểm của hoạt động du lịch Quảng Bình, một sự hấp dẫn lôi cuốn du khách đến với quê hương Quảng Bình. Trên phương diện quản lý Nhà nước, thời gian qua ngành VH-TT-DL đã đề xuất với UBND tỉnh trong việc chủ động phối hợp liên kết với các tỉnh bạn ở dải đất miền Trung đẩy mạnh hoạt động du lịch.

Trên con đường Di sản miền Trung, điểm du lịch tỉnh ta có vị thế là điểm đầu của du khách miền Bắc. Khi tham quan con đường Di sản miền Trung các tuyến giao thông từ bắc vào nam khá thuận lợi. Đó là tuyến máy bay, tàu hỏa, đường bộ sẽ đưa du khách từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thẳng tới Đồng Hới. Điểm du lịch tỉnh ta cũng đóng vai trò quan trọng nối du lịch miền Trung với các tỉnh trung Lào và đông bắc Thái Lan. Khi cầu hữu nghị Mê Công 3 hoàn thành sẽ kết nối đưa du khách từ Lào, Thái Lan qua cửa khẩu Cha Lo về tham quan các điểm du lịch Quảng Bình.

Quảng Bình còn nổi tiếng với những tài nguyên du lịch nhân văn từ các di chỉ văn hóa cổ thuộc nền văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn. Các điểm du lịch văn hóa tâm linh như núi Thần Đinh, đền các liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng, đền thờ công chúa Liễu Hạnh, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Các di tích lịch sử như: Quảng Bình quan, Lũy Thầy, Rào Sen, Bàu Tró; các địa danh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại như đường Hồ Chí Minh, các làng  chiến đấu Cự Nẫm, Cảnh Dương, các điểm di tích Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại…

Sự kỳ vĩ và tráng lệ của hệ thống hang động Phong Nha- Kẻ Bàng. Ảnh P. Hòa
Sự kỳ vĩ và tráng lệ của hệ thống hang động Phong Nha- Kẻ Bàng. Ảnh P. Hòa

 

Nhiều danh nhân trên nhiều lĩnh vực quân sự, văn hóa - xã hội như nhà văn hóa Dương Văn An, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà thơ Nguyễn Hàm Ninh, nhà thơ Lưu Trọng Lư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Đó là tiền đề cho du lịch Quảng Bình phát triển.

 Riêng “vương quốc” hang động Phong Nha - Kẻ Bàng thời gian qua đã có sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế ngày càng lớn nhờ sự quan tâm thu hút đầu tư của tỉnh ta. Từ chỗ mở đầu là điểm hang động Phong Nha kế tiếp là động Tiên Sơn, nay vừa mới đưa vào hoạt động là động Thiên Đường, tiếp nối sẽ là một số hang động khác trong hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng.

. PV: Vậy định hướng tương lai cho du lịch tỉnh ta sau hoạt động của tuần văn hóa- du lịch ?

. Đồng chí Lê Hùng Phi: Tuần lễ Văn hóa - Du lịch sẽ là một đợt tập duyệt để tạo tiền đề hàng năm có một lễ hội thường niên thu hút du khách đến tham quan Quảng Bình. Như vậy, sau sự kiện này sẽ có rất nhiều việc phải làm. Đó là tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư khai thác hoạt động du lịch tại Quảng Bình.

Tỉnh sẽ có cơ chế nhằm khuyến khích các nhà đầu tư có uy tín trên cơ sở tăng cường vai trò quản lý nhà nước về di sản văn hóa, về kinh doanh du lịch, bảo vệ nghiêm ngặt cảnh quan môi trường Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Bảo tồn các giá trị thẩm mỹ, các giá trị địa chất, các giá trị sinh học, bảo vệ môi trường nước,môi trường sinh thái cho các loài động vật, thực vật trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng.

 Nghiêm túc nhìn lại chúng ta thấy cơ sở hạ tầng dịch vụ đầu tư cho du lịch ở tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Hạn chế trong hoạt động du lịch ở tỉnh ta vẫn còn. Có thể nêu dẫn chứng như quảng bá tuyên truyền còn ít, hệ thống khách sạn nhà nghỉ theo chuẩn còn thiếu, các điểm vui chơi giải trí quy mô để thu hút du khách còn nghèo nàn đơn điệu, nguồn nhân lực phục vụ du lịch tỉnh ta còn trong thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”...     

Để hoạt động du lịch ngang tầm với tiềm năng, phù hợp với tiến trình phát triển chung của khu vực và cả nước chúng tôi xin nêu một số giải pháp sau: đề xuất UBND tỉnh sớm quyết định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; ban hành các văn bản về quản lý du lịch nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để quản lý, khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; có chính sách ưu đãi đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút các nhân sự có chất lượng về phục vụ sự nghiệp du lịch quê hương. 

Trên cơ sở luật pháp của Nhà nước, cần tạo mọi điều kiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với du lịch Quảng Bình. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch. Trước mắt tỉnh đã dành sự quan tâm tới việc xúc tiến quảng bá du lịch thông qua truyền hình, báo chí, internet, hội chợ, các sự kiện văn hóa tại các thị trường mục tiêu.

Đồng thời với quảng bá giới thiệu hoạt động du lịch là việc tuyên truyền giới thiệu sâu rộng về văn hóa truyền thống của quê hương Quảng Bình, tạo cho du khách những ấn tượng tốt đẹp về mảnh đất, con người, lịch sử, văn hóa Quảng Bình.

Hy vọng mùa hè này, nhất là tháng 6-2011, du khách trong nước và quốc tế sẽ có nhiều điều thú vị khi đến tham quan tại Quảng Bình.
   
    .PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !
  
                                                                          Phan Hòa ( thực hiện)

,
.
.
.