Hội nghị trực tuyến: Về tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm.

Cập nhật lúc 09:31, Thứ Hai, 04/07/2011 (GMT+7)

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta dự hội nghị trực tuyến. Ảnh Văn Phúc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh ta dự hội nghị trực tuyến. Ảnh Văn Phúc.

Ngày 1-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên mở rộng trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội  sáu tháng đầu năm, bàn giải pháp, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm. Ở tỉnh ta, dự  họp có đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các sở, ban ngành...

 

 Ðánh giá tổng quát tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2011 và kết quả bước đầu thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã nêu rõ: Thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định, tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép, dự trữ ngoại tệ được cải thiện, tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; thu chi NSNN đạt khá; các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghiêm túc cắt giảm, điều chuyển, giãn tiến độ đầu tư công theo đúng tinh thần Nghị quyết 11; tốc độ tăng CPI đã chậm lại trong thời gian gần đây và có chiều hướng giảm dần; đầu tư cho giảm nghèo, nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn được duy trì; nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; an sinh xã hội được quan tâm và có chuyển biến tích cực, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. ..

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng nêu một số hạn chế, yếu kém, trên cơ sở đó, bộ kiến nghị 10 nhóm giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện trong sáu tháng cuối năm.

Trong tình hình chung của đất nước 6 tháng qua, ở tỉnh ta kinh tế ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng; sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân được mùa hơn năm trước, dịch bệnh gia súc gia cầm được khống chế; xây dựng cơ bản đạt khá, một số công trình trọng điểm được tiến hành đúng kế hoạch; thu ngân sách tăng so với cùng kỳ; dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển. Các hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá...có chuyển biến tiến bộ.

Thực hiện có kết quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công; an sinh xã hội được quan tâm đúng mức, hỗ trợ kịp thời để giải quyết  những khó khăn của nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng bị thiên tai. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. An ninh quốc phòng được giữ vững ...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật một số khó khăn, thách thức từ đầu năm đến nay: Lạm phát thế giới và khu vực, giá cả xăng dầu, lương thực, nguyên, vật liệu tăng cao, khủng hoảng chính trị ở Trung Ðông, Bắc Phi, động đất, sóng thần ở Nhật Bản tác động tiêu cực nền kinh tế nước ta. Cùng với đó là các hành vi đe dọa chủ quyền an ninh quốc gia trên Biển Ðông.

Trong bối cảnh đó, từ đầu năm, Chính phủ đã đề ra Nghị quyết 11 và đến nay đã đạt được kết quả bước đầu tích cực nhờ sự đồng thuận của toàn xã hội, thể hiện ở các mặt: Lạm phát đã tăng chậm lại, đang có xu hướng tiếp tục giảm; kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực; thị trường ngoại tệ và vàng được kiểm soát hiệu quả; dự trữ ngoại tệ tăng thêm khoảng ba tỷ USD và khả năng còn tăng thêm; lãi suất ngân hàng đã được kiểm soát; tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện. Việc thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công được triển khai nghiêm túc. Thu NSNN đạt khá, góp phần giảm bội chi NSNN. Việc bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.  Cũng trong sáu tháng qua, chúng ta đã quan tâm, chỉ đạo và làm tốt công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia...

Ðề cập các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Qua thảo luận đánh giá, Chính phủ nhất trí nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm là tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các giải pháp lớn phải triển khai theo tinh thần Nghị quyết 11,  là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; tăng trưởng tín dụng không quá 20%, dành hạn mức tín dụng này cho phát triển sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ;  quản lý chặt chẽ hơn nữa thị trường ngoại hối, vàng; tăng cường quản lý, kiểm soát lãi suất minh bạch, kéo dần lãi suất tín dụng xuống phù hợp mức giảm CPI; tăng cường quản lý thị trường bất động sản, không để xảy ra đổ vỡ.

Kiên trì thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm chi ngân sách 10%, dành khoản tiết kiệm này cho an sinh xã hội. Tiếp tục rà soát, điều chuyển, cắt giảm đầu tư công, kiểm soát hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện các biện pháp tăng thu để giảm bội chi NSNN.  Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung chỉ đạo kiểm soát giá, ổn định thị trường, ngăn chặn đầu cơ tăng giá bất hợp lý.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội với quyết tâm không để các hộ nghèo, hộ chính sách bị đói lúc giáp hạt, thiên tai, trong đó phải bảo đảm đưa lương thực hỗ trợ của Chính phủ đến tận tay người dân. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành, địa phương vận động các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng tiền ăn trưa, cải thiện đời sống cho người lao động...

Thủ tướng lưu ý: Bên cạnh các giải pháp trước mắt, chúng ta phải triển khai giải pháp có tính chất cơ bản, lâu dài để tái cấu trúc nền kinh tế, mô hình tăng trưởng. Các bộ, ngành, địa phương bên cạnh các nhiệm vụ trước mắt, cũng phải triển khai các biện pháp lâu dài nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, trong đó chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại.

Quan tâm công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quyết liệt hơn nữa bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát, kiềm chế tai nạn giao thông. Ðặc biệt quan tâm, kiên quyết thực hiện công tác đối ngoại, an ninh quốc phòng, bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia. Thủ tướng khẳng định: Chính phủ cùng các bộ, ngành chức năng, địa phương tăng cường, đề ra các giải pháp thích hợp để bảo đảm chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo...

                                                                                     V. P

                                                                                                                                                                                                                                                                  

,
.
.
.