Về vụ đông- xuân 2010-2011:

Khẩn trương thu hoạch để triển khai vụ hè thu

Cập nhật lúc 12:01, Thứ Tư, 08/06/2011 (GMT+7)

 

Nông dân Quảng Ninh sử dụng máy gặt trong thu hoạch.
Nông dân Quảng Ninh sử dụng máy gặt trong thu hoạch.

      Là một vụ mùa gian nan nhưng kết cục thắng lợi giòn giã. Có thể đánh giá khái quát như vậy về vụ sản xuất đông- xuân năm nay ở tỉnh ta. Lúc này lúa đã bắt đầu chín rộ. Những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt đang được nông dân khẩn trương thu hoạch để chuẩn bị cho vụ hè thu...

 

Cũng cần nhắc lại những khó khăn khá “bất thường” trong sản xuất vụ đông xuân năm nay. Đó là vào vụ mưa dầm, nước lênh láng các cánh đồng làm chậm việc gieo cấy. Khi cây lúa chưa kịp bén rễ là rét, rét đậm, rét hại làm cả ngàn ha lúa chết rét phải gieo lại. Tiếp đó là nhiệt độ xuống thấp trong thời gian dài làm cây lúa sinh trưởng chậm, có thời gian như đứng yên, kéo theo là mùa vụ chậm gần một tháng, điều xưa nay ít có.

Nhưng lúc này, đầu tháng 6, trên cánh đồng xã An Ninh, lúa tốt bời bời, nhiều thửa cây lúa đã trĩu hạt, vàng ươm, có nơi nông dân đã xuống đồng gặt... Anh Nguyễn Duy Viên, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho biết, với diện tích 235 ha, năng suất bình quân là 71 tạ ha, cao hơn vụ đông xuân năm 2010, có nhiều diện tích đạt năng suất kỷ lục, 80 tạ/ha.

Trên cánh đồng phẳng lỳ như sân  phơi thóc, nông dân đã bắt đầu thu hoạch, và gặt đến đâu cày ải đến đó. Anh Viên cho biết thêm, một số giống lúa mới thể hiện khá rõ sự nổi trội trong năng suất, như TBR1, TX 28, nhưng năm nay diện tích sử dụng giống này của HTX chưa lớn, mới 25 ha, nếu mở rộng sẽ có bước tiến nữa trong năng suất và sản lượng vụ đông xuân của địa phương.

Được biết Thống Nhất là nơi có nhiều “triệu phú” nông dân, năm nay những hộ gia đình như ông Nguyễn Phong Hiển, Nguyễn Đại Ơn...tiếp tục thu hơn vài chục tấn lúa. Không chỉ An Ninh, các xã khác trong huyện như Xuân Ninh, Tân Ninh, Vạn Ninh... cũng được mùa.

Anh Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết năm nay Quảng Ninh thắng lợi lớn trong sản xuất đông xuân, năng suất bình quân là 57 tạ/ ha cao hơn năm 2010 đến 2 tạ/ha. Để có được một vụ mùa nông dân phấn khởi như hôm nay, cả huyện đã trải qua những tháng ngày lo âu. Không chỉ rét, năm nay cây lúa đối mặt với nhiều loại sâu bệnh, trong đó có nạn chuột phá hại. Nếu huyện không “làm” quyết liệt thì khó vẹn tròn hạt lúa.

Một địa phương khác là rốn lúa của tỉnh, huyện Lệ Thuỷ, với diện tích gieo cấy 9600 ha, theo đánh giá bước đầu, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái. Các địa phương có năng suất cao là An Thuỷ, Lộc Thuỷ, Phong Thuỷ...Tại HTX Thượng Phong (Phong Thuỷ), anh Võ Văn Khinh, Chủ nhiệm HTX cho biết năng suất bình quân trên diện tích 250 ha lúa của HTX đạt 66 tạ/ha, cao hơn năm ngoái 2 tạ/ha. Anh cho biết thêm, năm nay huyện đã có biện pháp quyết liệt trong việc trừ nạn chuột phá hại.

Với việc hỗ trợ 500 triệu đồng cho tất cả các địa phương trong huyện để đồng loạt đánh bả sinh học diệt chuột đã có hiệu quả cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột. Đây là tiền đề quan trọng cho việc khôi phục lại sản xuất hè thu như những năm trước đây.

Không chỉ được mùa ở các địa phương “rốn lúa”, huyện Tuyên Hoá cũng có một vụ mùa đạt khá. Theo anh Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, năm nay năng suất lúa đạt khoảng 55 tạ/ha và ngô đạt 52 tạ/ha, đều cao hơn năm 2010...

Đến tại thời điểm này, có thể nói vụ đông xuân đã kết thúc thắng lợi, chỉ còn lại mỗi việc thu hoạch. Nhưng với nghề nông thì “cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn” trên đồng đất, trong khi hệ luỵ của việc vụ đông xuân kéo dài đang để lại một món nợ với... đất trời.

Theo tính toán của các địa phương vụ hè thu năm nay sẽ chậm tiến độ từ 20-30 ngày. Với vụ hè thu thì đây là khoảng thời gian “ chết người”, cây lúa rất dễ làm mồi cho thần nước, nhất là những vùng thấp lụt. Để hạn chế “sự cố” chậm vụ hè thu, anh Hoàng Văn Mịn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, chỉ đạo của Sở là khẩn trương thu hoạch vụ đông xuân với tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”, đồng thời tiến hành cày ải ngay những diện tích đã gặt, tận dụng cơ giới trong thu hoạch, làm đất để đẩy nhanh tiến độ...

Tại huyện Quảng Ninh, theo anh Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện là huyện  chỉ đạo các địa phương sử dụng giống lúa cực ngắn và hỗ trợ bù giá cho bà con. Anh Viên, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất, cho biết năm nay vụ hè thu chậm đến 20-30 ngày so với lịch nông vụ, với địa bàn thấp trũng của địa phương thì đây là một bất lợi lớn, vì vậy HTX sẽ sử dụng các giống cực ngắn như CN2, 504... đề phòng lũ sớm ...

Khi làm vụ hè thu bằng lúa tái sinh thì không phải lo chuyện lũ lụt dù đó là rốn lũ Lệ Thuỷ. Tuy nhiên, mùa vụ quá chậm cũng phải cảnh giác với lũ sớm, dù là lúa tái sinh, không thể chủ quan. Hơn nữa, theo anh Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện, năm nay một số địa phương đã rục rịch làm lại vụ hè thu bằng gieo cấy thông thường chứ không thả tái sinh 100% như những năm trước nên cũng phải chỉ đạo dùng giống lúa ngắn ngày...

Với huyện Tuyên Hoá, anh Nguyễn Tri Phương cho biết để khắc phục việc chậm mùa vụ, nhất là những địa bàn thấp lụt, một mặt sử dụng giống lúa ngắn ngày, mặt khác thực hiện gieo mạ trong sân rồi đưa ra cấy, với cách làm này có thể rút ngắn thời gian từ 10-15 ngày so với gieo như hiện nay.

Trước tình trạng chậm mùa vụ và các địa phương đồng loạt sử dụng giống ngắn ngày, liệu có xẩy ra  tình trạng thiếu giống? Khi đặt vấn đề này với anh Hoàng Văn Mịn, anh cho biết Sở cũng đã chỉ đạo Công ty Giống cây trồng tỉnh chuẩn bị đủ cơ số giống cho các địa phương với những giống ngắn dưới 90 ngày như giống CN2, 504, PC6, HT1...

Cùng với các vấn đề trên, lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng sát cánh cùng bà con nông dân tiếp tục thực hiện tốt các chính sách khuyến nông, phòng trừ dịch bệnh góp phần giành thắng lợi vụ thứ hai của một năm đầy khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp.

                                                                                       Văn Hoàng

,
.
.
.