Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2012):

"Sức lan tỏa của phong trào Đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh ta là rất lớn..."

Cập nhật lúc 09:37, Thứ Năm, 26/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động, tạo nhiều phong trào sâu rộng trong nhân dân về đền ơn đáp nghĩa. Sức lan tỏa của phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở tỉnh ta là rất lớn.

* Đồng chí Phạm Xuân Bình, TUV, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Bình.

* PV: Xin đồng chí cho biết những việc đã làm được của tỉnh ta thời gian gần đây trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"?

- Đồng chí Phạm Xuân Bình: Trong những năm qua, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc về tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đang được khắp nơi trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ.

Các địa phương đã vận động toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo nên nét đẹp trong đời sống xã hội. Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động, tạo nhiều phong trào sâu rộng trong nhân dân về đền ơn đáp nghĩa. Sức lan tỏa của phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở tỉnh ta là rất lớn.

Thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công" từ năm 2007 đến năm 2011, tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được hơn 8 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 600 nhà ở cho đối tượng người có công; tất cả những bà mẹ Việt Nam anh hùng đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời.

Kỷ niệm ngày lễ lớn hàng năm, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân đều quan tâm thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Bình đối với người có công; tổ chức chu đáo lễ viếng, dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang trong ngoài tỉnh. Trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện  các chính sách đối với người có công với cách mạng.

Toàn tỉnh có khoảng 145.000 người có công, trong đó có 24.530 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành LĐ-TB và XH đã tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công; giải quyết kịp thời các chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công theo quy định; đến thời điểm này ngành đã phối hợp với địa phương cấp hơn 15.000 sổ ưu đãi giáo dục-đào tạo cho người có công; cấp sổ theo dõi và tiền mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho hơn 700 đối tượng; thực hiện chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho hơn 20 ngàn lượt đối tượng chính sách theo quy định.

* PV: Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tỉnh ta đã có những hoạt động thiết thực gì ?
- Đồng chí Phạm Xuân Bình:  Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, UBND tỉnh đã sớm ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tăng cường chăm sóc người có công và đẩy mạnh hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa". Trên tinh thần đó, Sở LĐ-TB và XH đã chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát nhà ở cho hơn 3.282 đối tượng người có công; tổng hợp về hiện trạng nhà ở của họ để có phương án phù hợp với từng địa phương, đồng thời báo cáo Bộ LĐ-TB và XH xem xét hỗ trợ thêm kinh phí, kết hợp các nguồn lực khác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Quảng Bình.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Quảng Bình.

Từ đầu năm đến nay, ngành đã giải quyết trợ cấp hàng tháng cho hơn 600 trường hợp, giải quyết trợ cấp 1 lần cho hơn 1.300 đối tượng; cấp 88 sổ ưu đãi giáo dục-đào tạo cho học sinh sinh viên; thực hiện điều dưỡng tập trung cho 700 đối tượng người có công, trong đó có 230 đối tượng đi điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng Sầm Sơn- Thanh Hóa; thẩm định hồ sơ chuyển cấp bảo hiểm y tế cho 1.150 đối tượng theo Quyết định 290/2005/QĐ-TTg; phối hợp với Báo Thanh niên và các nhà tài trợ trao quà tặng cho thân nhân của 13 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, ngành đã phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền các cấp tiến hành thực hiện công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập mộ vào các nghĩa trang.

Tháng 5-2012, ngành tiếp nhận và an táng chu đáo 37 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Lào về nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc; tiếp nhận 2 hài cốt liệt sĩ quê ở Hà Nam được quy tập ở đường 20, hiện nay ngành đã bàn giao theo nguyện vọng của gia đình liệt sĩ. Hàng năm, Sở LĐ-TB và XH chú trọng công tác kiểm tra, khảo sát các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp kinh phí sửa chữa, nâng cấp mộ và nghĩa trang liệt sĩ bị hư hỏng xuống cấp. Năm 2012 đã dành 10 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 8 nhà bia, 22 nghĩa trang liệt sĩ, phân bổ 1,2 tỷ đồng chi cho công tác mộ liệt sĩ.

Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" diễn ra phong phú, sôi động, đều khắp. Sự chuyển biến mang tính chiều sâu, hiệu quả. Trong đó, vừa đẩy mạnh tuyên truyền vừa nhân rộng mô hình tốt của các xã, phường, cơ quan đơn vị trong công tác vận động quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", nêu gương những thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công tiêu biểu. Tháng 3-2012, lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức đoàn người có công tiêu biểu ra thăm Thủ đô Hà Nội, vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, tỉnh đã tổ chức chu đáo cho đoàn người có công tiêu biểu dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc tại thành phố Đà Nẵng vào ngày 5, 6 tháng 7 năm 2012. Tỉnh cũng sẽ tổ chức trọng thể hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn tỉnh năm 2012 tại Trung tâm điều dưỡng luân phiên Người có công tỉnh Quảng Bình.

Cũng trong dịp lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27-7 còn có nhiều hoạt động phong phú  mang tính xã hội hóa cao và thu hút đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng như: tổ chức lễ thắp nến tri ân liệt sĩ tại các nghĩa trang trong toàn tỉnh; Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hợp tác với Cục Chính trị Quân khu IV, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức triển lãm với chủ đề "Uống nước nhớ nguồn" trưng bày hơn 300 hình ảnh, hiện vật, di vật của các chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; phối hợp với Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với nhiều bài hát đi cùng năm tháng, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc ta; phối hợp cùng Ban tổ chức cuộc đua xe đạp "Về với Trường Sơn", tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; tổ chức các đoàn do lãnh đạo tỉnh thăm và tặng quà các đối tượng người có công tiêu biểu...

* PV: Nhằm thực hiện sâu rộng hơn phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", ngành LĐ-TB và XH cần phải thực hiện  những giải pháp gì thưa đồng chí?

- Đồng chí Phạm Xuân Bình: Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" muốn triển khai hiệu quả phải phát huy cao tính xã hội hóa của hoạt động này. Trước hết các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công; chăm lo tu sửa tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm, xây dựng mới nhà tình nghĩa. Hiện nay hầu hết trên 7 huyện,thành phố ở tỉnh ta đều có những nghĩa trang liệt sĩ nằm ở các vị trí tôn nghiêm, được quy hoạch thiết kế công phu mang tính giáo dục thẩm mỹ cao.

Thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều địa phương quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sĩ; đầu tư xây dựng tượng đài ghi tạc hình ảnh cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng;  tôn tạo nâng cấp những công trình ghi công liệt sĩ thành những công trình lịch sử văn hóa, có sức thuyết phục lớn về mỹ thuật, giáo dục. 

Bên cạnh đó, quan tâm dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn về đời sống; chăm lo sức khỏe, giáo dục đào tạo con em người có công, con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh; giải quyết kịp thời các chính sách đã được Nhà nước ban hành, chi trả đúng đối tượng, đúng chế độ cho các  đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước; đồng thời chăm lo giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho đối tượng người có công.   

 Để góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ngành LĐ-TB và XH đã tham mưu kiện toàn lại Ban chỉ đạo quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cấp tỉnh, ban hành quy chế hoạt động của ban chấp hành. Hiện nay UBMTTQVN tỉnh đã có thư phát động toàn dân hưởng ứng phong trào xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Bước đầu, đã có một số đơn vị, tổ chức ủng hộ như: Tâp đoàn Vingroup tặng 200 nhà tình nghĩa trị giá 7 tỷ đồng; Thành ủy Hà Nội trao tặng 5 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bia rượu Hà Nội hỗ trợ xây dựng 3 nhà tình nghĩa...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi ý nghĩa này.

                                                                         Phan Hòa (thực hiện)











 

,
.
.
.