.

Hoàng Hối Khanh với vùng đất Lệ Thủy

Thứ Hai, 15/04/2013, 07:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Hoàng Hối Khanh (1363-1407) nguyên quán xã Bái Trại, huyện Yên Định, nay là thôn Bái Trại, xã Định Tăng, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa; sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, một vùng quê có nhiều thuần phong mỹ tục. Ông được gia đình cho học hành đến nơi đến chốn và đã đỗ khoa thi Thái học sinh (tương đương tiến sĩ sau này) năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù 8 (1384), dưới thời vua Trần Phế Đế. Cũng năm đó ông được vua Trần bổ làm Thủ sứ ở cung Bảo Hòa.

Trong suốt cuộc đời của mình, Hoàng Hối Khanh đã có rất nhiều đóng góp cho đất nước trên các lĩnh vực. Ông là một nhà quân sự, một nhà chính trị tài giỏi, đồng thời có những đóng góp to lớn trên lĩnh vực ngoại giao. Ông xứng đáng được xếp vào hàng những nhà ngoại giao ưu tú của đất Việt. Ngoài tài năng chính trị, quân sự, ngoại giao, Hoàng Hối Khanh còn là nhà cải cách kinh tế táo bạo. Với vùng đất Quảng Bình, ông có những đóng góp không nhỏ.

Có thể nói, vai trò và những đóng góp của Hoàng Hối Khanh đối với vùng đất Quảng Bình nói chung, Lệ Thủy nói riêng trước hết là việc mở đất, di dân, giữ yên bờ cõi.

Thế kỷ XIV, quan hệ Việt - Chiêm cực kỳ căng thẳng. Để giữ vững vùng biên viễn phía Nam của nước Đại Việt, cần có một vị tướng văn võ song toàn để trấn giữ. Vì thế năm 1385, Hoàng Hối Khanh được vua Trần Phế Đế bổ làm Tri huyện Nha Nghi (tức huyện Lệ Thuỷ ngày nay) trấn giữ phía Nam nước Đại Việt. Khi vào vùng đất này, ông đã chọn Mũi Viết vùng đất nằm giữa hai con sông Bình Giang và Ninh Giang để đóng huyện sở. Đây là vùng đất màu mỡ nhưng còn hoang vu và có khả năng khai phá lập nghiệp lâu dài.

Với cương vị là một vị tướng thống lĩnh cả một vùng phương Nam, năm 1387, ông đã ra Hoan Châu và Ái Châu (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) chiêu mộ dân 12 dòng họ và những người phiêu tán không có sản nghiệp khắp nơi vào khai canh lập ấp.

Thời kỳ này đói kém xảy ra liên miên, dân chúng nhiều người đã bỏ làng đi lưu vong, nghe tin đã chạy vào điền trang làm cho ông rất đông, số dân tăng lên nhanh. Với lực lượng đó, ông đã có điều kiện để đẩy mạnh công cuộc khai hoang mở rộng điền trang với quy mô ngày càng lớn, số người lên đến hàng chục ngàn và khai khẩn được 500 mẫu đất. Đất này ông chia cho 12 dòng họ và một số nông nô. Rồi ông tổ chức thành điền trang. Ông chia điền trang ra các "kẻ" và "nhà". Kẻ là vùng dân cư sản xuất ngoài trời chuyên cày cấy làm ra lúa gạo tự cung, tự cấp và dự trữ lương thực phòng khi chiến tranh.

Các vùng dân cư làm việc trong nhà, các nghề thủ công, chuyên sản xuất những vật dụng cần thiết cho trang viên thì gọi là "nhà" như nhà Phan, nhà Vàng (chuyên sản xuất công cụ: gươm, giáo, lưỡi cày, lưỡi cuốc, liềm, hái), nhà Mòi (chuyên sản xuất vải vóc tơ lụa, trồng dâu nuôi tằm), nhà Ngo (chuyên sản xuất đồ gốm, gạch ngói, vôi vữa) cung cấp cho kiến thiết xây dựng.

Đền thờ Quận công Hoàng Hối Khanh tại làng Thượng Phong.
Đền thờ Quận công Hoàng Hối Khanh tại làng Thượng Phong.

Ông dùng chính sách khuyến nông, khuyến khích mọi người cùng làm cùng hưởng, tích trữ quân lương để đề phòng khi có chiến tranh. Ông thường xuyên chăm lo luyện tập quân lính, khi hòa bình mọi người đều là dân, khi chiến tranh mọi người đều là lính (động vi binh, tịnh vi dân). Bằng những chính sách này, ông đã biến tất cả mọi người thành người lính trung thành. Quyền lực của ông được tăng cường, lực lượng quân sự ở phía Nam đất nước trở nên hùng mạnh. Nhờ vậy, nên suốt thời gian làm Tri huyện Nha Nghi, ông luôn giữ vững được an ninh, pháp luật được bảo đảm, chặn đứng được các cuộc xâm lấn của quân Chămpa muốn đánh ra Châu Hoan, Châu Ái  bằng đường bộ.

Tương truyền rằng, từ cơ sở Kẻ Tiểu ban đầu, ông đã tâu lên vua cho mở rộng toàn vùng, thành lập một số đơn vị hành chính khác. Đến nay, ở huyện Lệ Thủy, vẫn còn giữ được một số làng nghề truyền thống và vẫn còn nguyên vẹn tên làng, tên nghề thuở sơ khai (các tên làng này vẫn còn được gọi song song, "kẻ" như Kẻ Tiểu là Thượng Phong, Kẻ Đợi là Đại Phong, Kẻ Tuy là Tuy Lộc, Kẻ Thá là An Xá, Kẻ Soi là Xuân Hồi, Kẻ Tréo là Cổ Liễu, Kẻ Chền là Quảng Cư; ''nhà'' như Nhà Mòi là Mai Hạ, Nhà Phan là Phan Xá, Nhà Vàng là Hoàng Giang, Nhà Ngo là Uẩn Áo, Nhà Cai là Mai Xá).

Hoàng Hối Khanh là một danh tướng thời Trần, Hồ đã có nhiều cống hiến to lớn trong việc tổ chức chống quân xâm lược nhà Minh. Ông đã lấy cái chết để tỏ rõ khí tiết một sĩ phu yêu nước, trung nghĩa, bất khuất, nêu tấm gương sáng cho thế hệ mai sau.

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, nhà Lê truy phong sắc thần cho ông: "Tước Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần''.

Đến triều Nguyễn vào năm Thiệu Trị thứ 4 (năm 1843), ông được truy phong: "Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân, tặng kiệt tiết linh thông Hoàng Quận công, Tước Phong Dực bảo trung hưng, Linh phù đoan túc tôn thần".

Để tưởng nhớ một danh tướng đã có công lao to lớn dưới hai vương triều (Trần, Hồ) một người trung hiếu tiết nghĩa có công khai sinh lập làng, năm Thiệu Trị thứ 4 (1845), nhân dân làng Tiểu Phúc Lộc đã xây lăng mộ ngài trên một khu đất bằng phẳng sơn thủy hữu tình gần núi An Mã, thuộc thôn Đại Giang, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy. Rồi sau dân làng lưu truyền câu ca:

"Quê ta ông Tổ họ Hoàng
Dựng cờ khai phá lập làng từ xưa"

Đến nay, lăng mộ của ngài còn nguyên vẹn tại phường Tiểu (thôn Đại Giang, xã Trường Thủy). Lăng mộ có diện tích 40m2 xung quanh tường xây bằng đá. Phía hậu đầu có khánh vị khắc dòng chữ: "Đặc tấn phụ quốc, Thượng tướng quân, tặng kiệt tiết linh thông Quận Công Hoàng". Dòng bên cạnh đề 4 chữ: "Kỷ Mão Trọng Đông". Ở giữa là nấm mộ to, kế đến là đôn kệ làm bàn thờ, phía ngoài là hương án. Mặt tiền có 2 trụ biểu ở cửa ra vào và 4 trụ biểu ở 4 góc tường, tất cả hình thể đều xây cất theo lối cũ. Vật liệu chính là đá và vôi vữa.

Còn tại thôn Hà Thanh, xã Phong Thủy dân làng còn lập miếu thờ vọng ông. Miếu thờ xây theo hướng đông - bắc, trước miếu thờ có gắn 3 chữ: "Vọng nghiễm nhiên". Trong miếu có 2 câu đối: "Khoa vị Tiến sĩ, phi vận tướng quân./ Trùng Giang văn trung, hiển văn châu tiết." (tạm dịch: Học vị Tiến sỹ rõ ràng, vận hành chẳng phải như hàng tướng quân. Trùng Giang lĩnh mệnh sứ thần. Giữa dòng thuyền đắm văn nhân hiển thần.). Trước miếu thờ có bình phong long mã, 4 bên thành có 4 trụ biểu.

Quần thể di tích lịch sử danh tướng Hoàng Hối Khanh đã được Bộ Văn hoá-thông tin ra Quyết định số 1422 QĐ/VHTT công nhận và cấp Bằng di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia  ngày 23 tháng 7 năm 1998. Ngày 18 tháng 7 năm 1999 dân làng Thượng Phong đã tổ chức lễ đón nhận long trọng.

Năm 2002 dân làng Thượng Phong (tức làng Kẻ Tiểu - Tiểu Phúc Lộc khi xưa) đã lập đền thờ ông tại quê nhà bên hữu ngạn sông Kiến Giang, thuộc địa phận xóm 2, làng Thượng Phong (xưa kia, đền thờ cũ của ông nằm ở trung tâm chính trị huyện hiện nay và đã bị giặc Pháp đốt trụi năm 1947). Khuôn viên rộng 1.500m2, đền thờ rộng 88m2, xây theo hướng đông - đông nam, cổng có 4 trụ biểu, trên các mặt trụ có 2 cặp câu đối phía ngoài bằng chữ Hán, phía trong bằng chữ Việt phiên âm Hán: 1. Vạn thế tôn vinh Yên Định khởi nguyên công đức trọng - Thiên thu phụng tế Thượng Phong cửu bản nghĩa tình thâm; 2. Hộ quốc nhân văn hào kiệt tráng vu kim - Phò dân chính khí anh hùng quang tự cổ. Khuôn viên có tường rào bao bọc khép kín, trong có bình phong đắp nổi hình long mã ốp bằng gốm sứ, thủy tinh, chính giữa sân đền có lư hương lớn đắp bằng xi măng mạ vàng, bên trái sân phía bờ sông còn có am thờ vọng cụ thân sinh Hoàng Hối Khanh, thềm đền cao 9 bậc, hai bên đường lên đền đắp một đôi rồng chầu cũng ốp bằng gốm sứ, thủy tinh, các cột đền đắp hình rồng cuộn, mái đền lợp ngói vảy trên các bờ chảy và nóc đắp các đầu giao, rồng chầu mặt nguyệt...

Trong đền, chính giữa là ban thờ, bên trên gắn bằng công nhận DTLS-VH, phía dưới trên ban thờ là sắc phong của vua Thiệu Trị dành cho ông đặt trên ngai vàng, bên tả, bên hữu là ban thờ thờ các phó tướng của ông, hai bên phía chái đền là ban thờ 12 dòng họ và ban thờ các liệt sỹ qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của làng, nền đền được lát bằng gạch men sứ, quanh đền có hành lang bao bọc.

Nhớ công ơn ông, cứ đến ngày mồng 5 và mồng 6 tháng 6 (âm lịch), dân làng tổ chức tế lễ cung kính, long trọng và đã thành lệ làng gọi là: "Cộ Ngài khai khẩn", vừa để tưởng nhớ đến ngài, ôn lại truyền thống quê hương, vừa là để dân làng vào hội với các nghi lễ, trò chơi dân gian mang đậm màu sắc địa phương.

                                                                            H. Tr. T
                                                          (Bảo tàng tổng hợp tỉnh)