Những tuyến đường nông dân tự quản

Cập nhật lúc 10:13, Thứ Tư, 25/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhiều năm qua, nông dân tỉnh ta đã tích cực góp công sức và tiền của cùng với Nhà nước làm nên hàng trăm con đường giao thông nông thôn. Những con đường đó được giao lại cho nông dân quản lý, chăm sóc và duy tu đã phát huy tốt hiệu quả.

Phong trào nông dân tự quản những tuyến đường bắt đầu xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến nay, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, phong trào càng phát triển mạnh mẽ. Có nhiều tuyến đường được làm mới, nhiều nông dân tích cực hiến đất, góp công, góp của cùng với Nhà nước làm nên những con đường mới; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Theo thống kê, tỉnh ta có 938/1.300 chi hội nông dân nhận tự quản những tuyến đường. Có một số chi hội đứng ra tự quản trên 2 tuyến. Hàng năm, Hội nông dân tỉnh đã đưa việc tự quản những tuyến đường vào phong trào thi đua nên phong trào phát triển mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Đường nông dân tự quản thường là những con đường được làm từ vốn của Nhà nước cùng với sức lực và tiền của nhân dân.

Trong quá trình thi công, nông dân và các tầng lớp khác trực tiếp làm và giám sát chất lượng công trình. Đó là những con đường nội thôn, nội xóm và các khu dân cư. Sau khi công trình làm xong sẽ giao lại cho chi hội nông dân gắn biển, chăm sóc và duy tu... Đường nông dân tự quản đang góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển tổng thể kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng.

Một tuyến đường nông dân tự quản ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới.
Một tuyến đường nông dân tự quản ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới.

Ông Hoàng Trọng Thoan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Đường nông dân tự quản đã mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân. Vì vậy, nông dân tự bàn bạc, hiến đất, góp tiền, góp sức để làm đường. Trong quá trình thi công, chi hội nông dân được quyền giám sát nên chất lượng công trình luôn được bảo đảm. Đến thời điểm này, phần lớn các chi hội nông dân trong 7 huyện, thành phố của tỉnh đã có tuyến đường tự quản. Nhiều Hội Nông dân làm tốt phong trào như: xã Phong Thủy, Mai Thủy (Lệ Thủy), Xuân Hóa, Trung Hóa (Minh Hóa), Hải Ninh, Xuân Ninh (Quảng Ninh), Bắc Trạch, Đại Trạch, Hoàn Trạch (Bố Trạch), Mai Hóa, Phong Hóa (Tuyên Hóa), Quảng Tiên, Quảng Phương, Quảng Thạch (Quảng Trạch), phường Bắc Lý, Đồng Sơn và xã Thuận Đức (TP Đồng Hới).

Thành phố Đồng Hới là một trong những địa phương của tỉnh ta có nhiều tuyến đường nông dân tự quản với 134 chi hội. Trong đó có 56 con đường nhân dân tự làm và giao cho nông dân quản lý. Bà Hoàng Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đồng Hới cho biết: "Để đẩy mạnh phong trào làm đường nông dân tự quản, chúng tôi đã giao chỉ tiêu hàng năm cho các cơ sở, ký giao ước thi đua để nông dân thấy rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của những tuyến đường". Ông Đặng Đức Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Ninh cho hay: "Toàn xã có tất cả 12 chi hội thì có 11 chi hội nhận quản lý những tuyến đường giao thông nông thôn. Có chi hội nông dân thôn Đức Thị quản lý tới 4 tuyến đường".

Con đường nông dân tự quản thôn Đức Sơn, xã Đức Ninh dài khoảng 1km, rộng 4 mét được làm mới gần một năm. Đó là tuyến đường do Nhà nước với nhân dân cùng làm rồi giao lại cho chi hội nông dân quản lý. Ông Đặng Văn Ốốc, một người dân tâm sự: "Con đường này được làm từ một phần công sức của nông dân chúng tôi. Đường đã mang lại những tiện ích cho việc đi lại nên nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường. Thấy đường bẩn là nông dân tự quét dọn và thường chăm sóc đường theo định kỳ. Nhờ vậy mà tuyến đường chúng tôi lúc nào cũng được sạch đẹp, thông thoáng".

Dù là xã miền núi thuộc huyện rẻo cao Minh Hóa nhưng nông dân xã Xuân Hóa cũng tích cực đảm nhận chăm sóc những tuyến đường nội thôn. Hiện cả 9/9 chi hội nông dân trong xã đều nhận quản lý, chăm sóc và duy tu đường nội thôn. Ông Đinh Phiên, một người nông dân trong xã giải bày: "Nhà nước đầu tư làm cho con đường đẹp rồi, chừ đi lại thuận tiện chứ không vất vả như xưa nữa. Mấy đợt lũ vừa rồi, nhiều đoạn đường bị xói mòn làm nổi lên nhiều ổ gà, ổ vịt. Vậy là nông dân chúng tôi người gánh đất, người gánh sạn về đắp lại. Khi thấy đường gần nhà ai bẩn là bà con tự giác làm vệ sinh".

Có thể khẳng định rằng, việc nông dân tự quản những tuyến đường đã khơi dậy được nội lực trong nông dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của họ. Từ đó, làm cho đường làng ngõ xóm sạch đẹp hơn. Đây cũng là nhân tố quan trọng góp phần vào mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong mỗi người nông dân.

                                                                                     Xuân Vương
 
 

,
.
.
.