Điểm sáng bên bờ bắc Sông Gianh

Cập nhật lúc 15:09, Thứ Bảy, 01/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong số “Bát danh hương” các làng văn vật ở Quảng Bình xưa, Quảng Thuận góp mình với tên làng Thổ Ngọa nổi tiếng hiếu học và khoa bảng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Quảng Thuận anh dũng, kiên cường trong thời bình, người dân nơi đây tiếp tục viết lên trang sử hào hùng của quê hương...

Ký ức lịch sử

Nằm bên bờ bắc sông Gianh, Quảng Thuận đóng vai trò là vị trí chiến lược quan trọng của huyện Quảng Trạch, cửa ngõ của bến phà II sông Gianh lịch sử xuyên suốt bắc - nam.

Những năm đầu của thập kỷ 30, nhiều người con quê hương Quảng Thuận sớm giác ngộ đã tìm đến cách mạng. Đặc biêt, tháng 11-1937, Chi bộ Thổ Ngọa, một trong ba chi bộ đầu tiên của Quảng Trạch được thành lập đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng nơi đây. Được chi bộ tuyên truyền giáo dục, giác ngộ, ngày 23-8-1945, quần chúng nhân dân Quảng Thuận đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Đường về Quảng Thuận.
Đường về Quảng Thuận.

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Quảng Thuận đã đẩy lùi được giặc đói, từng bước thanh toán giặc dốt, thực hiện sắc lệnh xây dựng “quỹ độc lập” và tổ chức “tuần lễ đồng”, tuần lễ vàng”...

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Quảng Thuận đã tiễn hàng ngàn người con ưu tú của quê hương lên đường nhập ngũ. Hàng trăm con em Quảng Thuận đã ngã xuống các chiến trường, tô thắm truyền thống cách mạng, góp phần cho đất nước “nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cùng với các xã bạn, Quảng Thuận luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trạm trung chuyển” của huyện Quảng Trạch, “luỹ thép bên bờ bắc sông Gianh”.

Viết tiếp bài ca anh hùng

Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, trong những năm qua, người dân Quảng Thuận lại tiếp tục hoà mình vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cấp uỷ, chính quyền xã Quảng Thuận đã tích cực vận động nhân dân phát huy tối đa các nguồn lực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Là một xã thuần nông, nhưng không đủ nước sản xuất, nông nghiệp Quảng Thuận từng gặp khó khăn do mỗi năm người dân chỉ gieo cấy được một vụ đông - xuân.

Ông Nguyễn An Bình, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thuận cho biết: hiện toàn xã có 1.650 hộ với 6.850 khẩu. Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước rộng với 127 ha, Quảng Thuận xác định nuôi trồng thuỷ sản và tiểu thủ công nghiệp chính là mũi nhọn để địa phương có những bước đột phá về kinh tế. Hiện toàn xã có 52,4 ha diện tích nuôi thuỷ sản với sản lượng trên 100 tấn, trong đó khu nuôi tôm công nghiệp chiếm 23,6 ha.

Phát triển nghề mộc góp phần đa dạng hoá ngành nghề nông thôn tại Quảng Thuận.
Phát triển nghề mộc góp phần đa dạng hoá ngành nghề nông thôn tại Quảng Thuận.

Cùng với phát triển nuôi trồng thuỷ sản, địa phương chú trọng đa dạng hoá ngành nghề nông thôn, phát triển nghề làm nón, kinh doanh vận tải, vật liệu xây dựng, mộc, nề dân dụng, cơ khí sửa chữa...; khuyến khích đầu tư quy trình công nghệ mới, sản xuất mặt hàng mới, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh qua từng năm, đến nay chỉ còn 10% theo chuẩn mới; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,3 triệu đồng/người/năm (2009) đến 16 triệu đồng/người/năm (2011).

Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang kiên cố. Các công trình dân sinh, kinh tế như: chợ, nghĩa trang, trụ sở làm việc, hệ thống kênh mương... được cải tạo, nâng cấp và xây mới. Phát huy truyền thống của vùng đất học, Hội Khuyến học của xã với 1.886 hội viên sinh hoạt trong 19 chi hội, 5 ban khuyến học dòng họ và 12 liên gia đình khuyến học đã duy trì và phát triển tốt, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục trên địa bàn.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động mọi nguồn vốn đóng góp trong nhân dân, tranh thủ nguồn tài trợ, dự án, vốn ngân sách để hoàn thiện các công trình chuyển tiếp và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện tại, đối chiếu với 19 tiêu chí của xã nông thôn mới, Quảng Thuận đã đạt 5 tiêu chí về văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, hệ thống chính trị vững mạnh và đang phấn đấu sẽ hoàn thành thêm 3 tiêu chí vào năm 2012.

Đặc biệt, cùng với các địa phương lân cận, Quảng Thuận đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần tích cực vào việc đưa thị trấn Ba Đồn mở rộng thành đô thị loại IV.

                                                                         Thanh Hải




 

,
.
.
.