.

Bản Kè và gánh nặng dân số

Thứ Ba, 02/04/2013, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Vượt chặng đường gần 150 cây số, chúng tôi đến bản Kè vào một buổi chiều nắng vẫn còn gắt. Giữa trập trùng đại ngàn Trường Sơn, những ngôi nhà sàn đơn sơ, cũ kỹ hiện lên. Là một trong ba bản dân tộc thiểu số ở xã Lâm Hóa, Tuyên Hóa, những năm qua, đời sống của đại bộ phận người dân bản Kè vẫn luôn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó vấn đề dân số cũng đang là gánh nặng trĩu trên vai chính quyền địa phương khi phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.

Bản Kè có 45 hộ với 200 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số người Mã Liềng, học vấn thấp nên trình độ nhận thức về vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) còn rất hạn chế. Đây chính là một rào cản đáng ngại trong công tác dân số ở địa phương, bởi lẽ như chị Hoàng Thị Ngọ, cán bộ chuyên trách dân số xã Lâm Hóa cho biết thì do ít học, kém hiểu biết nên rất nhiều trường hợp bà con trong bản "làm ngơ" trước nỗ lực tuyên truyền, vận động của cán bộ dân số. "Khi được tư vấn, tuyên truyền về chính sách sinh đẻ có kế hoạch họ chẳng nói gì, chỉ ậm ừ cho qua chuyện và rồi vẫn cứ đẻ sòn sòn".

Nhiều năm qua, cán bộ chuyên trách dân số nơi đây luôn phải chủ động bám sát, nắm tình hình của bà con, phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa đủ mạnh để cải thiện tình trạng sinh con thứ 3 ở bản Kè. Theo số liệu thống kê được thì năm 2012, cả bản có 8 ca sinh đẻ, trong đó có đến 5 trường hợp là con thứ 3 (chiếm 62,5%) tăng 8% so với năm 2011. Và con số này dự đoán sẽ còn tăng trong năm 2013.

Gánh nặng dân số đang cản trở quá trình xóa đói  giảm nghèo ở các địa phương.
Gánh nặng dân số đang cản trở quá trình xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.

Một thực tế không thể phủ nhận là dù đã cố gắng nhưng kết quả thu được từ việc thực hiện công tác dân số ở Lâm Hóa nói chung và bản Kè nói riêng vẫn còn rất hạn chế. Sinh con thứ 3 trở lên đang là thực trạng "nóng" của bản. Với quan niệm "trời sinh voi ắt trời sinh cỏ", không sinh con một bề, "mình sinh con thì mình nuôi chứ ảnh hưởng đến ai đâu", nhiều gia đình đã liên tiếp sinh thêm đứa thứ 3 rồi thứ 4, thứ 5, thậm chí đứa thứ 6, thứ 7. Và thế là gia tăng số hộ có con thứ 3 trở lên. Và cũng vì thế cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám nhiều gia đình, gây khó khăn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống ở địa phương. Với 100% hộ nghèo, hành trình vươn lên thoát nghèo của bản Kè trở nên vô cùng gian nan.

Theo chân chị Hoàng Thị Ngọ, chúng tôi tìm đến gia đình anh Cao Văn Diện, chị Hồ Thị Khăm, cặp vợ chồng nghèo có đến 6 người con, đứa lớn nhất sinh năm 1994. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn cũ kỹ là người phụ nữ 46 tuổi nhưng trông già hơn rất nhiều so với tuổi thực. Cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn, vất vả cộng với việc trải qua nhiều lần "vượt cạn" đã rút dần sức khỏe của chị. Kinh tế gia đình chị Khăm lúc nào cũng khó khăn và túng quẫn. Cả nhà 8 người chỉ trông chờ vào ít sào lúa và ngô. Và dù hai vợ chồng chị có làm việc quần quật suốt ngày cũng không thể lo đủ mọi việc từ cái ăn, cái mặc cho đến chuyện học hành cho 6 đứa con. Không chỉ thiếu ăn mà chỗ ở của anh chị cũng chỉ là căn nhà sàn hết sức tuềnh toàng, "nắng chiếu tới giường, mưa dột tới đầu". Nhìn những đứa con nheo nhóc của anh chị, chúng tôi không khỏi ái ngại, lo lắng cho tương lai của chúng.

Bên cạnh quan niệm lạc hậu, cổ hủ thì cũng không ít trường hợp sinh con thứ 3 ở bản Kè là do có tư tưởng ỷ lại vào chế độ trợ cấp của Nhà nước. Vì nghĩ rằng "thêm con sẽ được thêm gạo" nên họ cứ "vô tư" sinh đẻ, bất chấp những khó khăn chồng chất trước mắt. Theo thống kê, hiện tại ở bản Kè có hơn 80% số hộ có con thứ 3 trở lên. Chính điều này đang là rào cản đáng ngại trên lộ trình giảm nghèo của địa phương.

Thực tế cho thấy, dù được cán bộ dân số xã Lâm Hóa tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách sinh đẻ có kế hoạch nhưng nhiều cặp vợ chồng ở bản Kè vẫn không mấy "mặn mà" với các biện pháp tránh thai được khuyến khích sử dụng nhằm làm giảm gia tăng dân số trên địa bàn. Năm 2012, trong số 36 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì con số các cặp có sử dụng các biện pháp tránh thai vẫn đang ở mức độ khiêm tốn. Chị Ngọ cho biết: Do thiếu hiểu biết nên đa số các cặp vợ chồng ở đây đều "từ chối" biện pháp tránh thai bằng hình thức đình sản, "ngại ngùng" với bao cao su, "trục trặc" với đặt vòng do thường xuyên làm việc nặng và gần như "nói không" với đình sản. Một khó khăn nữa không kém phần quan trọng trong việc thực thi các chính sách DS-KHHGĐ ở bản Kè là do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả nên họ không có điều kiện tham gia sinh hoạt tại các tổ chức, đoàn thể. Hơn nữa, đối với một bản dân tộc địa hình đi lại khó khăn như bản Kè, công tác vận động chị em gặp rất nhiều khó khăn, không được thường xuyên.

Do đó, để đạt hiệu quả cao trong công tác DS-KHHGĐ, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành, các đoàn thể, trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức, hành vi cho các gia đình, động viên, thuyết phục họ lựa chọn các biện pháp tránh thai, chấp nhận mô hình ít con để xây dựng gia đình hạnh phúc. Có như vậy bản Kè nói riêng và Lâm Hóa nói chung mới mong vơi bớt "gánh nặng" dân số, tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

                                                                                  Đào Vân