.

Quản lý sản xuất rượu thủ công tại hộ gia đình: Giữa "muôn trùng"... khó

Thứ Ba, 02/04/2013, 13:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, quy định cụ thể tại điều 4 và điều 11 về việc sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân muốn sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép do Phòng Công thương hoặc Phòng Kinh tế thuộc UBND quận, huyện nơi đặt cơ sở sản xuất cấp.

Để có được giấy phép này, đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải đáp ứng được 2 điều kiện: có đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công và bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, điều 22 cũng quy định rõ các hành vi vi phạm, như: sản xuất, kinh doanh rượu không có giấp phép; kinh doanh rượu không có hợp đồng... Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công ở tỉnh ta, việc chấp hành theo đúng Nghị định 94 lại không hoàn toàn dễ dàng.

Hộ gia đình chị X. ở thôn Mỹ Cảnh (Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) đã sản xuất rượu thủ công từ 8 năm nay với trung bình mỗi ngày chưng cất được từ 6-8 lít rượu. Bên cạnh cung cấp rượu theo nhu cầu đi biển của người thân trong gia đình, chị cũng nhập hàng cho các tiểu thương đầu mối để kinh doanh. Với mỗi chai 0,7 lít, chị thường bán với giá 15.000 đồng-17.000 đồng. Nhưng, khi được hỏi về giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo đúng Nghị định 94, chị lắc đầu không biết và lý giải: "Gia đình chị sản xuất theo quy mô nhỏ, không đáng kể nên có lẽ không phải đăng ký sản xuất kinh doanh và không cần có giấy phép này. Hơn nữa, chị cũng không thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra về giấy phép, vì vậy chắc chắn sẽ không có vấn đề gì".

Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những khó khăn của các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công. Trong ảnh: Chuồng nuôi lợn nằm cạnh lò nấu rượu
Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những khó khăn của các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công. Trong ảnh: Chuồng nuôi lợn nằm cạnh lò nấu rượu

Ngoài việc không đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công và không có giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, thực tế cho thấy, hộ gia đình chị X. cũng không đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định.

Ngoài ra, các loại can, chai đựng đều không có nhãn mác hoặc tận dụng các chai, can của những sản phẩm khác, trong khi khoản 5 điều 22 của Nghị định 94 đã quy định cụ thể việc lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm rượu không ghi nhãn bao bì hoặc ghi nhãn không đúng quy định, không đăng ký bản công bố hợp quy, không dán tem theo quy định của pháp luật là một trong những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu. Dạo qua một vài cửa hàng gạo tại các chợ hay cửa hàng tạp hóa khu vực thành phố Đồng Hới, dễ dàng nhận thấy sản phẩm rượu cũng được bán trong các chai, can không nhãn mác hay chai, can của những sản phẩm khác.

Tương tự như trường hợp của hộ gia đình chị X., một hộ gia đình khác ở thôn Trung Bính (Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) cũng sản xuất rượu thủ công tại nhà với hàng chục chai 0,7 lít mỗi ngày tùy theo điều kiện thời tiết. Ngoài phục vụ cho nhu cầu của người thân, hộ gia đình này cũng bán cho các cửa hàng tạp hóa nhằm mục đích kinh doanh với 1 can/5 lít có giá khoảng 90.000 đồng.

Tuy nhiên, gia đình cũng không hề biết đến sự tồn tại của Nghị định 94 hay Nghị định 40/2008/NĐ-CP trước đó về sản xuất, kinh doanh rượu. Họ cho rằng mình chỉ sản xuất nhỏ bán cho người thân trong nhà và một vài hộ gia đình lân cận, do đó, không cần giấy phép.

Theo ông Hoàng Kiên Cường (Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh), trên địa bàn xã, do nghề biển là nghề chính, cho nên, nhiều năm nay, một số hộ gia đình đã sản xuất rượu thủ công để phục vụ cho nhu cầu trong gia đình và kinh doanh. Nhưng, bởi quy mô manh mún, nhỏ lẻ, nên bà con và chính quyền chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Hơn nữa, sản xuất rượu thủ công tự phát đã có từ lâu, để thay đổi nhận thức của người dân chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tích cực phối hợp và nỗ lực tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Nghị định 94 cho người dân.

Thông tin từ Phòng Kinh tế, UBND thành phố Đồng Hới cho biết từ khi Nghị định 94 có hiệu lực đến nay, vẫn chưa có hộ gia đình sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh nào trên địa bàn thành phố đến đăng ký giấy phép. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều huyện khác trong tỉnh ta, như: Quảng Ninh, Bố Trạch... Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân vẫn chưa tiếp cận với Nghị định, cũng như sự vào cuộc tuyên truyền, phổ biến của chính quyền địa phương và các cấp, các ngành vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công thường kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, cho nên không muốn đăng ký giấy phép sợ thủ tục phức tạp, phiền phức hoặc thấy không cần thiết phải đăng ký. Phía Chi cục Quản lý thị trường khẳng định việc kiểm tra, giám sát công tác này ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn và đòi hỏi sự chung tay của nhiều bên liên quan.

Chính vì vậy, trước mắt, các địa phương cần sớm tổ chức việc rà soát, thống kê các hộ gia đình và cơ sở sản xuất nấu rượu thủ công trên địa bàn để có sự phân loại, xử lý. Ngoài ra, cần chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Nghị định 94, cũng như đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu vận chuyển, tiêu dùng rượu tại địa phương.

                                                                              Mai Nhân