.

Sau bão... có những cảnh đời đắng chát!

Thứ Năm, 17/10/2013, 19:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày sau bão, tôi trở lại thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh. Cuộc sống dường như đã lấy lại được dáng vẻ bình thường, nếu không có những gốc cây cổ thụ gãy đổ, không có những mảnh tôn, miếng lợp nằm vương vất thì không ai nghĩ rằng vệt đất dài hẹp này cùng với cả xã, cả huyện, cả tỉnh vừa chịu sự tàn phá của "siêu bão" số 10. Trưởng thôn Thống Nhất Võ Văn Thắng đưa tôi đi quanh một vòng thôn, ông nói: "Thấy rứa thôi, chứ trong thôn, sau bão có rất nhiều cảnh đời bất hạnh, túng bần càng bần cùng hơn, đắng chát lắm anh ạ!"

Ông trưởng thôn bảo: "Đi với tui... những gia đình ni đều cảm cảnh lắm, người thì đơn thân, người thì tâm thần. Bình thường đã nghèo khổ, nay bão số 10 phá nát nhà, nát cửa lấy chi mà lợp lại chổ trú nắng, trú mưa, rồi thêm miếng cơm, manh áo hàng ngày. Thiệt khổ!".

Hai ngôi nhà chúng tôi đến nằm kề nhau, chủ của hai ngôi nhà là mẹ con. Hai ngôi nhà đều bị tan hoang, bão qua, thiệt hại để lại là mái nhà trống huơ, trống hoác rất thảm thương. Người mẹ ngã bàn tay nhăn nheo xin: "Có tiền, cho mệ ít để mua gạo". Phàm trong cuộc sống, rất nhiều người vốn hay quen xin xỏ... quen đến độ không biết ngượng là gì.

Nhưng Trưởng thôn Thống Nhất và bà con xóm giềng bảo: "Mệ ấy tội, mệ xứng đáng được các cấp, các ngành xem xét, quan tâm, hỗ trợ". Tôi ngồi ghé trên chiếc giường cũ nát, ọp ẹp, người mẹ lục tìm đưa cho tôi xem tấm bằng công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước vinh danh tặng cho Thanh niên xung phong Quảng Bình trong đó có cá nhân bà- Nguyễn Thị Thẻn, sinh năm 1936. Và tấm bằng này- thứ quý giá nhất của bà Nguyễn Thị Thẻn cũng bị bão làm nát bươm.

Chị Hồng trước căn nhà cũ nát của mình.
Chị Hồng trước căn nhà cũ nát của mình.

Vợ chồng bà Thẻn có hai người con gái: Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1975), Nguyễn Thị Lương (sinh năm 1977). Chồng bà mất năm 2003, và trong chừng ấy năm, đôi vai gầy của bà Thẻn gồng gánh thêm những nặng nợ cuộc đời từ hai đứa con gái của mình đem lại. Nguyễn Thị Hiền không chồng, có một con gái tên Nguyễn Thị Kiều Oanh, bị tàn tật, chỉ học đến lớp bốn rồi ở nhà vì cái chữ rất xa lạ đối với Oanh. Hai mẹ con chị Hiền được các cấp chính quyền hỗ trợ làm cho ngôi nhà tình nghĩa ở gần nhà mẹ. Bão qua, nhà bay mất mái, mẹ con di cư xuống căn bếp tuềnh toàng, chưa biết lúc nào lợp lại được nhà vì không có tiền.

Nguyễn Thị Lương ở với bà Thẻn, cũng chẳng có chồng nhưng sinh liền 3 đứa con gái: Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Thị Thảo. Nguyễn Thị Thương "dại người" ra đường bị đàn ông lừa gạt có con, sinh ra đặt tên Nguyễn Lâm Trường. Hai mẹ con chị Lương và Thương dắt nhau đi bồng con cho thiên hạ, còn con cháu mình để mặc cho bà Thẻn lo. Thân già mất sức lao động giờ gánh vác thêm nhiệm vụ nuôi cháu, chắt, nên chi bà Thẻn túng bần, nghèo đói, khổ cực là điều hiển nhiên.

Trong ngôi nhà ọp ẹp, bốn thế hệ sống với nhau chẳng cất mặt lên được. Ngôi nhà không biết lúc mô bị sập vì quá đát lắm rồi, cũ nát lắm rồi! "Mệ chừ cần gạo thôi để nuôi mấy đứa cháu. Sau bão, nhà có còn chi ăn mô. Hồi chiều mới đi mượn được hai lon gạo nấu bữa tối. Ai giúp cho mệ đây hè!"- Bà  Thẻn bần thần.

Không xa nhà bà Nguyễn Thị Thẻn có một con ngỏ nhỏ, hai ngôi nhà nằm đối diện nhau, trong hai ngôi nhà đó có hai người bị bệnh tâm thần sinh sống. Trưởng thôn Võ Văn Thắng cho biết: "Chị Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1958, tâm thần nặng lắm! Có những lúc Hồng cứ tồng ngồng hồn nhiên chạy khắp làng, khắp xóm".

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thẻn.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thẻn.

Nhà chị Hồng cận nhà người em trai Nguyễn Duy Vinh. Bão số 10 lật tung mái ngói nhà chị, anh Vinh kịp thời lợp lại. Trong nhà hầu như không có gì đáng giá. Vợ anh Vinh kể rằng: "Cơm nước hai vợ chồng nấu bê qua cho chị, ăn xong, chị liệng bát ra ngoài đường. Áo quần, màn chiếu... mỗi khi lên cơn là chị tung hê hết. Khổ không bút nào tả hết được. Thương chị, vợ chồng tui cố gắng, nhưng gia cảnh tui cũng nghèo. Mong lắm sự chia sẻ của mọi người, của Nhà nước. Làm sao cho chị tui được chút đầy đủ vật chất hàng ngày".

Cuộc sống của Nguyễn Phong Năm, nhà đối diện cũng chẳng hơn gì. Năm bị tâm thần ngày càng nặng, đến bây giờ thì nằm một chỗ trong nhà, sự sống không biết chấm dứt lúc nào. Chị Nguyễn Thị Tâm, chị gái Năm hy sinh cả đời con gái, sống đơn thân để nuôi đứa em tâm thần. Nhà hai chị em  bị bão xô lật hết mái, bà con láng giếng thương đến giúp lợp lại, tạm che nắng che mưa.

"Nghèo rớt mồng tơi", câu ví von bất chợt trở lại trong tôi khi đến thăm những cảnh đời đắng chát ở thôn Thống Nhất sau cơn bão số 10 đi qua. Bình thường họ bất hạnh nhất trong những người bất hạnh, khổ đau nhất trong những người khổ đau. Sau thiên tai, họ chỉ còn lại tay trắng. Bà con chòm xóm của Phong Năm và chị Hồng rỉ tai nhau: "Người điên có biết chi mô về thiên tai, lụt bão. Có chăng gánh nặng càng nặng thêm trên vai người thân của họ. Mong lắm những tấm lòng cảm thông và chia sẻ".

Mong lắm những tấm lòng sẻ chia với những cảnh đời đắng chát tại thôn Thống Nhất. Tôi cũng chỉ biết đem thông điệp này gửi đến bạn đọc khắp cả nước để cùng nhau hướng về Quảng Bình đang mất mát, đau thương sau bão số 10; hướng về những mảnh đời bất hạnh, khổ đau.

Thanh Long