.

Lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa và giá trị thực tiễn

Thứ Ba, 02/04/2013, 07:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Hàng năm, lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tổ chức trang trọng tại tất cả những nơi nào có đền thờ bà, trải dài từ Bắc chí Nam. Tại tỉnh ta, lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa có nguồn gốc từ lâu, nhưng trải qua chiến tranh đã mai một đi phần nào. Trong mấy chục năm trở lại đây, với sự quan tâm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đền Liễu Hạnh công chúa đã được trùng tu, tôn tạo và lễ hội đền Liễu Hạnh đã được phục dựng trở lại.

Lễ hội Đền Liễu Hạnh Công Chúa ở Quảng Bình là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và mang sắc thái văn hóa của từng địa phương. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày (từ mồng 1 tháng 3 đến mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm) tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.

Lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa ở tỉnh ta vừa có tính chất chung của lễ hội cổ truyền Việt Nam, ở đó người ta tiến hành các nghi lễ và các sinh hoạt văn hóa mang tính phong tục,  thể hiện một ý thức xã hội hướng về cội nguồn mà trong đó người Mẹ là một biểu tượng, ý thức yêu nước, gắn bó với dân tộc, ý thức về một đời sống thường nhật với các nhu cầu về sức khỏe, tài lộc.

Đền Liễu Hạnh công chúa. Ảnh: P.V
Đền Liễu Hạnh công chúa. Ảnh: P.V

Từ góc độ xã hội, lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa ở Quảng Bình là một hiện tượng sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa đang diễn ra một cách sống động trong đời sống hàng ngày của nhân dân, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho đời sống tâm linh mà còn cả đời sống văn hóa, làm cân bằng đời sống hiện thực và tâm linh, hướng con người về những giá trị tốt đẹp và cao cả.

Ngoài ra, lễ hội còn đáp ứng tâm thức trở về nguồn của mỗi con người, trong đó có cội nguồn dân tộc, cội nguồn lịch sử và tự nhiên xã hội. Lễ hội tạo điều kiện để con người sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, trở thành nhu cầu thường niên, thành niềm hứng khởi và mong đợi của mỗi một con người. Những giá trị của lễ hội không chỉ dừng lại ở mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà còn được mở rộng ra như một tài sản văn hóa chung, tôn vinh giá trị văn hóa và trở thành một trong những nhân tố cố kết cộng đồng.

Đến với lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa, thường những điều cầu mong, ước vọng của mỗi người không giống nhau. Họ có thể trực tiếp thông qua nghi lễ và các lời cầu khấn của mình để "giao tiếp" với Thánh Mẫu. Ngược lại, Mẫu là biểu tượng, được dân gian gắn cho một quyền uy và khả năng siêu phàm có thể cứu hộ độ trì cho muôn vạn chúng sinh với những nỗi niềm và vận hạn khác nhau. Biểu tượng đó gắn kết những số phận lại với nhau, tạo nên một cộng đồng, sự cảm thông cộng đồng. Lễ hội còn là nơi lưu giữ và trao truyền văn hóa cho thế hệ sau, điều đó làm cho văn hóa được trường tồn, bảo đảm sự thống nhất và tạo nên ký ức văn hoá của dân tộc, có sức sống lâu bền và lan tỏa trong đời sống nhân dân, thể hiện nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. Do vậy, lễ hội thực sự trở thành “bảo tàng sống” của văn hóa Quảng Bình nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong dòng chảy của lịch sử.

Rước kiệu trong Lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa. Ảnh: Mai Thế Trung (Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình)
Rước kiệu trong Lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa. Ảnh: Mai Thế Trung (Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình)

Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, chúng ta cần phải tôn trọng tính chính xác của lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa, từ địa điểm, không gian, thời gian tổ chức đến hình thức diễn xướng, trang phục, đạo cụ, nội dung văn tế khi phục hồi, tái hiện lễ hội để phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Cần xác định giá trị gốc, tiêu chí nhận dạng và các biểu hiện đặc trưng của lễ hội để tránh tình trạng làm sai lệch và biến dạng lễ hội mỗi khi khai thác và sử dụng.

Cần phải duy trì sự tồn tại của lễ hội trong lòng cộng đồng dân cư địa phương, trong môi trường nguyên thủy mà lễ hội đã nảy sinh và tồn tại; luôn tạo điều kiện cho cộng đồng bảo vệ, tổ chức khai thác và phát huy các mặt tích cực của lễ hội, hạn chế những tiêu cực mà lễ hội có thể mang lại. Thực tế đã chỉ ra rằng, chỉ khi người dân địa phương tự nguyện và tích cực tham gia, di sản của họ mới được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả. Cái lợi mà lễ hội truyền  thống có được là do chính cộng đồng cư dân sở tại tổ chức, người dân sẽ cảm thấy lễ hội đó chính là lễ hội của họ và họ sẽ giữ.

Cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý văn hóa và người dân địa phương. Đa dạng hóa các hình thức, mô hình quản lý, tổ chức lễ hội truyền thống miễn sao thông qua các cơ quan chức năng của mình, chính quyền định hướng giám sát để di tích và hoạt động lễ hội đi đúng hướng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của địa phương, nhân dân thực sự là người làm chủ, được thể hiện những truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình thông qua các sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng này và tất nhiên, nhân dân được hưởng những lợi ích vật chất một cách hợp lý mà di tích và lễ hội mang lại. Việc phục hồi và hoàn thiện hệ thống lễ hội không thể tách rời việc trùng tu, tôn tạo di tích và ngược lại. Di tích và lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa là sự thống nhất hữu cơ, là di sản văn hóa tiêu biểu của Quảng Bình.

Đền Liễu Hạnh công chúa và Lễ hội đền Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang nằm trong cụm di tích - danh thắng Đèo Ngang (núi Phượng, sông Loan, vũng Chùa, đảo Yến, Hoành Sơn quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn, cảng Hòn La...), đây là cụm di tích còn tiềm ẩn nhiều khả năng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khai thác góc độ du lịch văn hóa tâm linh gắn với các danh lam thắng cảnh của tỉnh nhà. Cho nên, tổ chức lễ hội cần thiết phải được gắn với chiến lược phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương, bảo vệ môi trường của tỉnh nhà.  

                                                                    Hoàng Trọng Thủy