Chuyện người cựu chiến binh ở Thành cổ Quảng Trị

Cập nhật lúc 08:07, Thứ Ba, 24/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày ngọn lửa chiến thắng của quân dân ta ở Thành cổ Quảng Trị được thắp lên, nhưng trong tâm trí của người thương binh hạng A ¼ Hồ Ngọc Đãi (64 tuổi, ở thôn Biểu Lệ, Quảng Trung, Quảng Trạch) tất cả dường như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua, nguyên mới, tràn đầy.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của huyện Quảng Trạch, năm 1972, người thanh niên Hồ Ngọc Đãi khi ấy mới 19 tuổi hăng hái lên đường tham gia vào cuộc chiến đấu ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị. Ngày ấy, mảnh đất Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160m là "túi bom" của kẻ thù...

Với tinh thần "Vì Trị Thiên ruột thịt, vì khúc ruột miền Trung", Quảng Bình liên tục gửi đi những người con ưu tú của quê hương vào chiến đấu, chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Ông Đãi khi đó là một trong những chiến sĩ trẻ thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, giữ nhiệm vụ liên lạc.

Đơn vị của ông được lệnh cùng với Tỉnh đội Quảng Trị tổ chức bảo vệ khu vực ngã ba Long Hưng, một địa điểm cách Thành cổ gần 1km về phía nam, dùng vật cản kết hợp hỏa lực, tổ chức chiến đấu chặt chẽ, kiên quyết không để đối phương tiến vào thị xã. Đảng ủy Trung đoàn 48 đã ra nghị quyết nêu cao quyết tâm sắt đá "Quang Sơn còn, Quảng Trị còn" (Quang Sơn là phiên hiệu của Trung đoàn 48).

Ông Đãi (người ngoài cùng bên phải) tại lễ kỷ niệm 40 năm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Ông Đãi (người ngoài cùng bên phải) tại lễ kỷ niệm 40 năm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Đúng 1 ngày trước khi Hội nghị Pari về Việt Nam được mở lại, địch tập trung đánh mạnh. Xét về tương quan lực lượng giữa Đại đội 5 và địch rất chênh lệch. Theo quy chuẩn 1 đại đội phải có trên 100 người nhưng do trải qua các trận đánh từ ngày 18 đến ngày 28-7-1972, Đại đội 5 chỉ còn 17 tay súng trong khi địch huy động cả tiểu đoàn cùng xe tăng tấn công ta. Thế nhưng với quyết tâm chốt giữ cho bằng được ngã ba Long Hưng, ông Đãi cùng đồng đội đã kiên cường chiến đấu bất chấp bom đạn dội xuống như mưa và đã đánh lui được tiểu đoàn địch tăng cường, giữ vững trận địa.

Cũng trong trận đánh đó, nhiều đồng đội của ông Đãi đã hy sinh anh dũng, riêng ông Đãi may mắn thoát chết nhưng lại bị thương nặng với 7 vết thương trên người. Suốt 3 ngày 3 đêm nằm giữa trận địa, 7 vết thương ấy cứ nhức nhối, hành hạ ông có lúc tưởng chừng như không thể qua khỏi.

Đến khi đơn vị thu dọn chiến trường tìm thấy và đưa ông Đãi về trạm xá của mặt trận để điều trị thì những vết thương trên người ông đã nhung nhúc dòi. Sau đó, ông được chuyển ra tuyến sau để điều trị. Quằn quại với những vết thương trên người nhưng lúc nào ông cũng nghĩ về các đồng đội đang chiến đấu nơi chiến trường ác liệt. Mong muốn lớn nhất của ông lúc đó là sớm khỏe lại để được tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu, giành chiến thắng trọn vẹn cho Thành cổ.

Tuy nhiên do những vết thương quá nặng, ông gần như mất toàn bộ sức chiến đấu, phải chuyển ra điều trị ở Quân khu 3, Nam Hà, rồi lại chuyển tiếp vào Đoàn 200, Quân khu 4 ở Nghệ An để điều trị, an dưỡng và chờ làm thủ tục xuất ngũ khi sức khỏe đã ổn định hơn. Ngày Thành cổ tưng bừng cờ hoa chiến thắng, người thương binh ấy đã khóc trong niềm hạnh phúc ngập tràn bởi ông biết những hy sinh của biết bao đồng đội nằm lại nơi chiến trận, những vết thương chưa kịp liền da trên cơ thể ông, máu và nước mắt của hàng vạn con người đã đổ xuống thật không uổng phí.

Bước ra từ cuộc chiến tranh ác liệt với một thân thể chi chít vết thương, người thương binh Hồ Ngọc Đãi đã gặp vô vàn khó khăn khi trở lại cuộc sống thời bình. Ông hóm hỉnh tâm sự: "Vì bị chê tàn tật, nghèo khổ nên 6 lần tui đi hỏi vợ đều bị từ chối cả 6. Nghĩ mình giờ đây không khác gì một "liệt sỹ sống", mất sức đến 94% nên tui cũng "thủ phận", không dám mơ tưởng đến chuyện cưới vợ nữa. Thế rồi, tui gặp và yêu bà nhà tui bây giờ. Lúc đó, gia đình bà ấy cũng ngăn cản dữ lắm, không cho lấy một người như tui, sợ khổ. Nhưng rồi vì thương tui, bà ấy đã vượt qua được trở lực từ phía gia đình để nên vợ nên chồng với tui".

Năm 29 tuổi, ông Đãi cưới bà Nguyễn Thị Hoa nhưng phải tận 9 năm sau đó họ mới sinh được đứa con trai đầu lòng. Rồi lần lượt 2 người con 1 gái, 1 trai cũng chào đời trong niềm vui xen lẫn nỗi lo của ông bà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng, lại thêm ông Đãi mất sức, không làm được việc nặng nhọc nên cuộc sống của gia đình ông luôn đối mặt với nỗi lo cơm áo từng ngày. Thêm vào đó, do di chứng của những vết thương ngày trước nên năm nào ông Đãi cũng phải nằm viện điều trị đến 2 lần, khi thì bệnh viện huyện, khi thì Bệnh viện hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, có khi phải vào tận Bệnh viện 268 ở Huế.

Cuộc sống vì thế mà càng khó khăn hơn. Nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông Đãi đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất bằng nghị lực và bàn tay lao động trên chính mảnh đất của cha ông để lại. Ngoài mấy sào ruộng, ông chăm chỉ cải tạo vườn nhà, trồng thêm nhiều loại rau, quả kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, cuộc sống từng bước được cải thiện, đỡ thiếu thốn, vất vả hơn. Giờ đây, khi con cái đã lập gia đình, có cuộc sống ổn định, ông Đãi lại vui hưởng tuổi già bên mảnh vườn với những luống rau, hàng chè.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vừa qua, ông Đãi và những đồng đội cũ lại có dịp gặp nhau, ôn lại những ký ức hào hùng một thời. Với những con người ấy, dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nó sẽ còn sống mãi trong "miền nhớ" của họ. Còn riêng với ông Hồ Ngọc Đãi, 81 ngày đêm cùng đồng đội quần nhau với kẻ thù, quyết tâm giữ vững Thành cổ sẽ là ký ức đáng nhớ nhất trong suốt quãng đời cầm súng của mình bởi ở đó có một phần máu thịt của ông, của biết bao đồng đội đã ngã xuống giữa lòng Thành cổ một thời rực lửa.

                                                                                   Lan Chi - Đào Vân







 

,
.
.
.