.

Cụm di tích miếu Nam Lãnh

Thứ Năm, 04/04/2013, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Cụm di tích miếu Nam Lãnh (hay còn gọi là Tam tòa tứ miếu) tọa lạc trên một vùng đất cao và khá bằng phẳng phía đông thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. Theo một số nguồn tư liệu ở địa phương thì cụm di tích Miếu Nam Lãnh được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 18. Cũng như bao vùng quê khác ở Việt Nam, các đền miếu thường được xây cất chủ yếu để thờ, tế lễ những vị thần bảo hộ, những người có công khai phá đất đai, lập làng xã.

Vùng đất Nam Lãnh trước kia còn được gọi là “Kẻ Hói”- nghĩa là vùng sông nước. Các địa danh nơi đây đều mang tên sông nước: Khe Mương, Khe Sâu, Khe Cạn, Ngầm Cóc, Ngầm Nậy, Bàu Lầy, Vực Mụ Chính... với hệ thống bàu, hói chi chít dọc ngang. Diện mạo của vùng đất đã góp phần làm nên bản chất con người nơi đây là chăm chỉ, cần cù, chịu thương chịu khó. Cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhọc nhằn nhưng người dân nơi đây vẫn không quên công đức của tổ tiên, họ đã cùng nhau xây đền miếu để thờ phụng và ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công khai phá, lập làng, trong các công trình đó có cụm Tam tòa tứ miếu.

Cụm Tam tòa tứ miếu được xây dựng trên một vùng đất cao phía đông thôn Nam Lãnh, mặt hướng về phía đông- nam, toàn bộ khuôn viên rộng gần 500m2 bao gồm cổng, bức bình phong và 4 ngôi miếu có kích thước khác nhau và nội dung, ý nghĩa của các ngôi miếu cũng khác nhau.

Từ ngoài cổng đi vào là ngôi miếu thứ nhất bên trái có kích thước nhỏ nhất. Ý nghĩa của ngôi miếu này là nơi thường trực, giao tiếp với khách. Cũng như các ngôi miếu còn lại trong khuôn viên, ngôi miếu này được xây dựng với lối kiến trúc phần đỉnh có 3 tầng, mái cong hình đao chạm đầu rồng, lợp ngói âm dương. Phần nối giữa các tầng mái đều có đắp nổi hoa văn hình rồng được ghép bằng các mảnh sành sứ khá tinh xảo.

Tiếp giáp với ngôi miếu thứ nhất là ngôi miếu thứ hai cũng có kích thước tương tự. Ngôi miếu này có ý nghĩa là kiểm tra, nhắc nhở về tư thế, trang phục của khách khi vào tế lễ là phải trang nghiêm và trong sạch.

Ngôi miếu chính giữa có kích thước lớn nhất. Đây là nơi thờ những vị thần linh thiêng, hiển hách, những người có công khai cơ lập làng. Cuối cùng là ngôi miếu nằm phía bên phải khuôn viên, miếu này xác nhận lòng thành kính của những ai đã đến đây kính lễ thần linh đều được ban cho sức mạnh, thành đạt và hạnh phúc.

Với tổng thể không lớn lắm và lối kiến trúc xây dựng cũng khá đơn giản nhưng với cách bài trí hợp lý, đặc biệt là nội dung, ý nghĩa của các ngôi miếu đã thể hiện sự uy nghiêm, linh thiêng của khu tứ miếu, đó cũng là tình cảm, lòng thành kính của những người dân trong vùng với các vị thần linh, các bậc tiền nhân. Trải qua hơn hai thế kỷ trường tồn giữa vùng thiên nhiên khắc nghiệt, qua hai cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù nên khu tứ miếu hiện nay không còn được nguyên vẹn. Tuy nhiên, những giá trị lịch sử- văn hóa, những sự kiện lịch sử đã diễn ra nơi đây thì vẫn còn mãi theo thời gian.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nằm ở vị trí khá kín đáo, xung quanh lại được bao bọc bởi những rặng trâm bầu dày đặc, cụm miếu Nam Lãnh đã được sử dụng làm nơi tổ chức các cuộc họp bí mật của Đảng cũng như làm nơi cất giấu vũ khí. Đặc biệt, các vùng Roòn- Nam Lãnh là nơi có thể xây dựng lực lượng lâu dài, là cầu nối giữa vùng tự do Thanh- Nghệ- Tĩnh với chiến trường Bình- Trị- Thiên. Vì vậy Nam Lãnh cũng chính là mục tiêu quân sự mà thực dân Pháp quyết tâm dồn lực lượng để chiếm giữ nhằm cắt đứt mạch máu giao thông cũng như mọi sự chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong vòng 7 năm ( từ 1947- 1954) thực dân Pháp đã mở hàng chục cuộc tấn công, càn quét từ các đồn bốt đóng ở vùng Quảng Trạch ra các vùng Roòn- Nam Lãnh, trong đó chúng thường xuyên lùng sục, chà đi xát lại quanh khu vực tứ miếu. Tuy nhiên, nhờ có sự cảnh giác cao độ, sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chiến đấu quật cường, quân và dân Nam Lãnh đã đánh bật các cuộc càn quét của quân thù, giữ yên làng xóm, quê hương.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, cũng với trọng trách là hậu phương trục tiếp của chiến trường miền Nam, nhân dân Nam Lãnh cùng với nhân dân Roòn đã chiến đấu kiên cường, đánh trả máy bay Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông, đảm bảo sự chi viện cho chiến trường, khu vực miếu Nam Lãnh còn có nhiệm vụ cất giấu, che chở các đoàn xe chi viện ngang qua đây bị máy bay Mỹ oanh kích.

Với những giá trị lịch sử- văn hóa cùng với những sự kiện đã từng diễn ra nơi đây, Ban Quản lý Di tích Quảng Bình đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ trình duyệt và đã được UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định xếp hạng di tích tại Quyết định số 43/2005/ QĐ-UBND ngày 24/8/2005. Việc xếp hạng di tích không chỉ là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn mà còn đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân Quảng Bình nói chung và nhân dân Nam Lãnh nói riêng.

                                                                       Hải Yến - Tiến Hùng