Quảng Ninh: Chủ động đối phó với bão lũ

Cập nhật lúc 08:22, Thứ Tư, 25/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều biến động, tình hình mưa bão bất thường, kéo dài trên diện rộng. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB – TKCN) huyện Quảng Ninh đã tích cực triển khai, tiến hành sớm nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện về công tác PCLB – TKCN.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua trên địa bàn huyện đã cho thấy công tác này luôn vấp phải những hạn chế nhất định. Một số địa phương, đơn vị còn chủ quan, thiếu kinh nghiệm, hiểu biết trong công tác PCLB, còn nhiều lúng túng khi xử lý các sự cố do thiên tai gây nên. Trang thiết bị phục vụ cho việc cảnh báo lụt bão, thảm họa thiên tai còn “sơ sài”, chưa được chú trọng đúng mức.

Đặc biệt, công tác thông báo, cảnh báo việc điều tiết xả lũ ở hồ Rào Đá chưa kịp thời nên người dân sinh sống ở vùng hạ lưu bị động trong việc chuẩn bị ứng phó. Hơn nữa, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở một số địa phương chưa phù hợp để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững vừa ổn định môi trường. Một số công trình xây dựng cơ bản không hoàn thành đúng tiến độ nên ảnh hưởng đến công tác PCLB. Việc quán triệt thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở một số cấp, ngành, đơn vị còn chậm, chưa cặn kẽ nên khả năng huy động nguồn lực tại chỗ còn hạn chế...

Đúc rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm 2012, BCH PCLB – TKCN huyện Quảng Ninh quán triệt việc chuẩn bị, phòng ngừa phải được thực hiện đầy đủ theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”.

Đoạn đường thường xuyên bị chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ ở xã Vĩnh Ninh.
Đoạn đường thường xuyên bị chia cắt, cô lập trong mùa mưa lũ ở xã Vĩnh Ninh.

Theo đó, các thành viên được phân công phụ trách đơn vị, xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các xã, thị trấn kiện toàn BCH PCLB; tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân; thông tin về tình hình thời tiết, thiên tai kịp thời trên hệ thống truyền thanh để dân biết và chủ động đối phó; rà soát và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các khu dân cư nguy hiểm khi có bão, mưa lớn đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, dự trữ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn xảy ra.

Huyện tập trung chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chỉ đạo nông dân chăm sóc lúa hè-thu tốt để thu hoạch trước lũ lụt; chuẩn bị phương tiện chống úng vào thời kỳ cuối vụ. Đối với các địa phương ven biển nghiêm cấm các tàu thuyền đánh cá ra khơi khi có mưa lớn, bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời cho chủ phương tiện biết thông tin về diễn biến mưa bão để chủ động neo đậu tàu thuyền trú ẩn an toàn. Phòng Y tế kiểm tra cơ số thuốc dự phòng tại các trạm y tế để sẵn sàng cứu chữa cho nhân dân; phối hợp với Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh, Trung tâm y tế dự phòng có phương án cấp cứu lưu động, khám chữa bệnh cho nhân dân, sẵn sàng xử lý dập dịch trong và sau mưa bão.

Huyện phối hợp với các chủ đầu tư kiểm tra các công trình, chỉ đạo thi công gấp rút, có điểm dừng hợp lý một số công trình trước và trong mùa mưa lũ bảo đảm tiến độ và an toàn công trình như hồ chứa nước Trôốc Trâu, kè Duy Hàm, cống tràn đê dự phòng II Trúc Ly, đê Thượng Mỹ Trung...; đồng thời kiểm tra lại các công trình như hồ Điều Gà, Long Đại, cụm hồ đập Trường Xuân. UBND huyện đã bố trí nguồn vốn kịp thời, tái thiết, khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi, giao thông, trạm y tế, trường học, các công trình phúc lợi khác nhằm hạn chế tình trạng bị cô lập, chia cắt trong mưa lũ, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau lụt bão; tăng cường kiểm tra phương tiện các bến đò ngang, bảo đảm an toàn vận tải khách qua lại trước và trong mùa mưa bão.

Đối với việc xả lũ ở hồ Rào Đá, UBND huyện đã chỉ đạo BCH PCLB thường xuyên theo dõi, kiểm tra mực nước hồ để có biện pháp xử lý kịp thời. Trường hợp phải xả lũ cần thông báo sớm trên hệ thống truyền thanh để bà con kịp thời có biện pháp di dời đến nơi an toàn. Mỗi xã, thị trấn bố trí một trung đội dân quân cơ động thường xuyên trực tại địa bàn xã và các địa bàn xung yếu; tổ chức diễn tập các phương án PCLB – TKCN để tránh tình trạng bị động khi mưa lớn xảy ra.

Đối với công tác khắc phục hậu quả sau lụt bão, UBND huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị trên địa bàn phải kịp thời tổ chức thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về người và tài sản để sớm có biện pháp khắc phục; tổ chức thăm hỏi, động viên các địa phương, gia đình bị thiệt hại nặng; đồng thời tạo điều kiện để người dân nhanh chóng ổn định đời sống, tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh.

                                                                                              Đào Vân

 

,
.
.
.