Người thương binh "tàn nhưng không phế"

Cập nhật lúc 13:39, Thứ Năm, 26/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Người thương binh nặng 1/4 Trần Kiên Cường ở tiểu khu 7, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới thật vinh dự khi lần thứ 2 được chọn tham gia hội nghị Người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2012 vừa tổ chức đầu tháng 7 tại Đà Nẵng (lần đầu tiên vào năm 2004 tại Thủ đô Hà Nội).

Thương binh Trần Kiên Cường.
Thương binh Trần Kiên Cường.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, mở đầu câu chuyện, thương binh Trần Kiên Cường tâm sự: "Có được cuộc sống như hôm nay tôi luôn biết ơn bao đồng đội đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc.  Bản thân tôi may mắn được tồn tại trở về với đời thường, tôi trăn trở làm sao để thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Thương binh tàn nhưng không phế".

Vừa lật giở những kỷ vật, lưu niệm thời binh nghiệp, ông vừa kể cho chúng tôi nghe: Vừa bước vào tuổi 19, rời ghế nhà trường cấp 2 chàng thanh niên Trần Kiên Cường cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Tháng 1 năm 1972 được biên chế vào  C3D4F11 chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, đây là vùng ta và địch giằng co từng tấc đất, địch mở nhiều cuộc càn quét hòng chiếm lại vùng giải phóng.

Trong các trận đánh chống càn tại xã Quế Sơn, có đợt, ông bị đạn R15 của địch xuyên qua ngực, làm gãy 6 xương sườn trái, 1 lá phổi trái, gần như lồng ngực bên trái bị tan nát bởi bom đạn quân thù; ngay cả đôi chân cũng chi chít vết đạn... Ngày trở về ông mất 81% sức khỏe, xếp loại thương binh 1/4.

Một năm sau ngày hòa bình lập lại, ông lập gia đình, vợ ông cũng là một quân nhân được đơn vị phân công chăm sóc phục vụ ông tại đoàn an dưỡng Quân khu 4. Hai người, một thương binh nặng, một thiếu nữ điều dưỡng, phải lòng nhau từ lần gặp đầu tiên. 

Năm 1990, hưởng ứng phong trào vận động đón thương binh về làng, ông tự nguyện cùng đồng đội từ khu điều dưỡng thương binh nặng Đông Hà-Quảng Trị trở về xây dựng cuộc sống gia đình tại quê hương. Buổi đầu người thương binh nặng trở về làng hòa nhập với cộng đồng biết bao khó khăn gian khổ. Sự thiếu thốn thường xuyên diễn ra với đôi vợ chồng thương binh nặng với 4 người con đang tuổi ăn học. Bản thân ông nhiều khi vết thương cũ tái phát phải vào điều trị tại các bệnh viện từ tuyến tỉnh tới tuyến trung ương, kinh tế gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Trong gian khó, điều vợ chồng ông luôn nhớ tới là lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế". Ông đã chủ động tập hợp các anh em thương binh nặng đề đạt nguyện vọng thành lập tổ giữ xe thương binh tại chợ Đồng Hới. Sáng kiến này đã được thành phố Đồng Hới và các ngành hữu quan đồng tình ủng hộ. Tổ giữ xe thương binh do ông sáng lập đã hoạt động  hiệu quả. 

Từ đó tới nay đã hơn 20 năm liên tục tổ giữ xe thương binh trở thành địa chỉ quen thuộc của bà con chợ Đồng Hới. Tổ giữ xe đã góp phần tạo việc làm cho gia đình 6 thương binh nặng; ngoài nhiệm vụ cùng tổ giữ xe tại chợ ông còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội ở phường, tiểu khu, thành phố. Năm 2005 ông được tín nhiệm làm trưởng ban liên lạc thương binh nặng thành phố Đồng Hới.

Ban liên lạc do ông phụ trách hoạt động rất năng nổ, trở thành cầu nối giữa Phòng TB-XH và anh em thương binh nặng thành phố Đồng Hới. Từ việc thăm hỏi động viên hội viên lúc ốm đau, xây dựng quỹ tình nghĩa đến việc giúp nhau xây dựng kinh tế gia đình, nhân rộng hộ gia đình "nuôi con học giỏi dạy con ngoan" trong ban liên lạc. Nhờ vậy tình đồng đội đồng chí ngày càng thắt chặt hơn.

Đặc biệt gia đình ông luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Điều làm ông trăn trở nhất là làm sao để góp một phần nhỏ bé của mình để tri ân đồng đội đã dũng cảm hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Cách đây mười năm, khi sức khỏe hồi phục, ông đã báo cáo với cơ quan hữu quan, chủ động tìm kiếm mộ liệt sĩ. Được cơ quan chức năng cho phép, ông đã gặp gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Chiến, thôn Diêm Thượng, Diêm Điền, Đức Ninh bàn bạc và cùng  với gia đình vào xã Sơn Phúc, huyện Quế Sơn, Quảng Nam để đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Chiến về quê nhà.

Điều ông chưa nói với chúng tôi, nhưng qua bà con tiểu khu 7, phường Đồng Phú chúng tôi được biết, từ việc xã hội đến việc gia đình ông đều trọn vẹn; 4 người con đều học xong đại học, các cháu đều có việc làm, gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc; bản thân ông được Đảng, chính quyền, nhân dân tin tưởng giao phó nhiều công việc: Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh phường, chi hội trưởng Cựu chiến binh, Trưởng ban bảo vệ dân phố, Trưởng ban liên lạc thương binh, tiểu khu phó... Việc nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Ông Trần Kiên Cường xứng đáng với danh hiệu: "Người thương binh tàn nhưng không phế".

                                                                                     Phan Hòa




 

,
.
.
.