.

Điểm tựa của người nghèo

Thứ Sáu, 05/04/2013, 07:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn mười năm thành lập và phát triển, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Đồng Hới đã và đang nỗ lực hết mình trong việc mở rộng các hoạt động nghiệp vụ, phục vụ tốt nhu cầu vay vốn của nhân dân, góp phần cùng các cấp, ngành ở địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân...

Hướng mở cho các hộ nghèo cải thiện cuộc sống...

Khi người nghèo có một điểm tựa vững vàng về nguồn vốn và kiến thức, họ sẽ nhanh chóng biến những khó khăn thành động lực để phấn đấu vươn lên. Chính thực tế triển khai chương trình tín dụng hộ nghèo của NHCSXH tại thành phố Đồng Hới trong nhiều năm qua đã chứng minh điều đó.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Trương Thị Lệ Mai ở thôn 16, xã Lộc Ninh phấn khởi kể lại câu chuyện vượt lên khó khăn của gia đình mình. Trong câu chuyện ấy, chị nhắc nhiều lần, “...đồng vốn NHCSXH đặc biệt quan trọng đối với gia đình thuần nông như gia đình chúng tôi”.

Gia đình chị từ trước đến nay chuyên làm nông nghiệp, số tiền kiếm được mỗi ngày không đủ để chi phí cho cuộc sống và nuôi con ăn học. Rồi NHCSXH thành phố Đồng Hới bắt đầu có chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, được sự hỗ trợ và giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, chị Mai được vay 10 triệu đồng giải quyết việc làm, cộng với số tiền tích lũy, chị đã đầu tư chăn nuôi và trồng trọt để tạo nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống cho cả gia đình. Đồng thời, từ nguồn vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên chị cũng đã nuôi các con học tập tại các trường đại học và từ 8 triệu đồng của nguồn vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, gia đình chị đã cải tạo, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh hoàn chỉnh.

Cần cù, chăm chỉ và kinh nghiệm sản xuất có thừa, nhưng thiếu vốn nên hộ gia đình anh Dương Trung Thanh, ở tiểu khu 5, phường Bắc Lý luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Trong lúc khó khăn nhất, anh nhận được hỗ trợ nguồn vốn của NHCSXH thành phố thông qua kênh giải ngân của Hội Nông dân phường. Có nguồn vốn trong tay, anh đã đầu tư phát triển chăn nuôi, làm kinh tế trang trại.

Hiện tại, gia đình anh Thanh đang sở hữu một trang trại tổng hợp gồm: nuôi lợn, cá, gà vịt, ngan, ngỗng... cho lợi nhuận hàng năm trên trăm triệu đồng được Hội Nông dân tỉnh chứng nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.Thành quả này là động lực để anh Thanh tiếp tục vươn lên. Anh Dương Trung Thanh khẳng định: "Trong hành trình vươn lên của tôi, không thể thiếu vai trò của NHCSXH thành phố...". Đặc biệt, có nhiều hộ vay vốn để đầu tư khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của địa phương như: làm hương, nghề mộc, chế biến thủy hải sản...và đã xuất hiện nhiều mô hình mới làm ăn hiệu quả. Qua trao đổi, phần lớn các hộ gia đình vay vốn đều cho rằng, nguồn vốn tuy không nhiều nhưng chính là động lực để họ triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, sự đồng hành của cán bộ tín dụng, tổ chức hội, đoàn thể đã giúp các hộ nghèo thêm tự tin vào lựa chọn của mình, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thay vì họ phải tự bươn chải, vật lộn.

Nhiều hộ vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, làm kinh tế trang trại cho thu nhập ổn định.
Nhiều hộ vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi, làm kinh tế trang trại cho thu nhập ổn định.

Đi đôi với việc hỗ trợ phát triển kinh tế, nguồn vốn từ NHCSXH thành phố còn đến với hộ nghèo bằng việc xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ xuất khẩu lao động. Đến nay, đã có nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định, gửi tiền về trả nợ ngân hàng và có tích luỹ.

Và những kết quả đáng ghi nhận

Ông Phan Xuân Luật, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố Đồng Hới cho biết, với mạng lưới rộng khắp và hoạt động mang tính xã hội hóa cao, vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đến được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở tất cả các thôn, tiểu khu của 16/16 xã, phường trên địa bàn thành phố Đồng Hới.

Nhờ vậy, trong 10 năm qua, nguồn vốn đầu tư của NHCSXH đã thu hút và tạo việc làm cho gần 16,7 nghìn lao động; số hộ vay vốn đã thoát ngưỡng nghèo đói là 2,5 nghìn hộ; có 8,3 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn để học tập; 94 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có thu nhập ổn định; 2.545 hộ xây dựng được 9.467 công trình nước sạch và vệ sinh; 27 hộ nghèo xây dựng được nhà ở mới... Đây là kết quả hết sức đáng mừng trong công tác xóa đói, giảm nghèo của thành phố, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được những kết quả trên, phải ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu của tổ chức màng lưới hoạt động của NHCSXH thành phố. Khi mới đi vào hoạt động, NHCSXH chỉ được tiếp nhận bàn giao 2 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và chương trình cho vay giải quyết việc làm, đến nay sau 10 năm hoạt động, tại địa bàn thành phố đã thực hiện cho vay 7 chương trình đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách gồm: cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, nước sạc và vệ sinh môi trường nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ nghèo làm nhà ở.

Theo đó, tổng dư nợ các chương trình cho vay đạt 178,6 tỷ đồng với 9,1 nghìn khách hàng đang dư nợ, chủ yếu ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội Nông dân, Hội LHPN, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên.

Để các chương trình triển khai đúng đối tượng và được vay vốn thuận lợi, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội và chính quyền địa phương xây dựng màng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, khu phố trên phạm vi toàn thành phố. Hoạt động của tổ theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Cùng với đó là sự phối kết hợp có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương nhận ủy thác từ xã, phường đến thôn, tiểu khu, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã và đang làm tốt công tác ủy thác cho vay các chương trình trên địa bàn.

Đến nay, thành phố đã thành lập được 207 tổ tiết kiệm và vay vốn với nhiệm vụ được giao là tổ chức bình xét công khai, dân chủ chọn ra những người có đủ điều kiện vay vốn tín dụng ưu đãi, trên cơ sở có sự quản lý, hướng dẫn và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, trình UBND cấp xã, phường phê duyệt. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung vào một đầu mối để cho vay, tạo cơ hội cho hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận được với dịch vụ tín dụng ưu đãi của Nhà nước, có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Từ thực tế triển khai ở địa phương cho thấy, vốn của NHCSXH rất quan trọng để những hộ nghèo vươn lên và họ cũng sẽ có ý thức sản xuất, kinh doanh để đồng vốn được phát huy. Quan trọng hơn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hội, đoàn thể, ngân hàng sẽ giúp người nghèo nhận ra họ không đơn độc trên hành trình vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đáng nói, người dân tâm đắc nhất khi đến với NHCSXH là cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, trong đó ưu đãi lớn là một hộ có thể vay vốn của nhiều chương trình khác nhau. Vì vậy, dù mức vay tối đa mỗi chương trình có thể chưa lớn, nhưng cộng lại thì họ đã có đủ nguồn lực cho kế hoạch phát triển kinh tế của gia đình mình và đây sẽ là nhân tố tích cực để hành trình xóa nghèo thêm bền vững.

                                                                                          N. L