Ba vấn đề của du lịch tỉnh nhà

Cập nhật lúc 15:21, Thứ Ba, 14/06/2011 (GMT+7)

Du lịch đang là một ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương. Nhiều địa phương trong nước đã phát huy khá tốt tiềm năng lợi thế về du lịch và đang hái ra tiền từ ngành công nghiệp không khói này. Nhưng với tỉnh ta điều đó đang còn ở phía trước. Có lẽ những điều chúng tôi nói đến sau đây không phải là quá mới mẻ. Nhưng chắc chắn tác động của nó đến phát triển du lịch nói chung và lượng du khách đến Quảng Bình nói riêng là không nhỏ...
                       
Xác định du lịch là một lĩnh vực mũi nhọn, trong những năm qua toàn tỉnh đã tập trung đầu tư cho phát triển du lịch. Nhờ đó du lịch có bước tăng trưởng khá. Lượng du khách đến Quảng Bình hàng năm tăng lên nhanh chóng.

Con số thống kê của 5 năm trở lại đây thể hiện rất rõ điều đó. Nếu năm 2005 lượng du khách mới chỉ 52,7 vạn thì năm 2010 là 80 vạn và 4 tháng đầu năm nay đã có con số 28,2 vạn lượt khách, tăng trưởng bình quân năm 9,7%. Đi đôi với lượng khách, doanh thu du lịch cũng đã có những bước tiến đáng kể, năm 2005 là 57 tỷ đồng thì năm 2010 là 170 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 23%...

Tuy nhiên, theo các báo cáo của ngành chức năng, lượng khách đến Quảng Bình tập trung vào việc tham quan động Phong Nha (nay thêm động Thiên Đường) chiếm hơn 40% tổng số khách. Điều đáng nói nữa là lượng khách lưu trú ở tỉnh ta khá thấp và đáng buồn là ngày lưu trú đang giảm dần, như năm 2000 ngày lưu trú của khách đạt 1,19 ngày thì đến năm 2010 giảm còn 1,16 ngày, khách quốc tế còn giảm nhiều hơn. Và như vậy nếu tính tăng trưởng du lịch một cách tổng thể là còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân của tình trạng trên là gì? Theo chúng tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng với góc nhìn của mình, có ba vấn đề nổi lên sau đây.

1. Có nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng du lịch của tỉnh ta là rất phong phú. Có lẽ ý kiến đó không sai.  Nhưng, từ tiềm năng đến...thu ngân sách còn là khoảng cách xa vời... Theo chúng tôi hiện  nay du lịch của tỉnh ta đang là dạng “tốt lõi”. Chúng ta có một di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng (PN-KB) hết sức tuyệt vời với hệ thống hang động (và cả quần thể sinh thái...) được đầu tư tương đối chỉn chu để mê hoặc du khách và... chấm hết!

Công bằng mà nói, còn nhiều điểm du lịch nữa nhưng... không có khách tham quan hoặc là có thì chỉ con số bé nhỏ. Bởi lẽ chúng ta chưa tạo nên sự hấp dẫn thực sự mà chỉ mới hấp dẫn mỗi...chúng ta! Cứ ra ngoài tỉnh mà hỏi, Quảng Bình có điểm du lịch nào thì khó có ai biết thêm điểm nào khác ngoài PN-KB. Mà cha ông đã dạy, rằng “xấu đều hơn tốt lõi” đấy thôi!

Vậy với tỉnh ta, ngoài PN-KB cần đầu tư thêm những điểm du lịch nào cho thật hoành tráng để cuốn hút du khách? Trước hết điểm này phải có cự ly nhất định, đủ xa với PN-KB, để tránh việc du lịch “kép”, nghĩa là không tăng thêm thời gian lưu trú tại tỉnh. Thứ hai, điểm du lịch này phải khác “hệ” với PN-KB. Với hai tiêu chí này cùng với sức nặng nội tại, theo chúng tôi đó là khu vực lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với suối nước khoáng Bang.

Hiển nhiên, nay những điểm này cũng được coi là những điểm du lịch, nhưng điều muốn nói ở đây là phải đầu tư lớn, tạo nên một sự vượt bậc, nổi trội cả về quy mô và sự linh thiêng, tạo nên một cụm du lịch phía nam tỉnh, có tiếng tăm, có địa chỉ trong “làng” du lịch quốc gia...Một điểm thứ hai là Vũng Chùa- Đảo Yến và đền thờ Liễu Hạnh công chúa. Ở đây có thế mạnh về thiên nhiên thoáng đãng, biển đẹp, có hòn đảo nhỏ... nhưng đó mới là cái “nền” chưa đủ níu kéo du khách, mà phải từ cái “nền” đó kiến tạo nên những loại hình du lịch hiện đại, phù hợp với nhu cầu hiện nay như nhiều tỉnh đã làm, như một số nơi trên thế giới đã làm.

Du khách tham quan động Thiên Đường. Ảnh V.P
Du khách tham quan động Thiên Đường. Ảnh V.P

Với tỉnh ta chỉ cần tập trung ba điểm đó làm trục xoay cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm là có thể tạo nên nét mới du lịch tỉnh nhà. Còn với PN-KB như hiện nay là quá đủ cho du lịch, kể cả tuyến sông Chày –hang Tối sắp khai trương là hầu như đủ loại hình ở đây, trong thập kỷ này chưa cần mở thêm điểm du lịch nào nữa trong khu vực này.
                    
2. Trong  một thập kỷ qua cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Nếu năm 2000 mới có 22 cơ sở lưu trú với 446 buồng và 1.023 giường thì đến năm 2010 con số tương ứng là 180 - 2.700 và 5.600. Công suất sử dụng buồng cũng đạt tỷ lệ khá, năm 2000 là 42% thì năm 2010 là 57%. Tuy nhiên theo điều tra của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, khách sạn được xếp hàng “sao” chiếm tỷ lệ quá thấp, chỉ 12%, trong đó có hai cơ sở đạt chuẩn 4 sao là Sun Spa Resort - Bảo Ninh của Tập đoàn Trường Thịnh và khách sạn Sài Gòn - Quảng Bình của Công ty CP Du lịch Quảng Bình - Sài Gòn. Một tỷ lệ rất lớn (79%) cơ sở lưu trú hiện nay do tư nhân đầu tư có quy mô nhỏ, các dịch vụ bổ trợ yếu kém, phục vụ thiếu tính chuyên nghiệp và có nhiều cơ sở cũng sẵn sàng...chặt chém khi cao điểm mùa vụ du lịch.

 

Trong khi du khách ngày càng cần sự phục vụ chu đáo hơn, nơi ăn nghỉ chỉn chu hơn, phục vụ chuyên nghiệp hơn. Họ khó chấp nhận phòng nghỉ là “nhà ống” được trang bị máy điều hoà loại rẻ tiền khi chạy, khi nghỉ, không có không gian...  Đây là vấn đề cũng cần đặt ra trong quá trình đầu tư phát triển du lịch ở tỉnh ta trong tương lai.

3. Mấy tháng trước cơ quan tôi có chuyến đi Huế và uống cà phê Huế. Khi trả tiền chị em cứ hỏi quanh nhau, họ có lộn không đó. Vì rẻ quá so với... Quảng Bình. Không chỉ cà phê mà ở ta ăn uống, giải khát, xe thồ... thứ gì cũng đắt. Một điều cũng phải nói, có một thói quen không lấy làm hay lắm là người tiêu dùng ở ta quá dễ dãi trong việc vào nhà hàng. Chủ quán hô bao nhiêu cũng gật tất. Còn chủ quán thì hành xử theo lối ăn xổi ở thì...thành thói quen...chém!

Chúng tôi cho rằng cả người phục vụ và người được phục vụ đều  đáng chê trách... Nhưng với du khách, nhất là du khách nước ngoài thì họ rất căn cơ, lại là người đi nhiều nơi, có con số so sánh dễ nhận ra sự đắt đỏ quá quắt trong từng bát phở, ly cà phê, cuốc xe ôm... Những thông tin này lại có sự lan toả rất nhanh trong cộng đồng cư dân du lịch. Và tất nhiên sẽ có tác động đến từng cá nhân, các tổ chức khi lựa chọn địa điểm du lịch, tua tuyến du lịch...

                                                                             Văn Hoàng

,
.
.
.