Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ 4: Sóng vỗ dòng Gianh

Cập nhật lúc 07:59, Thứ Sáu, 27/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ  xã Thanh Trạch, trong khu vực Hải đội 2 đóng quân nhìn sang bờ bắc sông Gianh, nơi một doi đất xanh mát mắt giữa trưa tháng 7 ngun ngút nắng, anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi bảo: “Đó là Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Gianh!”. Gần gũi là vậy nhưng theo quốc lộ 1A ra Quảng Thọ, xuôi về Quảng Phúc, đến được đồn phải trên chục cây số.

>> Kỳ 3: Ở giữa lòng dân

>> Kỳ 2: Dấu ấn giữa thành phố Hoa Hồng

>> Kỳ 1: Đồn anh hùng trên đất anh hùng

Nằm ở vị trí khá “đắc địa”, nên hầu như quanh năm suốt tháng Đồn biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Gianh mặn mòi mùi biển. Chúng tôi giới thiệu với cậu chiến sỹ cảnh vệ ngoài cổng rằng mình là người nhà của cánh lính biên phòng.

Đùa vậy, hóa ra lại thật khi Đồn trưởng Đồn BPCK cảng Gianh, trung tá Trần Đình Tứ đã thân quen với chúng tôi từ trước, khi anh làm Đồn trưởng Đồn biên phòng Cà Xèng đóng quân tại tuyến biên giới rừng thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Trung tá Tứ chính là người bổ những nhát cuốc đầu tiên khai hoang nên cánh đồng lúa Rục Làn, để bây giờ tiếng thơm của hương lúa Rục Làn nức tiếng khắp cả nước, được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả nhất của lực lượng biên phòng giúp dân.

Chuyện cũ tạm gác lại, chuyện mới nhiều lắm, ông đồn trưởng bảo vậy: “Vùng đất này trong hai cuộc chiến tranh anh hùng lắm đó! Đồn mình cũng là đồn anh hùng. So với toàn tuyến biên giới biển Quảng Bình thì ở đây có rất nhiều cái đặc thù... Hơn một nửa dân số có đạo; nơi số lượng tàu thuyền neo đậu, vào ra nhiều nhất; nơi hoạt động giao thương, buôn bán khá sầm uất... Đặc thù như vậy hun đúc cho cán bộ, chiến sỹ của đồn một bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ vững vàng, vượt qua đầu sóng ngọn gió, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Đổi thay xứ đạo Tân Mỹ, nơi Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Gianh đứng chân.
Đổi thay xứ đạo Tân Mỹ, nơi Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Gianh đứng chân.

Dân số 3 xã Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Xuân thuộc phạm vi đồn quản lý gồm 6.560 hộ, 29.855 khẩu trong đó đồng bào công giáo có 3.051 hộ, 15.983 khẩu chiếm 53,5%. Bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo tại 4 xứ đạo: Tân Mỹ, Đơn Sa (Quảng Phúc), Nhân Thọ (Quảng Thọ), Xuân Hòa (Quảng Xuân) và 5 họ đạo: Tân Hưng, Diên Phúc, Trà Sơn, Đồng Xuân, Ngoại Hải.

Trung úy Nguyễn Anh Ngọc, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, một sỹ quan biên phòng trẻ của Đồn BPCK cảng Gianh nhận xét: “Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề biển, một phần làm nông nghiệp, chăm lo làm ăn, chú trọng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bà con giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, “sống tốt đời, đẹp đạo”. Tuy nhiên ở một vài xứ đạo, họ đạo, bộ phận giáo dân vẫn diễn ra những hoạt động tôn giáo gây khó khăn về tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

“Đồn BPCK cảng Gianh sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền và những lực lượng khác tạo nên sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bám dân, vận động nhân dân đoàn kết lương- giáo xây dựng cuộc sống mới, từ đó giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên địa bàn, không để phát sinh thành điểm nóng, phức tạp”- Đại úy Cao Tiến Phương, Chính trị viên phó chia sẻ- “Vì thế sóng dòng Gianh vẫn bình yên vỗ bờ”- Anh ví von bằng một hình ảnh đầy chất lãng mạn.

Trở lại với câu chuyện chúng tôi đặt ra ngay từ đầu: “Ngoài công tác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển, Đồn BPCK cảng Gianh làm gì để cùng với toàn dân xây dựng nông thôn mới?”. Đại úy Phương bảo: “Nhiều lắm chứ, câu chuyện giúp dân, giúp chính quyền địa phương 3 xã Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Xuân xây dựng nông thôn mới được cán bộ, chiến sỹ của đồn quán triệt, trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng”.

Bắt đầu từ chuyện bám biển của ngư dân (tập trung ở hai xã Quảng Xuân và Quảng Phúc), với tổng số tàu thuyền 364 chiếc, Đồn BPCK cảng Gianh tham mưu, vận động thành lập, củng cố được 33 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển tập hợp 203 tàu. Từ mô hình tổ đoàn kết, ngư dân có điều kiện vươn ra ngư trường rộng lớn hơn để đánh bắt, khai thác thủy sản. Cũng từ mô hình này, ngư dân không phân biệt lương giáo xích lại gần nhau hơn, sẵn sàng chia sẻ cùng nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Ngư dân  vươn ra biển lớn, họ càng thấm đẫm được sự thiêng liêng của biển, đảo tổ quốc Việt Nam.

Trong năm 2011, đồn tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu cảng Gianh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các phương tiện ra vào cảng; làm thủ tục cho 2 tàu, 16 thuyền viên chở 1.700 tấn titan sang Trung Quốc; nhập 1 tàu Trung Quốc với 3 thuyền viên vào thu mua hàng thủy sản; xuất 209 tàu, 2.018 thuyền viên chở 71.567 tấn hàng hóa như: xi măng, titan, clinker, gỗ tròn...; nhập 221 tàu, 1.381 thuyền viên vận chuyển 38.167 tấn xăng dầu, than đá, xi măng, clinker; làm thủ tục xuất 8.307 tàu cá, 63.569 lao động; nhập 7.387 tàu, 56.130 lao động. Qua công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, chưa phát hiện dấu hiệu buôn lậu, gian lận thương mại. Công tác kiểm soát tàu, thuyền song hành cùng công tác tuyên truyền cho ngư dân hiểu thêm về luật biển, hiệp định hợp tác nghề cá, các quy định bảo đảm an toàn hàng hải...

Tuần tra kiểm soát trong khu vực cảng Gianh.
Tuần tra kiểm soát trong khu vực cảng Gianh.

Nhân câu chuyện về biển đảo, chuyện vươn khơi của ngư dân, Đại úy Phương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cứu hộ thành công 2 ngư dân của Trung Quốc bị nạn trên biển: “Ngày 25- 2- 2012, tại tọa độ 180,37’00”- 1600,49’00, tàu cá QB.93008 TS do anh Nguyễn Văn Nỗi ở thôn Xuân Lộc, xã Quảng Phúc (tàu có 7 thuyền viên) đang trên đường vào cảng Gianh thì phát hiện 1 chiếc thuyền gỗ màu đỏ gắn máy cole, trên thuyền có 2 người đàn ông vẫy tay kêu cứu. Tàu của anh Nỗi cứu được 2 người này, dù bất đồng ngôn ngữ nhưng các thuyền viên cũng tìm hiểu được đó là 2 ngư dân  quê quán ở bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc đi câu cá. Do sương mù nên mất phương hướng và thất lạc với tàu lớn.

Anh Nỗi qua bộ đàm một mặt thông báo cho Đồn BPCK cảng Gianh xin ý kiến chỉ đạo, một mặt liên lạc phía tàu cá Trung Quốc. Được sự chỉ đạo của Đồn BPCK cảng Gianh, khi cách tàu cá Trung Quốc chừng 3 hải lý, anh Nỗi thả họ xuống thuyền để họ tự đến tàu lớn. Sau khi vào cảng Gianh ngày 26- 2, anh Nỗi báo cáo toàn bộ sự việc lên Ban chỉ huy đồn. Kể ra câu chuyện này để minh chứng rằng, dù giữa muôn trung biển khơi thì Bộ đội Biên phòng vẫn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân”- Đại úy Phương khẳng định.

Cũng trong năm 2011, Đồn BPCK cảng Gianh đã làm được 9 nhà đại đoàn kết, trị giá 55 triệu đồng/nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn phụ trách. Những ngày tháng 7 này, đồn tiếp tục giúp đỡ cho xã Quảng Xuân, địa phương được huyện Quảng Trạch chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới sao cho cuối năm 2012 này, Quảng Xuân đạt được 10 trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Ngày lại ngày, bước chân của cán bộ chiến sỹ Đồn BPCK cảng Gianh vẫn in dấu suốt chiều dài 15km bờ biển phía bắc dòng Gianh...

                                                     Thanh Long - Nguyễn Hoàng


                                                          Kỳ cuối: Chuyện kể bên mái đèo Ngang







 

,
.
.
.