Rào Con mong lắm ngày điện về

Cập nhật lúc 12:29, Thứ Năm, 19/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Chỉ cách trung tâm xã Sơn Trạch (Bố Trạch) hơn 10 cây số đường chim bay, vậy mà từ bấy lâu nay, người dân tộc Bru – Vân Kiều sinh sống ở bản Rào Con vẫn chưa có điện. Và đối với nhiều thế hệ bà con nơi đây, điện có lẽ là giấc mơ khao khát, mãnh liệt nhất.

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết đã từ lâu chính quyền xã muốn mang điện vào cho người dân Rào Con. Mặc dù khoảng cách không lấy gì làm xa xôi, nhưng để đưa được điện vào bản sẽ phải xẻ tuyến băng qua Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, gây tác động xấu đến di sản. Chính vì vậy, điện đối với dân bản Rào Con có lẽ chỉ thực hiện được ở “thì tương lai rất xa”. Còn hiện tại, để đáp ứng nhu cầu thắp sáng, bà con sử dụng máy nổ, bình ắc – quy, đèn dầu và cả bếp củi. Trong 36 hộ của bản, chỉ có khoảng 8 hộ sử dụng bình ắc – quy và rất hiếm hoi mới có hai, ba hộ có máy nổ, còn lại thì dân bản chỉ còn biết “chắt chiu” nguồn sáng từ đèn dầu, bếp củi.

Gia đình ông Trần Văn Vưn được xem là một trong những hộ có kinh tế khá ở bản Rào Con. Nhiều năm dành dụm, vợ chồng ông mua được một chiếc tivi và để cho “nó phát ra tiếng, ra hình”, gia đình ông lại tằn tiện chi tiêu để mua thêm một chiếc máy nổ. Để “nuôi sống” chiếc máy nổ này, một số nhà trong bản đã cùng chung tiền mua xăng. Và tất nhiên để đến được chợ, thanh niên, trẻ em trong bản phải gùi từng can xăng đi bộ (mất khoảng 2 tiếng) hoặc đi xe gắn máy (mất khoảng 1 tiếng), vượt hơn chục cây số đường rừng cheo leo, hiểm trở. Những chiếc bình ắc – quy trong bản cũng được gùi mang đi xạc theo cách thức này, với giá 10.000 đồng/lần.

Bình ắc – quy này là tài sản quý giá của gia đình anh Hồ Thẩu
Bình ắc – quy này là tài sản quý giá của gia đình anh Hồ Thẩu

Thành tích sau mỗi lần vất vả là cả bản được xem thời sự, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, thanh niên thỏa thích xem ca nhạc và phim truyện, trẻ em được thỏa sức với hoạt hình. Niềm vui đó đủ lớn để tạm quên đi những mệt nhọc, gian nan bà con gặp phải. Nhưng nếu vào những ngày trời mưa kéo dài, đường lầy lội, hiểm trở không thể đi, bà con đành chịu để tivi “đắp chiếu”. Nhà anh Hồ Thẩu, bí thư chi bộ bản Rào Con, có một bình ắc–quy để thắp sáng bóng đèn nê–ôn. Mỗi tháng, gia đình anh mất 3 lít dầu cho nhu cầu chiếu sáng của mình, và để tiết kiệm, cả nhà sử dụng rất dè xẻn nguồn sáng quý báu này. Chỉ khi ăn cơm vào buổi tối hay hội họp quan trọng, ánh đèn mới tràn ngập ngôi nhà sàn này, còn nếu không chỉ có bóng tối ngự trị. Không có đèn, những đứa trẻ nhà anh và nhà hàng xóm muốn ôn lại bài cũng khó mà học được. Cách giải quyết nhanh nhất của chúng là rủ nhau đi ngủ từ sớm(!)...

Không chỉ vắng ánh đèn, bản Rào Con còn “vắng” nhiều thứ thiết yếu khác nữa. Cả bản chỉ có duy nhất một trường tiểu học, còn trường mầm non hay trung học cơ sở đều không có. Những đứa trẻ trong bản phải đến lúc đủ tuổi vào lớp 1 mới được đến trường, vì vậy không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn. Anh Hồ Thẩu cho biết thường thì nhà ai có điều kiện lắm mới gửi con em về xuôi cho học tiếp các lớp cấp 2. Hầu hết trẻ em trong bản chỉ học hết lớp 5 là ở nhà, rất hiếm được đi học tiếp. Bản cũng không có một nhà văn hóa để bà con sinh hoạt cộng đồng. Thêm vào đó, không một gia đình nào trong bản Rào Con có được một nhà vệ sinh hay nhà tắm. Mọi sinh hoạt tắm rửa của bà con đều diễn ra ở trong rừng, khe suối hoặc ngay ở bể nước. Điều may mắn là ở bản có 4 bể nước sạch, trữ nước từ khe suối về bản, nhờ đó, bà con bớt vất vả hơn về nhu cầu nước sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, việc thiếu các công trình vệ sinh vẫn ảnh hưởng phần nào đến môi trường nơi đây.

36 hộ dân, 168 nhân khẩu, chừng ấy con người ở bản Rào Con chỉ chủ yếu sống dựa vào trồng lúa với diện tích vẻn vẹn có 4 ha. Không những thế, do địa hình, thời tiết, thiếu nước trầm trọng nên dân bản Rào Con chỉ có thể sản xuất được 1 vụ. Thu nhập bấp bênh vì hầu như ít gia đình trong bản có thêm nghề phụ. Những nhà may mắn có thanh niên khỏe mạnh thì có thêm nghề đi rừng, đi củi, nhưng cũng không cải thiện là bao.

Sắp tới, theo ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, dự án pin năng lượng mặt trời sẽ được triển khai ở bản Rào Con. Hy vọng, điều này sẽ nhanh chóng được thực hiện.

                                                                             Đào Vân – Mai Nhân

,
.
.
.