.

Thăm bến phà xưa

Thứ Năm, 04/04/2013, 16:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm đánh Mỹ, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh có bến phà Quán Hàu, bến phà Trúc Ly và ngầm Dinh Thuỷ là “toạ độ lửa” không quân Mỹ tạo ra nhằm ngăn chặn tuyến vận tải Quốc lộ 1A. Dẫu thời gian hoạt động không dài, nhưng “Bến phà 2- Trúc ly” để lại trong lòng dân những dấu ấn khó quên.

Trúc Ly làng quê trù phú ở bờ nam sông Nhật Lệ thuộc xã Võ Ninh. Trước đây người dân sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dân gian còn lưu truyền câu ca “Cha chài, mẹ lưới, con câu. Thằng rể đi úp, con dâu đi mò” gắn với nhiều gia đình làm nghề sông nước. Thôn Trúc Ly có xóm Chùa, xóm Nhà và xóm Đò. Mỗi  tên gọi thể hiện đặc trưng sinh hoạt của dân cư. Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, Trúc Ly là nơi đặt công binh xưởng Trần Táo cung cấp vũ khí cho Đội du kích Cô Tám, chiến khu Võ Xá.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với quê hương Võ Ninh nằm trong vùng toạ độ lửa của tuyến vận tải Bắc- Nam, Phà Quán Hàu bị máy bay Mỹ đánh phá suốt ngày đêm. Để kịp thời chi viện chiến trường, một bến phà nối từ thôn Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh vượt sông Nhật Lệ qua thôn Trúc Ly xã Võ Ninh được hình thành, nhằm phân tán mục tiêu đánh phá của địch, góp phần giữ vững mạch máu giao thông.  

Giữa cuộc chiến đấu cam go, kẻ thù điên cuồng đánh phá. Đầu tháng 2 năm 1967, đoàn xe vận tải gần 100 chiếc vào chiến trường bị tắc ở đoạn đi qua trước làng Trúc Ly và ngầm Dinh Thuỷ. Lúc đó, cán bộ xã Võ Ninh lãnh đạo nhân dân, huy động lực lượng dẫn xe sơ tán, nguỵ trang xe, bảo vệ hàng hoá.

Đảng ủy xã Võ Ninh có cuộc họp bất thường bàn cách giải phóng xe với quyết tâm  “Xe chưa qua, nhà không tiếc; đường chưa thông không tiếc máu xương”. Đồng chí Phạm Đình Dương, Bí thư Đảng uỷ, có nhà ở Trúc Ly đã tự tay tháo nhà mình làm vật liệu lót đường để xe qua. Tiếp theo 37 hộ gia đình của xã Võ Ninh tháo nhà ở lót đường, chống lầy cho xe thông tuyến...

Quyết tâm bảo đảm giao thông, bộ đội công binh, TNXP, công nhân giao thông vận tải kiên cường bám trụ. Dân quân và người dân địa phương có sự đóng góp không nhỏ vào cuộc chiến đấu với không lực Hoa Kỳ. Nhân dân Trúc ly nhớ mãi hành động dũng cảm kiên cường của tổ lái ca nô phá bom từ trường. Ca nô khởi hành, kích nổ thủy lôi  trên sông Nhật Lệ mở tuyến an toàn cho phà sang sông. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- liệt sĩ Nguyễn Xảo người con của Trúc Ly trở thành bất tử.

Bên bờ bắc có Bến phà 2, Anh hùng liệt sỹ Hà Văn Cách, người con của quê hương Vĩnh Ninh tình nguyện đi phá bom nổ chậm của máy bay Mỹ đang ngăn đường xe ra trận. Với sự bình tĩnh và sáng tạo, anh đã dũng cảm phá 49 quả bom nổ chậm mở đường cho bao chuyến xe sang phà chở hàng ra tiền tuyến. Đến quả thứ 50, bom nổ, thân anh hoà vào đất trời quê mẹ yêu thương.

Một bến phà qua sông Nhật Lệ đôi bờ sông nước có hai  anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng với quê hương, các anh đã góp phần làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975 lịch sử...

Thăm Bến phà 2-Trúc Ly, ôn lại năm tháng hào hùng của quê hương, hiểu thêm vùng đất và con người nơi làng quê bình dị. Trong khó khăn người dân biết chung lòng xây dựng xóm thôn từng ngày đổi mới. Về đây để biết thêm làng quê  qua những tháng ngày vất vả. Nhớ khi ruộng đồng thất bát, sông nước mất mùa, nhiều thanh niên trai tráng lao vào con đường “ngậm ngải tìm trầm” xuyên núi, băng khe, sốt rét rừng chẳng quản. Đi tìm trầm, Trúc Ly nhiều nhà giàu lên, nhưng không ít người tan nát cửa nhà vì rừng thiêng nước độc. Theo mộng trúng trầm có gia đình cho con nghỉ học để đi tìm trầm. Đó là chuyện những năm 80 của thế kỉ XX.

Sau ngày huyện Quảng Ninh tái lập, vùng quê đất trũng đang mở hướng làm ăn. Hôm nay Trúc Ly có 590 hộ với gần 2800 khẩu đang chung sức xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất ngày một khá hơn. Việc học hành của con em được chăm lo. Có nhiều em tốt nghiệp PTTH và học lên đại học. Nhiều người con của sông nước Trúc Ly trở thành vận động viên bơi lội.

40 mùa xuân đi qua, giờ đây về Trúc ly có bao thay đổi, nhà cửa khang trang, xóm làng từng ngày đổi mới. Con đường từ trụ sở xã Võ Ninh về  “Bến phà 2” với những kỉ niệm chiến tranh, được bê tông chắc chắn. Đi qua thôn Trúc Ly nghe vang vọng đâu đây tiếng rì rầm của chuyến xe qua phà năm xưa. Đến bờ bắc “Cống 5 cửa Trúc Ly” ta thấy có một đoạn đường đất- dấu tích “Bến phà 2 Trúc Ly” năm xưa còn lại. Nhìn sang bờ bắc dòng Nhật Lệ, cánh đồng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh đang mượt mà lúa thì con gái. Lặng nhìn dòng sông chảy về  cửa Nhật Lệ, trong tôi mong muốn nơi đây có tấm biển ghi dấu “Bến phà xưa” để lưu lại những giá trị lịch sử cho thế hệ ngày mai...

                                                                                     Lê Huấn