.

Đàn bò nhân đạo

Thứ Sáu, 18/10/2013, 18:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm giúp cho bà con giảm nghèo nhanh và bền vững, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Minh Hóa đã có nhiều hoạt động chăm lo cho đời sống người dân. Đặc biệt là phong trào phát triển đàn bò nhân đạo từ “Ngân hàng bò” và Chương trình phục hồi thiên tai do các cấp Hội CTĐ triển khai. Phong trào được thực hiện từ năm 2010 đến nay đã phát huy tốt hiệu quả, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình và cấp trên đánh giá cao.

Năm 2010, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã xảy ra trận lũ lịch sử khiến hàng trăm con trâu bò của người dân bị chết và mất tích. Để bù đắp những thiệt hại cho người chăn nuôi, Hội CTĐ huyện Minh Hóa đã đề xuất với cấp trên hỗ trợ lại đàn bò cho bà con.

Ngay trong năm đầu thực hiện, Hội CTĐ đã cấp 160 con bò cho 160 hộ nghèo, trong đó có 100 con được cấp từ “Ngân hàng bò” của Trung ương Hội và 60 con từ Chương trình phục hồi thiên tai. Bò được cấp là bò cái sinh sản, trị giá mỗi con 7 triệu đồng và được phân bổ cho 8 xã trên địa bàn huyện.

Ông Cao Thanh Bình, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Minh Hóa cho biết: “Việc lựa chọn mua giống bò được trao quyền cho các hộ hưởng lợi nhưng có sự hướng dẫn của cán bộ Hội CTĐ và cán bộ thú y các cấp. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm thú y tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho người dân. Để theo dõi và quản lý chặt đàn bò nhân đạo, Hội CTĐ các cấp đã lập hồ sơ theo dõi “quỹ bò” để nắm tình hình. Các hộ gia đình cũng có sổ theo dõi về tình hình bệnh tật, thời gian phối giống, đẻ bê con”...

Đàn bò nhân đạo đã góp phần phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Minh Hóa.
Đàn bò nhân đạo đã góp phần phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Minh Hóa.

Cứ 3 tháng, cán bộ Hội CTĐ và cán bộ thú y đến từng hộ hưởng lợi để nắm tình hình nhằm theo dõi đàn bò. Tuy trận lũ năm 2011 đã làm chết mất 43 con bò nhưng đến nay đã phát triển lên gần 230 con, giao thêm cho 43 hộ hưởng lợi. Các hộ nhận bò đều chăm sóc chu đáo, chuồng trại luôn bảo đảm.

Mỗi con bò giống sau khi đẻ lứa đầu tiên là bê cái thì hộ hưởng lợi phải chuyển giao cho hộ nghèo khác, còn bê đực thì hóa giá, hoặc bán đi rồi xung tiền vào quỹ và lấy số tiền đó mua bò giống tiếp. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống và bê nghé sau này. Nhờ thế mà đàn bò trong huyện những năm qua liên tục tăng lên. Đến nay, toàn huyện Minh Hóa đã có gần 12 nghìn con bò.

Anh Đinh Quốc Dân, một người hưởng lợi bò nhân đạo phấn khởi: “Ba năm trước, gia đình tôi cũng được Hội CTĐ hỗ trợ cho 7 triệu đồng để mua bò giống. Giờ bò đã sinh được thêm hai con rồi, chuyển giao cho hộ khác một con. Chừ con bò mẹ và con bê con này là của nhà tôi đó. Có thể cuối năm nay, bò tôi lại tiếp tục đẻ thêm một con bê nữa. Và vài năm nữa sẽ có bò cày rồi”.

Chị Đinh Thị Phương, một người được hưởng lợi ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa cho biết: “Tôi rất vui mừng khi nhận một con bê cái từ một hộ trong thôn theo yêu cầu của Hội CTĐ. Đó là thứ tài sản lớn đối với một gia đình nghèo như tôi. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc con bò này và xem đó là cơ sở để nhà tôi thoát nghèo sau này”. Gia đình chị Phương là một hộ nghèo lâu năm trong xã. Chồng mất đã khá lâu để lại chị nuôi bốn người con trong độ tuổi ăn học. Nhà cửa của chị vẫn còn đang tạm bợ, đất sản xuất thì ít ỏi lại khô cằn nên rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Sau khi nhận được con bê cái, chị Phương đã đầu tư làm chuồng trại và trồng cỏ cho bò ăn. Qua gần một năm, con bê nhà chị đã to béo và khoảng hai năm nữa là cho sinh sản.

Ông Cao Quang Cảnh, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh nhận định: “Việc phát triển đàn bò nhân đạo trước mắt và sau này sẽ góp phần tăng đàn bò trên địa bàn huyện Minh Hóa nói chung và tỉnh ta nói riêng. Qua đó sẽ góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo môt cách bền vững nhất. Đây chính là hoạt động mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của dự án Ngân hàng bò của Trung ương Hội và Chương trình hồi phục thiên tai đối với huyện nghèo như Minh Hóa”.

Việc phát triển đàn bò nhân đạo đã được Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân huyện Minh Hóa ghi nhận và đánh giá cao. Đó là mô hình mới thực sự hiệu quả và bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau trong quần chúng nhân dân. Để tiếp tục phát triển đàn bò nhân đạo, ông Cảnh cho biết sẽ triển khai, nhân rộng mô hình đến các xã vùng cao biên giới và nhiều địa phương trong tỉnh.                                                                        

Xuân Vương