Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ cuối: Chuyện kể bên mái đèo Ngang

Cập nhật lúc 08:01, Thứ Hai, 30/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Buổi sáng thanh bình trên đỉnh đèo Ngang nhìn ra phía biển, Vũng Chùa, đảo La, đảo Yến... lung linh trước ánh bình minh, lại thấy yêu chi lạ biển đảo quê hương mình, yêu thêm những người lính biên phòng ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương.

>> Kỳ 4: Sóng vỗ dòng Gianh

>> Kỳ 3: Ở giữa lòng dân

>> Kỳ 2: Dấu ấn giữa thành phố Hoa Hồng

>> Kỳ 1: Đồn anh hùng trên đất anh hùng

Theo sự mời gọi không thể cưỡng lại được, chúng tôi xuôi ra phía biển. Người dẫn đường- thượng úy Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Roòn đưa chúng tôi ra sát mép cảng biển, nơi đó có ba gian nhà xây cấp bốn được anh em gọi đùa là "tổ ấm" của Trạm kiểm soát biên phòng cảng Hòn La.

Trung úy Đinh Tiến Trung, Trạm trưởng vừa rót nước mời khách, vừa bảo rằng: "Đang trong thời kỳ xây dựng cảng Hòn La thành một cảng nước sâu quy mô, hiện đại, có thể đón tàu 10 vạn tấn vào ra nên cơ sở hạ tầng chưa đâu vào đâu cả. Khu tập thể ni là của công nhân Tập đoàn Trường Thịnh nhượng lại cho anh em cán bộ, chiến sỹ làm chỗ trú nắng, trú mưa. Còn cơ sở chính của Trạm thì đang triển khai thi công".

Nghe tiếng Trung là lạ, mang âm sắc đâu như người miền núi, hỏi ra mới hay chính con trai của đồng chí thượng tá Đồn trưởng Đồn biên phòng Roòn, Đinh Tiến Khâm, quê ở tít xã Trung Hóa, huyện miền núi Minh Hóa.   

Cảng nước sâu Hòn La.
Cảng nước sâu Hòn La.

"Về quy mô, biên chế của Trạm trong tương lai  khoảng 15 người, nhưng hiện tại chỉ mới được 5 cán bộ- Đinh Tiến Trung cho biết- Với một cảng nước sâu như Hòn La thì các anh biết rồi đó, tàu vào ra ăn hàng nhiều, chúng tôi cùng với các lực lượng liên quan khác vừa bảo đảm an ninh chính trị tại khu vực, vừa tạo thuận lợi trong giải quyết các thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu. Tự hào là từ khi cảng vận hành đến nay không xảy ra một sự cố nào đáng tiếc".

Ông thượng tá Đồn trưởng Đinh Tiến Khâm có một cử chỉ mến khách rất đặc biệt. Quý ai, trân trọng ai, ông riết lấy bằng vòng tay thật chặt rồi bất thình lình cắn vào má khách một cái thật đau, đau đủ để nhớ đời...

Dân dã, bình dị vậy thôi nhưng trong công việc ông luôn "ra môn, ra khoai", nhờ vậy Đồn biên phòng Roòn luôn là một địa chỉ đỏ trong phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, xây dựng nền biên phòng vững mạnh. "Quản lý bờ biển dài 21 km, dân số trên địa bàn có 7.676 hộ, 30.766 khẩu, trong đó đồng bào công giáo 331 hộ, 2.021 khẩu.

Kinh tế vẫn cơ bản là ngư nghiệp với 577 tàu thuyền, 3.121 thuyền viên- Đồn trưởng Đinh Tiến Khâm vào chuyện- Khi Khu công nghiệp cảng biển Hòn La đi vào hoạt động và mở rộng quy mô, tình hình trật tự, trị an trên địa bàn rất nhiều biến động: hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu nước ngoài có chiều hướng gia tăng; mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vi phạm quy chế khu vực biên giới biển vẫn tiếp tục xảy ra; tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai, phản ứng của một bộ phận nhân dân cản trở xu hướng phát triển kinh tế, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng... khiến cho an ninh nông thôn cơ hồ "nóng" lên. Nếu chúng tôi không bám chắc địa bàn, không bám chắc dân, không xây dựng thế trận biên phòng toàn dân thì chắc chắn sẽ không bảo đảm tốt trật tự trị an dọc tuyến biển.

Phong trào "Quần chúng tham gia tự quản bảo vệ an ninh biên giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm" được nhân dân 4 xã vùng Roòn thực hiện có hiệu quả trên biển, trên sông, trên đất liền, tận các khu dân cư; 6 tháng đầu năm 2012 đã cung cấp cho đồn 150 nguồn tin, phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Phong trào "Quần chúng tham gia tự quản bảo vệ an ninh biên giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm" gắn liền với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới... củng cố thêm mối quan hệ đoàn kết quân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc".

Về thăm Đồn biên phòng Roòn, không thể không nhắc đến thiếu tá, Đồn phó Lê Xuân Hóa, anh gốc người Hải Dương, chất giọng miền bắc bây giờ pha thêm chút giọng vùng Roòn nghe ngồ ngộ. Anh kể: "Cuộc đời binh nghiệp cứ cuốn lấy mình đi, hết rừng lại biển. Quảng Bình trở thành quê hương thứ hai của mình rồi, vì vợ con, gia đình "đóng đô" tận bản Y Leng, xã biên giới Dân Hóa, cách Roòn hơn 160 cây số.

Chuyện là thế này... khi vác ba lô vào nhận công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, nghe nói lên rừng, rứa là tình nguyện đăng ký ngay. Công tác tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, bén duyên với cô giáo vùng cao trên đó và thành chồng, thành vợ.

Mỗi lần tranh thủ về thăm nhà mất gần ngày đi, ngày về, thời gian còn lại chẳng giúp gì cho vợ con. Vợ giận dỗi trách: "Anh có làm được chi đâu?". Mình cười hòa: "Thì làm lính biên phòng!"- Kể chuyện mình, thiếu tá Hóa chỉ sang thượng úy Nguyễn Quốc Tuấn-  "Như cậu ta, quê Hà Tĩnh, mới rồi tranh thủ về làm lễ thôi nôi cho con trai đầu lòng. Tấm ảnh chụp tặng con, chưa kịp treo thì nhận lệnh vào ngay. Vợ điện thoại vào dùng dằng, tiếng Hà Tĩnh mát rượi "Anh làm chi, tấm ảnh con khôông treo lên được hỉ?". Chuyện của các anh, nghe nhẹ nhàng lắm, nhưng sao thấy canh cánh trong lòng mỗi người...

Vững vàng thế trận biên phòng nơi Khu kinh tế mở Hòn La.
Vững vàng thế trận biên phòng nơi Khu kinh tế mở Hòn La.

Chúng tôi đề nghị các anh kể một kỷ niệm đáng nhớ về chiến công của Đồn biên phòng Roòn, thiếu tá Hóa cho biết: "Mới xảy ra đây thôi, đúng vào ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, ngày 3- 3. Trạm kiểm soát biên phòng khu vực Cửa Lạch, Roòn do đồng chí Trạm trưởng Võ Xuân Long phụ trách khi tiến hành tuần tra, phát hiện tàu cá mang số hiệu NA 93344 TS đang neo đậu cách cửa sông Roòn khoảng 500 mét có nhiều biểu hiện nghi vấn.

Đội tuần tra yêu cầu thuyền trưởng Nguyễn Văn Kính, quê quán xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An xuất trình giấy tờ. Trong lúc kiểm tra phát hiện 8 thỏi thuốc nổ trọng lượng 1,2 kg đựng trong túi ni lông màu trắng và 14 kíp nổ cùng dây cháy chậm. Sự việc ngay lập tức được báo về đồn. Lúc đó chúng tôi đang tổ chức tọa đàm nhưng vẫn nhanh chóng triển khai lực lượng lên đường làm nhiệm vụ. Xét tính chất phức tạp của vụ án, Đồn biên phòng Roòn giao toàn bộ tang vật, đối tượng lại cho cơ quan điều tra an ninh, Công an tỉnh".

Thượng tá Đinh Tiến Khâm lần lượt ôm chúng tôi từ biệt... và chúng tôi sẵn sàng chờ đón từ ông một "cú cắn" thật đau, đủ để nhớ đời!. Chợt nhớ ra điều gì ông đưa tay chỉ về tháp nước sạch của đồn: "Công trình thể hiện tình cảm gắn kết quân dân đấy, nhà báo! Ngoài cung cấp nước sạch sinh hoạt cho đồn, còn đáp ứng đủ nước cho 100 hộ dân và 5 doanh nghiệp ở thôn Nam Lãnh, nơi đồn đóng quân".

Nhân dân dọc tuyến biển là hậu phương rộng lớn, người lính biên phòng tuyến biển là điểm tựa vững chắc. Quân và dân một lòng gắn kết cho chủ quyền biển, đảo quê hương mãi mãi toàn vẹn, trường tồn.

                                                   Thanh Long - Nguyễn Hoàng



 

,
.
.
.