Mừng sinh nhật lần thứ 101 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2012):

Quảng Bình mãi mãi ghi ơn Đại tướng

Cập nhật lúc 07:54, Thứ Sáu, 24/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người học trò gần gũi, xuất sắc nhất, trung thành nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng, từ thuở nhỏ đã là một học sinh ưu tú ở quê nhà. Ra Hà Nội tiếp tục học, Võ Nguyên Giáp đã đỗ tú tài, rồi cử nhân luật 1936, là một sinh viên nổi bật nhất của trường luật, với bài chuyên luận đã được giáo sư chủ nhiệm người Pháp phê "chuyên luận xuất sắc nhất về một đề tài chưa được biết mấy, cách trình bày sáng rõ, có phương pháp luận mang dấu sắc riêng".

Và cũng giáo sư chủ nhiệm đó đã giới thiệu với giáo sư luật học Pháp - giáo sư Pirau, từng làm đổng lý văn phòng tổng thống Pháp khi sang thăm Trường đại học Luật Hà Nội: Đó là một người học trò yêu thích nhất của tôi. Anh ta thông minh sáng láng và rất can đảm - Một cái đầu bốc lửa, đã có vấn đề vướng mắc với chính quyền. Giáo sư Pirau đã nói: Thế thì phải rút anh ta ra khỏi môi trường thuộc địa. Hãy đưa anh ta sang Pari. Anh ta có thể theo học tiến sĩ ở Pháp về môn học anh ta muốn. Tôi sẽ đảm nhiệm về anh ta.

Võ Nguyên Giáp đã khước từ, vì anh đã chọn cho mình con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Có bằng cử nhân luật, Võ Nguyên Giáp không ra làm việc với Pháp mà làm nhà giáo, dạy sử địa nổi tiếng ở trường tư thục trung học Thăng Long Hà Nội. Đồng thời, Võ Nguyên Giáp đã hoạt động đắc lực trên mặt trận báo chí công khai của Đảng thời kỳ 1936 - 1939. Võ Nguyên Giáp đã làm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết bài, duyệt bài cho đến lên trang, sửa morat... Võ Nguyên Giáp đã viết cả báo chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Báo tiếng Pháp như các tờ Le Travail, Rassemblement, En avant, Notre voix; viết báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và một số báo ở Hà Nội. Võ Nguyên Giáp còn cùng đồng chí Trường Chinh viết tập sách Dân Cày, viết vấn đề dân tộc ở Đông Dương nổi tiếng xuất bản ở Hà Nội. Năm 1936-1937, Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch Hội Ái Hữu Báo Giới Bắc Kỳ, là Phó Chủ tịch Hội truyền bá chữ quốc ngữ, một thời rất sôi nổi.

Năm 1939, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc triệu tập sang Côn Minh (Trung Quốc) nhận nhiệm vụ mới.

Từ đó, Võ Nguyên Giáp đã trở thành một trong những học trò gần gũi thân cận của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Khi về nước, Bác Hồ đã giao cho Võ Nguyên Giáp tiếp tục xây dựng khu căn cứ Cao Bắc Lạng và thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.
Từ một nhà hoạt động chính trị, văn hóa, Võ Nguyên Giáp đã trở thành một nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm đại tướng từ đầu năm 1948.

Là Đại tướng, dù chưa là nguyên soái, thống chế, nhưng Võ Nguyên Giáp là vị tướng hàng đầu của các tướng lĩnh anh tài của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là vị Đại tướng Tổng Tư lệnh - Tổng chỉ huy của toàn lực lượng vũ trang Việt Nam.

Thượng tướng Trần Văn Trà lúc sinh thời đã viết: Tôi nghĩ rằng không nên gọi Võ Nguyên Giáp là Đại tướng. Gọi Đại tướng không sai, nhưng không biểu hiện được vai trò đứng đầu toàn quân của Võ Nguyên Giáp và mối quan hệ của Võ Nguyên Giáp với toàn quân, là vị Đại tướng mà toàn quân, toàn dân đều một lòng khâm phục, tôn kính. Tướng Đồng Sỹ Nguyên viết: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực chất là Đại nguyên soái của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân và của lực lượng vũ trang thời đại Hồ Chí Minh.

Võ Nguyên Giáp đã có đầy đủ 6 điều về nhiệm vụ làm tướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên. Đó là: TRÍ, TÍN, DŨNG, NHÂN, LIÊM, TRUNG. Các nhà sử học và các tướng lĩnh Mỹ đã khẳng định tài năng đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Oét-mô-len, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Đông Dương đã viết: “Mọi đức tính tạo thành một thống soái quân sự lớn như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh. Tất cả những đức tính ấy, ông Giáp đều có. Ông là người quả quyết, một thống soái vĩ đại”. 

Võ Nguyên Giáp là một nhà chính trị lỗi lạc, có bản lĩnh kiên cường, văn võ kiêm toàn, có sức cuốn hút rất mạnh mẽ. Võ Nguyên Giáp biết nhiều ngoại ngữ và một số tiếng nói của các dân tộc ít người trong nước.

Võ Nguyên Giáp là một nhà ngoại giao xuất sắc, thể hiện rõ trong cuộc đàm phán Đà Lạt giữa năm 1946 với phái đoàn Pháp, vừa rất mềm dẻo, vừa rất kiên định nguyên tắc bất di bất dịch: độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước. Trong một cuộc đối thoại ở Hà Nội, Mc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng lâu năm của Mỹ và là kiến trúc sư của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, đã chịu khuất phục trước tài biện luận sắc bén của Võ Nguyên Giáp về nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam: Mỹ mạnh nhưng chưa hiểu hết Việt Nam, chưa hiểu hết nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Một vị giáo sư trong phái đoàn Mc Namara đã phải thốt lên: Thống chế (marechal) lại chiến thắng trên mặt trận ngôn từ.

Võ Nguyên Giáp còn là một nhà sử học uyên thâm. Tổng tập hồi ký của Đại tướng là cuốn sử đầy đủ, chân thật nhất, khách quan khoa học nhất của các cuộc chiến tranh vệ quốc, kháng Pháp, kháng Mỹ và các thế lực phản động quốc tế khác.

Võ Nguyên Giáp là một nhà khoa học khả kính, thể hiện rõ khi kiêm nhiệm vị trí chủ nhiệm Ủy ban khoa học Nhà nước (1960 - 1963) đã rất quan tâm đến hoạt động của các trí thức khoa học trong nước, đã gợi mở những đề tài nghiên cứu thiết thực cơ bản và cấp bách cho sự nghiệp kiến quốc và vệ quốc. Đại tướng từng mong giới khoa học kỹ thuật Việt Nam phấn đấu đạt được một Điện Biên Phủ trên mặt trận khoa học kỹ thuật. Năm 2010, giáo sư Ngô Bảo Châu đã giành được giải thưởng quốc tế hàng đầu về toán học. Phải chăng đó là mở đầu cho một ước muốn sâu sắc của Đại tướng.

Với quê hương Quảng Bình, Đại tướng là người con vô cùng yêu quý, chí hiếu, chí tình. Lúc còn sức khỏe, Đại tướng thường xuyên về thăm quê, lần lượt đến mọi vùng trong tỉnh. Với tinh thần trách nhiệm cao cả, với tầm nhìn sâu sát, cụ thể, Đại tướng đã giúp tỉnh nhà nhiều ý kiến chính xác, quan trọng về mọi mặt.

Bước chân của Đại tướng đến đâu, với những lời dặn dò chân tình, thiết thực, đều đã để lại trong lòng nhân dân, cán bộ, trong lòng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, chiến sĩ thi đua một tình cảm, một lòng biết ơn sâu lắng. Vì, Đại tướng luôn luôn chỉ có một mong muốn: Quê hương Quảng Bình một thời nổi danh hai giỏi sẽ mãi mãi vươn lên tiến đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Là một nhân vật lịch sử lừng danh, một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một vị khai quốc công thần, Đại tướng Tổng Tư lệnh suốt đời rất khiêm cung, tự coi công lao thành tích của mình là do có Đảng, có nhân dân, có quân đội anh hùng. Đại tướng đã nói với Thống chế Meera (Ấn Độ) rằng: "Nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, không có nhân dân và quân đội anh hùng, thì tướng lĩnh chúng ta dù tài giỏi đến đâu, cũng không thể làm nên công trạng thành tích gì".

Đại tướng là người đã nguyện "Tôi sống ngày nào là vì đất nước" đúng như lời dặn dò thân tình của Bác Hồ khi nằm chung trong lán tranh ở chiến khu Việt Bắc: "Dĩ dân vi thượng, dĩ công vi thượng".
Xưa, sống đến 70 tuổi đã là hiếm, nay Đại tướng thọ trên 100 tuổi là điều vô cùng quý hiếm đối với dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới.

Suốt một đời tận hiếu trí tuệ tài năng, đức độ cho đất nước quê hương, Đại tướng đã được Đảng và nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Cho đến lúc đã 100 tuổi, vẫn còn được Đại hội Hội Khuyến học Việt Nam tôn vinh là Hội trưởng danh dự của hội, cũng như đã là Chủ tịch danh dự của Hội Cựu chiến binh, của Hội Sử học Việt Nam. Nhưng dù có bảng vàng bia đá ghi tạc thì cũng không bằng "Đại tướng đã được ghi tạc vào lòng dân. Sử sách thì có thể mai một, bia đá có thể mòn, nhưng lòng dân thì bất tử, không một ai có thể tùy tiện thay đổi", như khẳng định của giáo sư Phan Huy Lê trong Tạp chí Xưa Nay số 362 (tháng 8-2010).

Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam có đời tư trong sáng, cuộc sống trong sáng và tâm hồn trong sáng.

Xin ghi lại nội dung bức trướng Quảng Bình đã mừng thọ Đại tướng:

Quảng bá uyên thâm vị tướng tài
Bình sinh nợ nước nặng hai vai
Ghi sâu công trạng ngời trang sử
Ơn nghĩa nhân sinh thắm đượm hoài.

Quảng Bình mãi mãi ghi nhớ công ơn Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

                                                                             Phan Xuân Thiết












 

,
.
.
.