.

Ở "phố" cũng khổ

Thứ Tư, 03/04/2013, 09:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ ngày được đưa vào diện quy hoạch để phát triển đô thị, người dân xã Tiến Hóa (Tuyên Hóa) chưa hưởng lợi gì nhiều thì đã phải gánh chịu những thiệt thòi về giá chuyển nhượng đất và tình trạng ô nhiễm môi trường...

10 năm trôi qua, kể từ ngày Dự án Nhà máy xi măng Sông Gianh được xây dựng, toàn bộ xã Tiến Hóa và vùng phụ cận đã được quy hoạch phát triển không gian toàn vùng nhằm định hướng sử dụng đất đai các khu sản xuất, dịch vụ, các khu chức năng đô thị trong tương lai.

Trong suốt thời gian đó bộ mặt Tiến Hóa đã có nhiều khởi sắc, nhưng cũng chịu ít nhiều hệ lụy, đó là tình trạng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường và giá đất cao khi được xem là khu vực đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ông Cao Văn Trúc, Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa cho biết, hiện toàn xã có 8.081 khẩu với 1.973 hộ sinh sống ở 15 thôn, trong đó có 13 thôn chuyên sản xuất nông nghiệp. Tuy đã được quy hoạch thị trấn nhưng do thiếu kinh phí và chủ trương của Chính phủ là không cho thu hồi đất hai vụ lúa nên đến nay hình hài của đô thị vẫn chưa được định hình rõ nét.

Đặc biệt ở các thôn Tây Trúc, Thanh Trúc và Tam Đa do nằm trong quy hoạch trung tâm thị trấn nên vẫn chưa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân.

Trước đây có chủ trương xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn nhưng khi khảo sát dự án đã phải dừng lại (năm 2007) do chồng lấn lên quy hoạch các công trình khác. Trước nhu cầu bức thiết của người dân hiện tại có một dự án cấp nước sạch đang được khảo sát để xây dựng nhưng liệu có "xuôi chèo mát mái". Gọi là đô thị nhưng với 200km đường giao thông nông thôn, xã Tiến Hóa chỉ mới bê tông hóa được 5km còn lại là đường đất và cấp phối.

Hoạt động khai thác đá ở lèn Bảng, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Hoạt động khai thác đá ở lèn Bảng, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Được xem là khu vực đặc biệt nên giá đất ở Tiến Hóa cũng khá cao so với những xã lân cận, trong khi bình quân thu nhập đầu người chỉ nhỉnh hơn 11 triệu đồng/người/năm (2012). Theo đó, ở xã Tiến Hóa giá đất tại (khu vực 1) vị trí 1 là 975 ngàn đồng/m2; vị trí 2 là 660 ngàn đồng/m2; vị trí 3 là 440 ngàn đồng/m2; vị trí 4 là 235 ngàn đồng/m2. Trong khi đó ở thị trấn Đồng Lê-trung tâm huyện lỵ Tuyên Hóa-giá đất có loại còn thấp hơn Tiến Hóa, cụ thế (đường loại 1) vị trí 1 là 1,975 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 1,090 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 470 ngàn đồng/m2 và vị trí 4 là 210 ngàn đồng/m2.

Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng thôn Thanh Trúc tâm sự, giá đất ở Tiến Hóa chênh lệch khá cao so với các địa phương khác nên con cái muốn ra riêng cũng không có điều kiện, còn nếu muốn mua đất làm nhà thì phải vào vùng cách xa trung tâm xã hơn. Người dân ở trên địa bàn xã Tiến Hóa hiện đang sống trong không gian của vùng nông thôn nhưng phải chịu mức giá đất của đô thị.

Không chỉ chịu mức giá đất cao so với mức thu nhập, người dân ở các thôn Cương Trung A, Cương Trung B còn phải sống chung với nạn ô nhiễm môi trường do Nhà máy xi măng Sông Gianh xả thải và quá trình khai thác đá của Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 12 (thuộc Công ty CP sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1) gây ra. Tại xã Tiến Hóa, xí nghiệp này được cấp phép khai thác mỏ đá vôi lèn Bảng và lèn Na trong thời hạn 30 năm để phục vụ nguyên liệu sản xuất xi măng và các công trình xây dựng cơ bản. Tuy nhiên việc phát triển công nghiệp nơi đây do chưa đánh giá tác động môi trường một cách kỹ lưỡng nên khiến người dân phải "gồng mình" sống chung với... khói bụi. 

Theo ông Trần Đức Lương, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Hóa thì hoạt động khai thác đá của Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 12 gây ô nhiễm môi trường qua các vụ nổ mìn đã diễn ra từ lâu, thời gian gần đây đã tăng dần. Do vậy, UBND xã đã nhiều lần đề nghị đơn vị này cần có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đó là, giảm lượng mìn và cao độ trong mỗi lần khai thác, chọn thời điểm phù hợp... để tránh hiện tượng phát tán bụi ra khu vực dân cư.

Là một trong những thôn bị tác động trực tiếp do quá trình sản xuất của các nhà máy, ông Hoàng Xuân Hòe, Trưởng thôn Cương Trung B  cho biết, việc đánh mìn khai thác đá gây ô nhiễm môi trường là rất lớn.  Còn chị Hoàng Thị Lý ở thôn Cương Trung B tâm sự, không chỉ chịu ảnh hưởng bởi bụi đá phát tán trong khi khai thác, khói bụi từ nhà máy xi măng bám lên cây cối làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, người dân không dám sử dụng vì sợ tổn hại đến sức khỏe.

Trong buổi làm việc với các cơ quan chức năng về công tác bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Xí nghiệp cho rằng, trong quá trình hoạt động, đơn vị đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu các vấn đề gây ô nhiễm môi trường như: giảm lượng thuốc nổ trong mỗi lần khai thác, chọn thời điểm ít gió để nổ mìn, tưới nước khi bụi nhiều... Tuy nhiên, trong đợt nổ mìn vừa rồi đã gây ô nhiễm môi trường cho một số hộ gia đình nên đơn vị đã thực hiện hỗ trợ, cụ thể, ngày 4-6-2012 là 39 triệu đồng; ngày 29-11-2012 trên 27 triệu đồng...

...Theo quy hoạch, khu vực xã Tiến Hóa sẽ phát triển thành đô thị công nghiệp mà động lực phát triển là Nhà máy xi măng Sông Gianh. Ngoài ra sẽ có khu trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa; khu dịch vụ khách sạn; khu nhà ở và các công trình văn hóa, trường học, bệnh viện...

Tất cả các công trình có màu sắc sáng, trang nhã, thiên về gam vàng để tương phản với màu xanh của núi, sông và cây cảnh xung quanh và tôn thêm vẻ đẹp cho khu vực. (Trích tờ trình quy hoạch chi tiết khu vực Tiến Hóa-Nhà máy xi măng Sông Gianh của Trung tâm quy hoạch xây dựng Quảng Bình, tháng 11-2003).

                                                                                      Minh Văn