.

Nghề tiện gỗ Văn La

Thứ Năm, 09/05/2013, 07:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Bấy lâu nay, người ta thường hay nhắc nhiều đến nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ truyền thống, mà dường như đã lãng quên một nghề cũng liên quan nhiều đến đời sống văn hóa tinh thần và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày: nghề tiện gỗ. Và nhất là giờ đây, khi nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ, như: sứ, gốm, nhựa... các sản phẩm tiện gỗ lại càng trở nên vắng bóng hơn. Làng Văn La (Lương Ninh, Quảng Ninh) là vùng quê có nghề tiện gỗ độc nhất huyện Quảng Ninh và cũng từ đây nhiều nghệ nhân lại đưa nghề gia truyền đi đến nhiều vùng đất khác.

Những sản phẩm từ nghề này nhìn qua tưởng như rất đơn giản, từ lư hương, tam sự, ngũ sự... cho đến bình hoa, mâm đựng ngũ quả... Giản dị là vậy, nhưng tinh hoa, công sức mà người thợ tiện tài ba đặt vào mỗi sản phẩm lại không hề nhỏ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Đỗ Duy Văn cho biết dụng cụ quan trọng nhất để làm ra sản phẩm là khung tiện. Khung tiện là cỗ máy thô sơ hoàn toàn làm bằng gỗ ghép chắc chắn. Bộ phận phát động gồm cỗ lò quay tròn gắn với dây đai chuyền để phát ra lực biến chuyển động thẳng thành chuyển động tròn. Người thợ tiện sẽ dùng hai chân đạp vào 2 đoạn tre đực để cỗ lò chuyển động tròn.

Bình hoa và mâm bồng đựng ngũ quả của nhà ông Lê Bá Phùng-những sản phẩm hiếm hoi còn sót lại của nghề tiện gỗ làng Văn La xưa.
Bình hoa và mâm bồng đựng ngũ quả của nhà ông Lê Bá Phùng-những sản phẩm hiếm hoi còn sót lại của nghề tiện gỗ làng Văn La xưa.

Ngoài ra, nghề thợ tiện cũng không thể thiếu những dụng cụ khác, như: vồ (dùng để đóng gỗ vào khuôn, vừa dùng để làm điểm tựa khi sử dụng các công cụ), mũi quét (có đầu uốn hình móc câu sắc bén để quét thô lần đầu, hoặc khoét sâu lòng), mũi cán (dùng để cán trơn khi sản phẩm thành hình), mũi khoan (dùng khoan những lỗ sâu)...

Gia đình ông Lê Bá Phùng (80 tuổi, xóm 5, Văn La) đã có 4 đời theo nghề thợ tiện gỗ. Từ bé, ông đã đã được theo dõi, quan sát chứng kiến những người thân trong nhà mải miết bên khung tiện gỗ.

Quá trình tiện cũng lắm kỳ công. Người thợ phải sử dụng loại gỗ vừa kích cỡ đồ vật mình muốn tiện, dùng rìu đẽo nhỏ, làm khấc, lắp vào khuôn. Lúc này, vồ được sử dụng để đóng mạnh cho khúc gỗ gắn chặt vào khuôn. Công đoạn tiếp theo sẽ quyết định đến sự hoàn hảo của sản phẩm. Người thợ tiện phải phối hợp nhịp nhàng giữa hai chân đạp bàn đạp và tay sử dụng các mũi công cụ. Tùy thuộc vào hình dạng của sản phẩm để người thợ đưa các mũi nông sâu, xa gần. Tinh hoa của người thợ tiện được phát huy ở chính công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công và khéo léo này. Công đoạn cuối cùng là sử dụng giấy nhám, lá chuối khô đánh bóng và một lớp sáp ong mỏng để giữ cho sản phẩm có độ bền cao.

Hiểu và yêu nghề tiện đến vậy, nhưng ông Lê Bá Phùng không có cơ hội để theo nghề của cha ông. Bởi, ông theo cách mạng khi bước sang tuổi thanh niên, đến khi trở về làng, nghề tiện gỗ đã qua thời hưng thịnh. Mong muốn theo học và làm nghề đã trở thành giấc mơ dang dở. Hiện nay, những người thế hệ trước còn biết về nghề truyền thống của làng Văn La xưa như ông Lê Bá Phùng lại khá hiếm hoi.

Ông trầm ngâm tâm sự nghề tiện gỗ thủ công nay đã lùi xa vào dĩ vãng, làng chỉ còn lại một vài người theo nghề tiện nhưng sử dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại. Kỷ vật làng nghề một thời chỉ còn lại những bộ tam sự, ngũ sự trên bàn thờ ở một số hộ gia đình mà thôi.

                                                                                   Mai Nhân