Mùa ớt...ngọt

Cập nhật lúc 07:50, Thứ Hai, 27/06/2011 (GMT+7)

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi về Bố Trạch, trời nắng như thiêu, như đốt nhưng trên những cánh đồng ớt trĩu quả, nông dân vẫn hối hả với công việc của mình. Dường như, niềm vui với cây ớt được mùa, được giá khiến họ không còn thấy mệt mỏi trong nền nhiệt 39 độ...

Chúng tôi theo con đường Hồ Chí Minh về các xã trồng ớt trọng điểm của huyện Bố Trạch như Xuân Trạch, Lâm Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm… Từ đầu năm đến nay, giá ớt tươi trên địa bàn tỉnh ta liên tục tăng cao, đầu mùa giá ớt được các công ty bao tiêu sản phẩm mua với giá 7.000 đồng/kg, sau đó tăng dần và hiện đạt 11- 15 đồng/kg (tùy từng loại ớt), cao hơn 3.000 đến 4.000 đồng/kg so với vụ ớt năm 2010, bà con nông dân hết sức vui mừng vì ớt vừa trúng mùa, vừa được giá.

Ông Huy, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết: Đây là vụ ớt đầu tiên được xã trồng thí điểm trên diện tích 6,7 ha, so 1 sào ớt với các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích thì ớt cho thu nhập cao hơn từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng/sào, đầu ra ổn định, công cán đầu tư ít, tiêu thụ dễ, các lứa ớt chín cách nhau một tuần đến 10 ngày nên rất dễ dàng trong công tác thu hoạch. Vụ ớt tới, xã sẽ quy hoạch mở rộng vùng trồng ớt, xem đây là một trong những cây trồng xóa đói giảm nghèo ở Xuân Trạch.

Chúng tôi đi dạo quanh các vựa ớt, dù đang giữa trưa nắng nóng gay gắt nhưng ông Phạm Văn Dương (Hưng Trạch) vẫn cặm cụi ngoài ruộng ớt cùng hô hào người nhà khẩn trương thu hoạch ớt cho kịp thời gian giao bán. Vén vạt áo quyệt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt, ông Dương nhoẻn miệng cười nói: Giống ớt được nông dân trồng là ớt chỉ thiên lai F1, giống ớt chỉ thiên có vị cay nồng và mùi thơm rất đặc trưng nên được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng.

Trồng giống ớt chỉ thiên lai F1 thuận lợi là ít vốn, ăn chịu trên mọi chất đất, ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt, chăm sóc khỏe, sai trái. Sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc cây ớt bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 2 đến 3 tháng sau mới kết thúc, bình quân 1 sào ớt đạt 750 kg, với giá ớt bán được từ 11.000 đến 15.000 đồng/ 1kg, trừ chi phí nông dân lãi khoảng 7.000.000 đồng/sào. Hơn nữa việc thu hoạch ớt lại rất nhẹ nhàng nên ngay cả người già và trẻ em cũng đều thu hoạch được.

Bà con nông dân thu hoạch ớt
Bà con nông dân thu hoạch ớt
Nhưng có lẽ phấn khởi nhất đối với người trồng ớt là trước khi gieo ớt được các công ty kí kết hợp đồng thu mua, do đó, ớt thu hoạch đến đâu được các công ty bao tiêu sản phẩm thu mua đến đó, mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Ngoài ra, do mùa ớt thu hoạch kéo dài và thời gian kết thúc muộn nên nông dân giảm được nhiều chi phí về công làm đất, tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Mùa ớt này, hàng tỷ đồng đã về với người trồng ớt Bố Trạch, người dân thực sự mừng vui vì mùa ớt… ngọt ngào.

Tuy nhiên, đối với cây ớt khi vào vụ thu hoạch phải hái từng trái một nên tốn rất nhiều công lao động để hái cho kịp, nếu không ớt sẽ bị úng, bán mất giá, mà vào mùa ai cũng bận rộn nên thuê mướn nhân công rất gian nan, do đó, người trồng ớt chưa giám mở rộng diện tích.

Bà Phan Thị Sân, Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Ánh Sáng (Khu làng nghề Thuận Đức) cho biết: Giá ớt năm nay tăng cao là do thị trường ớt trong nước tiêu thụ mạnh, ớt nguyên liệu xuất sang các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Campuchia… đang hút hàng. Hiện nay, công ty đang đặt các cơ sở ở các địa phương trong toàn tỉnh để thu mua, nhưng lượng cung không đủ cầu. Giá ớt trong thời gian tới sẽ tiếp tục còn giao động ở mức cao.

Theo thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, toàn huyện có 57 ha ớt, tăng 12 ha so với vụ ớt năm 2010. Trong những năm gần đây mô hình trồng cây ớt đã đem lại lợi nhuận rất cao, nhiều nông dân địa phương nhờ gắn bó với loại cây này mà đã khá lên thoát khỏi nghèo khó. Nhưng điều trăn trở của bà con cũng như lãnh đạo huyện là số diện tích trồng ớt còn nhỏ lẻ. Bởi 57 ha nhưng có đến trên 350 hộ dân trồng ớt, hộ trồng nhiều nhất cũng chỉ gần 2 sào, đa số dưới 1 sào/hộ. Thêm vào đó, cánh đồng ớt ở Bố Trạch trồng không tập trung mà nằm ở nhiều nơi, manh mún...

Hiện cây ớt cũng được xem là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, có thể khuyến khích người dân mở rộng diện tích nhưng phải có sự theo dõi chỉ đạo của cán bộ xã, huyện để tránh tình trạng thừa sản phẩm, “thiếu” đầu ra.
                                                                                                       B. Ánh

,
.
.
.