Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

  • 09:00 | Thứ Hai, 25/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
 
I. Mục đích yêu cầu
 
1. Mục đích
 
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.
 
Góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh.
 
2. Yêu cầu
 
- Quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung Chỉ thị số 27-CT/TW và kế hoạch này đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên toàn tỉnh bảo đảm nghiêm túc, đáp ứng mục đích đề ra.
 
- Xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính thường xuyên của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và bảo đảm phân công, phân cấp cụ thể, rõ đầu mối thực hiện.
 
- Các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực phải được lượng hóa cụ thể, bảo đảm thực chất và phải thực hiện đồng bộ, toàn diện, gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực.
 
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thanh tra, kiểm tra, giám sát, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
 
II. Nhiệm vụ và giải pháp
 
1. Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
 
- Tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 27-CT/TW, kế hoạch này và các văn bản liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
 
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế-xã hội cho phát triển của tỉnh.
 
- Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức và huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao hiệu quả thực hiện.
 
- Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, nhân dân tích cực tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá, chế độ chỉ tiêu công
 
- Tập trung rà soát, nghiên cứu, tham gia góp ý hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi; tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, như:
Đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.
 
- Rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
- Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về mua sắm công, xây dựng và sử dụng trụ sở, tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.
 
3. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia
 
- Kịp thời cụ thể hóa và triển khai các quy định pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục các bất cập, chồng chéo giữa các quy định liên quan đến quản lý tài chính công, đầu tư công và quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy nhanh lộ trình cải cách chính sách thuế; nâng cao chất lượng công tác dự báo; lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; đổi mới việc phân bổ, đẩy mạnh quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
 
- Xây dựng và tổ chức triển khai có hiệu quả chiến lược và chương trình quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm, hàng năm bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng các lĩnh vực then chốt, như: Đầu tư, năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước, tài sản công.
 
- Có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA gây thất thoát, lãng phí lớn, các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
 
- Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường. Tăng cường công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nguồn lực quốc gia và địa phương...; nêu cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu đối với việc gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản công.
 
- Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện nghiêm chủ trương, mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026...; tiếp tục hoàn thiện vị trí việc làm gắn với biên chế của khu vực công, tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, con người. Tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
 
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều đơn, thư, khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực; thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của các cơ quan chức năng, thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước.
 
4. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
 
- Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh.
 
- Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát.
 
- Bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế, hương ước, quy ước của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
- Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội.
 
III. Tổ chức thực hiện
 
1. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.
 
2. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, nhân dân tích cực tham gia, giám sát việc thực hiện chỉ thị và chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
3. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát kế hoạch này; tham mưu sơ kết, tổng kết báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Baoquangbinh.vn

tin liên quan

Phát huy tinh thần giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời

Với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, HĐND các cấp đã bám sát nghị quyết của Quốc hội, bám sát thực tiễn, tích cực đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

"Sẵn sàng cống hiến sức trẻ vì cộng đồng"

(QBĐT- Là đoàn viên xuất sắc trong các hoạt động, Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Đồng Tâm, phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) Hà Hồng Ngọc (SN 1996, giáo viên dạy tiếng Anh) là đoàn viên duy nhất của tỉnh Quảng Bình vinh dự tham gia Liên hoan Thanh niên Thế giới năm 2024 tại Liên bang Nga.
 

Quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"

Khi đề cập đến những nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Trong mọi công việc của Ðảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".