Lưu danh mãi mãi muôn đời

Cập nhật lúc 14:51, Thứ Sáu, 27/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trải qua hơn hai mươi năm từ khi tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của toàn quân và dân đã đưa nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà có những bước tiến đáng kể; kinh tế, văn hóa - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ổn định và ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Để xây dựng quê hương Quảng Bình giàu mạnh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình phải tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở tăng cường đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh.

Trong đó, nội lực rất quan trọng đó là truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng lâu đời của vùng đất địa linh nhân kiệt. Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cho mỗi người dân nói chung và thế hệ trẻ nói riêng bằng việc ghi nhận thân thế, sự nghiệp cùng những đóng góp công sức, trí tuệ của các thế hệ danh nhân trong tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển của vùng đất Quảng Bình là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, từ đó góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và bồi đắp thành sức mạnh tổng hợp phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới.

Nhân hội thảo khoa học quốc gia về danh nhân Quảng Bình do UBND tỉnh phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đồng tổ chức, bài viết này không nằm ngoài mục đích đánh giá tổng lược những công lao to lớn có vai trò đặc biệt quan trọng của các thế hệ danh nhân trong lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Quảng Bình.

Trong dòng sông dài đầy sóng gió của lịch sử Việt Nam, trên vùng đất Quảng Bình "Địa linh - Nhân kiệt", gần 10 thế kỷ trôi qua kể từ khi trở về quốc gia Đại Việt, đã sản sinh ra nhiều bậc danh nhân, anh hùng, hào kiệt, tiếng tăm lừng lẫy, xoay chuyển càn khôn. Họ như những ngôi sao giữa bầu trời đêm tỏa sáng. Năm tháng trôi qua với biết bao thăng trầm, thịnh suy, không thể xóa nhòa được thanh danh; bao nhiêu triều đại hưng, phế cũng không thể làm thay đổi chân lý với sự nghiệp bất hủ của họ, bởi họ là bậc hiền tài, tinh anh, là hào quang tỏa sáng muôn đời, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc và bao thế hệ cộng đồng cư dân Quảng Bình.

* Trong lĩnh vực quân sự và mở mang lãnh thổ, công lao to lớn đầu tiên thuộc về danh tướng Lý Thường Kiệt.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu thân chinh cử Đại tướng quân Lý Thường Kiệt dẫn 50 nghìn quân đánh vào kinh thành của Chiêm Thành bắt được vua Chế Cũ. Để chuộc mạng, Chế Cũ xin dâng ba châu: Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh (sau đổi lại là Lâm Bình, Bố Chính và Minh Linh, tức vùng đất của Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay) cho Đại Việt.

Lý Thường Kiệt với chiến thắng năm 1069 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vùng đất Quảng Bình nói riêng và quốc gia Đại Việt nói chung, đây là điểm tựa và là mốc lịch sử đánh dấu việc mở đầu cho công cuộc mở rộng lãnh thổ về phương Nam.

Tính từ lần đầu đưa quân vào đất Bố Chinh, Địa Lý vào năm 1069 đến lần cuối cùng vào năm 1104, Lý Thường Kiệt đã có tới 35 năm gắn bó với vùng đất này. Ông là người có công đầu xác định và đặt nền móng đầu tiên cho vùng đất Quảng Bình trọn vẹn cương vực lãnh thổ như ngày nay. Với những việc làm có ý nghĩa đó, cho thấy công lao của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đối với Quảng Bình thật là vĩ đại, xứng đáng được ghi danh là bậc tinh anh, hiền tài khai khẩn vùng đất Quảng Bình.

Kế tục sự nghiệp của Lý Thường Kiệt đã dày công vun đắp, dưới các triều đại Trần, Lê, nhiều danh nhân đã có công tiếp tục khai mở đất đai, lập ấp, phát triển các cộng đồng làng xã nông nghiệp và thủ công nghiệp... Đó là các vị danh tướng Trần Bang Cẩn chiêu dân, lập làng vùng Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch; Hồ Cưỡng (Hồ Hồng) khai mở vùng đất Lý Nhân Nam, huyện Bố Trạch; Hoàng Hối Khanh chiêu dân lập điền trang lưu vực sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy; Phan Thúc Duyện, sau khi bị đày ở Côn Đảo, trở về sống ở Quảng Bình có 10 năm nhưng đã giúp dân khai phá cả vùng đất chua mặn rộng lớn, lập làng, phát triển nghề nông vùng Sơn - Phú, Lệ Thủy.

Cùng với nhiều thế hệ danh nhân đã có công lao khai khẩn, khai mở vùng đất cho quê hương thì cũng có những người con của Quảng Bình tiếp nối thế hệ cha ông đi mở cõi phương Nam của Tổ quốc. Tên tuổi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh gắn với công lao đặc biệt trong mở cõi phương Nam, thiết lập hệ thống hành chính vùng đất Nam Bộ.

Trong một thời gian rất ngắn (từ năm 1698-1700), Nguyễn Hữu Cảnh đã cống hiến cho lịch sử dân tộc với việc xác lập chủ quyền quốc gia, thiết lập các đơn vị hành chính vùng đất Nam Bộ, mở đường đưa dân vào khai hoang, lập làng, bảo vệ và ổn định cuộc sống trên vùng đất mới cho cả người Việt, người Hoa và người Khmer; dàn xếp, giữ yên bờ cõi... Nguyễn Hữu Cảnh với chính sách "đem nhân tâm để thu phục lòng dân, lấy nhân đức hướng tới hoà đồng, hoà hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân", góp phần hình thành nên một Việt Nam thống nhất.

Trong thời kỳ phong kiến đến thời kỳ Pháp thuộc và kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nổi bật có các danh tướng như: Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Lê Sỹ, Hoàng Kế Viêm, Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Hoàng Sâm, Võ Nguyên Giáp...

Đào Duy Từ là người tỉnh Thanh Hóa đã giúp chúa Nguyễn vạch ra nhiều kế sách quân sự quan trọng để đối phó có hiệu quả từ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đặc biệt là tổ chức xây dựng hệ thống lũy Đào Duy Từ với các lũy Nhật Lệ, Trường Dục. Đây là công trình thể hiện tư chất, tầm vóc của ông trong nghệ thuật dụng binh và nghệ thuật phòng thủ, góp phần quan trọng giúp chúa Nguyễn đẩy lùi những cuộc tấn công xâm lấn của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài giữ yên bờ cõi Đàng Trong.

Tiếp nối Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật được chúa Nguyễn giao trọng trách trông coi xây đắp thành lũy và sau này ông lại là người hiến kế để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chiến lũy đủ sức chống đỡ mọi cuộc tấn công của kẻ thù.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm - danh tướng từng đoạt vị trí rất cao dưới thời phong kiến, một trong những người lập công mở đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.H
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: T.H

Công lao lẫy lừng nhất của danh thần Hoàng Kế Viêm chính là những trận chiến với quân Pháp trong buổi đầu chúng kéo quân ra xâm lược miền Bắc với hai trận thắng quân Pháp ở Ô Cầu Giấy, giết chết tướng P.Garnier (1873) và Henri Rivière (1883). Cùng với thống tướng Lê Sỹ mở đầu sự nghiệp kháng Pháp, Hoàng Kế Viêm chính là vị danh tướng người Quảng Bình ghi công đầu, thể hiện tinh thần và ý chí quyết tâm chống thực dân Pháp đến cùng của nhân dân Việt Nam. Bên cạnh tài năng quân sự, tài năng của ông còn được thể hiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị qua thời gian làm quan trị nhậm tại các tỉnh như giải quyết nạn đói, vỡ đê và an dân ở Hưng Yên năm 1856; khi làm Tổng đốc An - Tĩnh (1863) mở mang nông nghiệp, xây dựng các kênh thủy lợi phục vụ vấn đề tưới tiêu, mở mang giao thông và phát triển thương mại, làm thay đổi bộ mặt kinh tế An - Tĩnh theo hướng khởi sắc và phồn thịnh. Ngoài ra, ông còn là nhà thơ, nhà sử học với nhiều tác phẩm để đời.

Nhắc đến các bậc danh tướng của quê hương Quảng Bình, không ai không biết đến tên tuổi và sự nghiệp lẫy lừng của Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông là người sáng lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Dưới sự dẫn dắt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội ta từ buổi đầu chỉ có 34 chiến sĩ với vũ khí trang bị thô sơ, trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đã trở thành một quân đội hùng mạnh, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tên tuổi và sự nghiệp của Đại tướng Tổng Tư lệnh vượt ra khỏi biên giới quốc gia, sánh ngang tầm với các bậc danh tướng lẫy lừng thế giới.

Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh Peter Mac Donald, đánh giá: "Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính qui. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có".

Là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người giáo dục rèn luyện, Võ Nguyên Giáp không ngừng nỗ lực tự học, tu dưỡng, phấn đấu vươn cao ngang tầm thời đại, trở thành một Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của quân đội cách mạng, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng xứng đáng là một anh hùng dân tộc, góp phần tô điểm thêm cho trang sử vẻ vang của dân tộc.

* Về truyền thống hiếu học đạt tới đỉnh cao của học vấn và đức độ

Mảnh đất và con người Quảng Bình từ bao đời nay vẫn luôn gắn liền với truyền thống hiếu học, là nơi quy tụ nhiều bậc hiền tài, danh nhân nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử, được đánh dấu bằng việc hình thành nhiều làng khoa bảng nổi tiếng "Bát danh hương": "Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim" với truyền thống hiếu học được truyền tụng từ đời này qua đời khác và đã đào luyện, hun đúc, sản sinh ra nhiều bậc anh hùng, hào kiệt, danh nhân với những tố chất cao quý và đặc biệt xuất chúng trong các lĩnh vực quân sự, văn hoá - xã hội... mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân vùng đất Quảng Bình.

Thời phong kiến, ở các triều Trần, Lê, Mạc, Quảng Bình đã có 5 vị đỗ đại khoa. Đến triều Nguyễn, số người đạt học vị từ tú tài đến cử nhân, tiến sỹ rất nhiều và vượt xa các thời kỳ trước. Trong 40 kỳ thi hội do triều Nguyễn tổ chức, Quảng Bình là một trong những tỉnh có số người đậu đại khoa nhiều nhất với 22 tiến sỹ, 19 phó bảng và 3 hoàng giáp; ngoài ra tỉnh còn có 270 người đậu cử nhân và hàng trăm người đậu tú tài trong các kỳ thi hương.

Sự kết hợp giữa tài năng học vấn và tấm lòng đức độ của danh nhân Quảng Bình đã được triều đình chọn để đứng vào vị trí làm thầy dạy cho cả vua, hoàng hậu, thái tử và con cháu hoàng tộc, đó là Nguyễn Duy Cần, người làng Lý Hòa, Bố Trạch, sau khi đỗ tiến sỹ khoa Nhâm Dần - 1842 dưới thời Thiệu Trị đã được sung chức Giáo tập Tôn Học Đường dạy học vấn, lễ nghĩa cho hoàng phi, công chúa, hoàng tử hoàng tôn trong phủ Tôn Nhơn, sau bổ làm Tế tửu Quốc tử Giám là lò đào tạo nhân tài cho chế độ.

Nguyễn Đăng Tuân sinh ra đúng thời loạn lạc, không có cơ ứng thí để có tên trong danh bảng đại khoa nhưng có sức học hơn người, thông kim bác cổ nên được triều đình thăng bổ nhiều phẩm hàm, trọng trách như Hàn Lâm học sỹ, Tham tri Bộ Lễ,  được mời vào cung làm thầy dạy học cho thái tử, hoàng tử mà sau này có người trở thành những vị vua học rộng như vua Thiệu Trị, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh...

Ông là người rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, vì vậy, khi còn làm Thiêm sự bộ Lễ, trong 6 điều dâng lên vua Minh Mạng, điều thứ 4 ông đề cập đến là xin đặt nhà học ở dinh trấn châu huyện với việc: "xin chọn những bậc lão sư túc nho làm Trợ giáo. Phàm học trò trước hết phải đến châu huyện học tập, Trợ giáo phải xét tài năng, khí độ mà dạy. Khi đã hơi thông kinh sách và biết làm văn, thì cho đến dinh trấn để Đốc học dạy. Thường khảo sát người nào trúng cách thì cử lên Thái học cho giám đốc học khảo duyệt bài lại mà tâu lên. Vua bèn sai văn thần hội với giám đốc học khảo hạch lại. Người nào kinh thuật rộng khắp, học hành thuần đủ, cho làm sinh viên, cấp cho lương ăn mà học tập, để đợi lục dụng”.

Nguyễn Đăng Tuân còn dùng tài học vấn của mình đã đóng góp ý kiến vào đường lối trị nước. Khi đang giữ chức Thiêm Sự bộ Lễ, năm 1820, Nguyễn Đăng Tuân đã dâng sớ xin đình các việc công tác trong 1 - 2 tháng do quân dân bị tật dịch cần dưỡng sức. Từ bộ Lễ chuyển sang bộ Binh, Nguyễn Đăng Tuân kiến nghị 14 điều, đến năm Minh Mạng thứ 7 (1825) được vua cho phép thi hành.

Tiếp nối ý chí và khí tiết của Nguyễn Đăng Tuân, hậu duệ của ông với nhiều thế hệ tài cao, học rộng như Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Đăng Hành, Nguyễn Đăng Cũ đều được giao phó nhiều trọng trách ở triều đình thường xuyên dâng lên vua các bản tấu nhằm giúp nước mạnh dân yên.

Quảng Bình còn nhiều danh nhân có tài học cao nổi tiếng khác như "Tứ triều nguyên lão" Võ Xuân Cẩn, được thăng đến chức Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Lại, thự Đông các Đại học sĩ kiêm quản viện Đô sát sung Thực lục tổng tài, gia hàm thái tử thái bảo. Ông nhiều lần đưa ra ý kiến luận bàn về việc chính sự. Trong đó, có việc làm nổi bật được nhiều người biết đến, đó là thi hành phép quân điền tại Bình Định. Với những việc làm của Võ Xuân Cẩn, ông được các nhà sử học đương thời đánh giá trong "Quốc sử tạp lục": "Sự cải cách điền địa năm 1839 ở Bình Định là cả một cuộc cách mạng lớn lao, đem ruộng cho dân cày, hạn chế các đại điền chủ. Cách mạng này là một trong các công cuộc của Võ Xuân Cẩn".

Có thể thấy, những kiến nghị, tâu xin của các vị đại thần quê Quảng Bình đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đất nước, liên quan đến mệnh hệ của nhiều tỉnh thành. Qua đó, giúp cho các triều đại phong kiến ban hành chính sách cai trị đúng đắn, nhờ vậy mà tình hình chính trị - xã hội được ổn định, kinh tế phục hồi và có bước phát triển, xây dựng quân đội vững mạnh, cải thiện đời sống dân chúng.

* Trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, đặc biệt trong nền văn học trung đại Việt Nam, khởi đầu từ thế kỷ X và đến thế kỷ XIX nhất là giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, văn học Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ đạt đến đỉnh cao tạo nên một nền văn học cổ điển trong các thể loại viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Nhiều danh sỹ của vùng đất Quảng Bình đã có sự sáng tạo mang tính đột phá trong văn chương nghệ thuật.

Nguyễn Hàm Ninh đã có những đóng góp không nhỏ vào nền văn học trung đại Việt Nam, giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX. Ông là người có tư chất văn chương từ bé, được học hành và thi đỗ đạt, làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, Nguyễn Hàm Ninh đã sáng tác khá nhiều thơ ca với các thể loại, so với những nhà thơ đương thời như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Tùng Thiện Vương..., sự nghiệp văn chương của Nguyễn Hàm Ninh có số lượng khiêm tốn, nhưng qua những tác phẩm thơ văn đó thể hiện được con người, tư tưởng yêu nước thương dân và khát vọng về một cuộc sống bình dị của ông.

Đỗ đạt làm quan đến chức Án sát, mấy lần bị bãi chức và về quê sinh sống, nhưng Nguyễn Hàm Ninh vẫn luôn giữ trọn tấm lòng của một bậc nho sĩ thanh liêm, với một tình yêu thương quê hương, đất nước hết sức sâu sắc.

Ngoài Nguyễn Hàm Ninh, nhiều danh sỹ Quảng Bình như Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử đã có nhiều đóng góp to lớn trong phong trào thơ mới và các giai đoạn văn chương sau này.

Danh sỹ Quảng Bình Lưu Trọng Lư đã mang chất lãng mạn vô thường vào hơi thở văn chương hiện đại. Ông tham gia văn đàn với nhiều thể loại: thi ca, kịch bản văn học, phê bình, tiểu luận, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, bút ký,...

Lưu Trọng Lư là người đã khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của mình đối với tiến trình phát triển văn học nghệ thuật của nước nhà.

Ngoài các nhân vật tiêu biểu được đi sâu giới thiệu trong bài viết này, còn nhiều bậc thế hệ danh nhân, anh tài có những đóng góp nhất định trong tiến trình lịch sử của vùng đất Quảng Bình như: Hoàng Hối Khanh, Dương Văn An, Hoàng Kim Xán, Huỳnh Côn, Trương Phúc Phấn, Mai Lượng, Bạch Xí, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Mô Khởi, Võ Trọng Bình, Lê Trực, Đồng Sĩ Nguyên, Quách Xuân Kỳ...

Trong tiến trình phát triển của đất nước, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất cũng như con người Quảng Bình đã phải hứng chịu biết bao nỗi đau chia cắt, gián đoạn, đấu tranh xã hội, chiến tranh xâm lược. Nhưng cũng chính điều đó đã tôi luyện nên những con người anh dũng, kiên cường, bất khuất; những bậc anh hùng, hào kiệt, hiền tài, văn sỹ suốt đời phấn đấu, hy sinh để làm rạng danh cho vùng đất này. Quảng Bình là một trong những nôi thu hút và sản sinh ra nhiều nhân vật lịch sử, văn hóa, hiền tài của đất nước.

Tầm ảnh hưởng, công lao đóng góp của họ không chỉ giới hạn trong một vùng đất mà còn cho cả nước và vượt ra tầm thế giới. Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta càng tự hào hơn bao giờ hết với những trang sử vẻ vang, những con người ưu tú đã làm nên mảnh đất Quảng Bình với diện mạo như hôm nay.

                                                          TS. Nguyễn Đức Lý

                               Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình


 

,
.
.
.