Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ 3: Ở giữa lòng dân

Cập nhật lúc 09:35, Thứ Năm, 26/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sáng nay gia đình anh Hồ Minh Khai ở thôn Nam Đức, xã Đức Trạch đón những người khách “không mời mà đến”. Họ là bộ đội của Đồn biên phòng Lý Hòa trên đường tuần tra tuyến biển ghé vào thăm. Chủ, khách ngồi trên tấm chiếu trải giữa nền ngôi nhà tình nghĩa mới xây khá khang trang cùng nhau hàn huyên. Hồ Minh Khai xúc động: “Có ngôi nhà mới ni, nhờ một phần công sức của Bộ đội Biên phòng cả đó”.

>> Kỳ 2: Dấu ấn giữa thành phố Hoa Hồng

>> Kỳ 1: Đồn anh hùng trên đất anh hùng

Gọi là Đồn biên phòng Lý Hòa vậy nhưng nơi đồn đứng chân lại thuộc địa giới hành chính xã Đức Trạch, chỉ cách bờ biển khoảng chừng “một tầm tay với” như cán bộ, chiến sỹ thường đùa. Khu vực quản lý của đồn Lý Hòa gồm 4 xã: Nhân Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch và Thanh Trạch với chiều dài bờ biển hơn 24 km; dân số 8.718 hộ, 40.024 khẩu.

Trở lại câu chuyện đang dang dở ở nhà anh Hồ Minh Khai, thực ra khoảng 10 năm trước chúng tôi đã có dịp về thăm vợ chồng anh, gia đình có 3 người con bị di chứng chất độc da cam. Ngày đó gia đình Hồ Minh Khai sống trong một túp lều nhỏ, rách nát. Đón khách, vợ chồng nước mắt giọt ngắn, giọt dài, thương thân, tủi phận. Bây giờ, bằng sự chung tay của cộng đồng, trong đó có sự giúp đỡ tận tình của Đồn biên phòng Lý Hòa, vợ chồng Hồ Minh Khai được sống trong ngôi nhà mới. Anh Khai xúc động cho biết: “Suốt quá trình làm nhà, Đồn biên phòng cử 10 cán bộ, chiến sỹ sang tham gia xây dựng cùng gia đình. Chúng tôi mang ơn bộ đội nhiều lắm!”.

Những năm trở lại đây, ngư dân vùng biển từ Nhân Trạch đến Thanh Trạch đang đẩy mạnh phong trào thi đua đóng mới tàu thuyền công suất lớn, vươn khơi đến những ngư trường rộng lớn: Trường Sa, Hoàng Sa, Quảng Ninh, Đà Nẵng....

Bình yên vùng biển.
Bình yên vùng biển.

Tiềm năng kinh tế biển giúp người dân các xã Đức Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch giàu lên nhanh chóng. Khu vực này có 970 tàu công suất từ 20CV trở lên thu hút 2.821 lao động, trong đó 496 tàu công suất 20CV, 1.043 thuyền viên; 54 tàu công suất 45 CV đến dưới 90CV, 644 thuyền viên và 310 tàu công suất trên 90CV với 2.821 thuyền viên. Có thể khẳng định với việc hình thành 83 tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt trên biển của ngư dân Thanh- Hải- Đức đã tạo ra một thế trận an ninh nhân dân vững chắc cùng với Đồn biên phòng Lý Hòa bảo đảm chủ quyền biển đảo.

Về Đức Trạch những ngày tháng bảy, người dân trong xã vẫn còn nhắc đến câu chuyện sống sót trở về từ giông bão tựa cổ tích của tàu cá QB 92109 TS do anh Nguyễn Văn Sửu ở thôn Thượng Đức làm thuyền trưởng cùng 6 thuyền viên. Rất tiếc chúng tôi không gặp được vợ chồng anh Sửu vì họ đang vào Đà Nẵng sửa chữa lại con tàu để sớm trở lại với biển thân yêu.

Trung tá Hà Ngọc Việt, Đồn trưởng Đồn biên phòng Lý Hòa nhớ lại: “Nhận được hung tin, đồn nhanh chóng báo cáo với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Tư lệnh nhằm lên phương án tìm kiếm, cứu nạn. Tại địa phương, thân nhân của những ngư dân mất tích đều đã tuyệt vọng, họ chuẩn bị lo hậu sự phòng trường hợp xấu nhất. Đồn tăng cường cán bộ, chiến sỹ cùng với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đến từng gia đình động viên tư tưởng mọi người. Cho đến khi chúng tôi liên lạc được với tàu cá của Nguyễn Văn Tiến (em trai anh Sửu) và ông Nguyễn Văn Vọ (ngư dân tại Đức Trạch) là chiếc tàu phát hiện, ứng cứu kịp thời cho các thuyền viên trên tàu QB 92109 TS, qua đó xác định tọa độ chính xác nơi tàu gặp nạn.

Từ thông tin trên, Bộ đội biên phòng Quảng Bình đề nghị Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II tại Đà Nẵng (Danang MRCC) điều tàu đi tìm kiếm. Đến 16 giờ ngày 21- 6, tàu Sar 274 của Danang MRCC đã lai dắt tàu QB 92109 cập cảng an toàn. Bình yên trở lại với cuộc sống của người dân vùng biển và Đồn biên phòng Lý Hòa vinh dự được góp một phần nhỏ bé của mình vào sự bình yên đó”- trung tá Việt khiêm tốn.

Nhân câu chuyện này, thiếu tá, Đồn phó Nguyễn Văn Phương nhớ về một kỷ niệm khác trong công tác cứu hộ, cứu nạn ngư dân trên biển: “Còn nhớ trong một trận bão lớn vào tháng 10 năm 2008, một tàu cá của ngư dân đang trên đường vào cảng Gianh thì bị sóng lớn đánh chìm. Lúc đó trên tàu có 6 thuyền viên, họ xác định sẽ không thể sống sót nên dùng dây buộc từng người nối lại với nhau để lỡ sau này người thân tìm thấy xác thì đủ cả 6 người. Họ bị nước cuốn trôi dạt vào ngoài khơi khu vực Đá Nhảy. Phát hiện có người kêu cứu, Trung úy Nguyễn Văn Tài, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Lý Hòa không chút đắn đo, lao mình vào sóng dữ. Sau nhiều giờ vật lộn với  bão tố, anh kéo được cả 6 ngư dân vào bờ an toàn”.

Bộ đội biên phòng đồn Lý Hòa đang xử lý thuyền của ngư dân dùng chất nổ khai thác thủy sản.
Bộ đội biên phòng đồn Lý Hòa đang xử lý thuyền của ngư dân dùng chất nổ khai thác thủy sản.

Những câu chuyện kể về lính biên phòng giúp dân trong bão lũ thêm một lần nữa khẳng định vị thế của các anh trong lòng người dân vùng biển. Đồn biên phòng Lý Hòa trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió. Cũng chính vì vậy, vào mùa mưa bão hàng năm, tại đồn chỉ để lại 10 cán bộ, chiến sỹ trực chiến, tất cả quân số tăng cường về từng địa phương, cùng chính quyền và nhân dân sẵn sàng đối phó với thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên Đồn biên phòng Lý Hòa mới luân chuyển từ Đồn biên phòng Cà Roòng (xã Thượng Trạch) về. Anh nói rằng đời binh nghiệp của mình đến bây giời cũng tạm mãn nguyện vì được cống hiến trên hai tuyến biên giới Tổ quốc thân yêu. Bất kỳ ở vị trí nào, nơi nào, tuyến rừng hay biển đều có những đặc thù riêng, khó khăn riêng; phong tục, tập quán nhân dân rất riêng. Người lính biên phòng với dân như “cá với nước”, nước không thể không có cá, cá không thể sống thiếu nước. Nhờ đó Bộ đội Biên phòng đang có một thế trận lòng dân rất vững chắc.

Trong 4 xã thuộc khu vực Đồn biên phòng Lý Hòa quản lý, cán bộ, chiến sỹ của đồn chú trọng hơn đến Nhân Trạch, một xã biển giáp thành phố Đồng Hới. Hiện tại đồn đang xây dựng chương trình tuyên truyền vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí và vật liệu nổ, chọn Nhân Trạch làm xã điểm. Cũng ở Nhân Trạch, ĐVTN của đồn phối hợp cùng xã đoàn, chính quyền, các đoàn thể... chuẩn bị triển khai một tuyến đường cấp phối dài 1,5 km nối Nhân Trạch với Đức Trạch; thí điểm mô hình nuôi gà trên cát, sau đó giúp các hộ nghèo con giống để mở rộng quy mô. “Đây là một số công việc cán bộ, chiến sỹ của đồn đang thực hiện góp phần vào xây dựng nông thôn mới tại miền biển”- trung tá Nguyễn Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Những câu chuyện kể về người lính biên phòng đồn Lý Hòa còn nhiều lắm. Trước khi rời xa vùng đất trù phú, mến khách này, chúng tôi chợt nhớ đến lời anh Hồ Minh Khai: “Gia đình, bà con dân làng còn cần đến bộ đội biên phòng nhiều lắm! Chúc các anh vững chắc tay súng bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn biển đảo quê hương, đồng hành cùng nhân dân, vì dân phục vụ”.

                                                   Thanh Long- Nguyễn Hoàng


                                                                       Kỳ 4: Sóng vỗ dòng Gianh



 

,
.
.
.