Thầy trò "thấp thỏm" đón năm học mới

Cập nhật lúc 11:33, Thứ Tư, 25/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đối với thầy trò vùng quê nghèo Phú Định (Bố Trạch), "thấp thỏm" ở đây không chỉ là nỗi lo về chất lượng giáo dục hay về mức độ chuyên cần của học sinh, mà còn nằm ở những vất vả, khó khăn về cơ sở vật chất mà cả 3 ngôi trường nơi đây (trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở) đang phải vượt qua.

Thầy có nỗi khổ của thầy...

Thầy Hồ Đức Tiến, giáo viên âm nhạc tại Trường THCS Phú Định, được "mệnh danh" là một trong những người "đồng hành" thân thiết nhất của các cung đường nơi đây. Bởi ngày nào cũng như ngày nào, thầy đều theo đúng hành trình hơn 40 cây số cả đi lẫn về từ trường (Phú Định) cho đến nhà mình (Đại Trạch). Nếu muốn rút ngắn khoảng cách, thầy lựa chọn phương án lên Hưng Trạch (vợ thầy đang dạy học tại một trường tiểu học ở đây) với đoạn đường xấp xỉ khoảng 10 cây số, duy chỉ bất tiện một nỗi là phải qua sông bằng đò ngang.

Như vậy, dù đi Đại Trạch hay Hưng Trạch, thầy giáo Hồ Đức Tiến vẫn phải vượt qua một chặng đường dài vất vả mỗi ngày. Theo lời thầy, những ngày thời tiết tốt còn đỡ, còn vào lúc mưa gió, không chỉ vất vả mà còn cả nhiều rủi ro rình rập.

Sự xuống cấp ở hai phòng học mượn tạm  của Trường tiểu học Phú Định.
Sự xuống cấp ở hai phòng học mượn tạm của Trường tiểu học Phú Định.

Đối với các thầy giáo đã khổ một, thì với những cô giáo trẻ khó khăn lại tăng gấp bội. Cô giáo dạy toán Nguyễn Thị Tố Nga (Trường THCS Phú Định), có nhà ở Hạ Trạch, cách Trường gần 17 cây số. Cô vừa sinh con được 4 tháng. Chuẩn bị bước vào năm học mới, cô giáo Nga đang rất lo lắng, bởi nếu như trước đây cô một mình đi lại nên dễ xoay xở hơn, thì nay khi có thêm em bé, cô không biết nên tính toán cách thức như thế nào để thuận tiện cho cả mẹ và con. Có thể, cô sẽ phải thuê một phòng trọ ở gần trường để dễ bề chăm sóc con nhỏ, hoặc chọn phương án vất vả hơn là sáng đi trưa về, chiều đi tối về.

Không riêng gì trường hợp của thầy Tiến, cô Nga, nhiều thầy cô ở các trường trên địa bàn xã Phú Định cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Trường THCS Phú Định có 17 giáo viên, thì 10 người trong số đó có nhà ở xa (như ở Đại Trạch, Hạ Trạch, Cự Nẫm). Trường mầm non Phú Định và Trường tiểu học Phú Định cũng có 11 giáo viên nhà ở tận TP. Đồng Hới, Vạn Trạch, Hoàn Lão, Lý Trạch, thị trấn Việt Trung...

Mỗi ngày với hành trình hàng chục cây số, nhưng buổi trưa các thầy cô lại không có nơi nghỉ ngơi, thư giãn, lấy sức cho một ngày làm việc. Thông thường cứ vào buổi trưa, sau khi ăn cơm tại các quán xung quanh trường, các thầy cô trở lại phòng họp hội đồng để nghỉ ngơi. Không có giường chiếu, nhiều thầy cô phải kê bàn ghế nghỉ tạm. Thầy Nguyễn Văn Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Định, cho biết đã từ lâu lắm rồi, ước mơ của các thầy cô nơi đây là có được một khu nhà bán trú để nghỉ ngơi vào buổi trưa, nhất là những cô giáo sức khỏe yếu, nhà xa, con nhỏ.

Trò cũng có nỗi vất vả riêng...

Nỗi vất vả này cũng bắt nguồn từ việc thiếu phòng, thiếu lớp học mà ra. Trường tiểu học Phú Định có 10 lớp học với 232 em nhưng lại chỉ có 8 phòng học. Nhà trường phải đi mượn hai phòng học tạm của Trường THCS Phú Định. Hiện nay, hai phòng học này đang xuống cấp trầm trọng: ngói dột nhiều nơi khiến mỗi khi trời mưa nước ngập lênh láng trên nền nhà; bàn ghế kiểu cũ không phù hợp với học sinh; nhiều mảng tường, trần mái rạn nứt đe dọa sự an toàn của người dạy và học... Phòng học đã thiếu, các phòng chức năng lại thiếu trầm trọng hơn.

Tại thời điểm hiện tại, trường có các phòng thực hiện nhiều chức năng khác nhau: phòng hiệu trưởng kiêm luôn cả phòng Hiệu phó, phòng nhân viên; phòng Đội, phòng y tế, phòng kế toán vào 1 phòng; thư viện và phòng thiết bị dạy học kết hợp 1 phòng. Thầy Nguyễn Trung Khánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Định, lo lắng trường sẽ khó đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trong lần kiểm tra công nhận lại vào năm 2014 tới, mặc dù trường đã đạt chuẩn này từ năm 2003.

Nhà vệ sinh
Nhà vệ sinh "có cũng như không" ở Trường THCS Phú Định.
 

Cùng chung với khó khăn về phòng học là Trường mầm non Phú Định. Do đặc điểm địa lý, trường chia làm hai khu vực ở thôn 4 và thôn 8. Trong khi ở thôn 4 tạm ổn với 3 phòng học cho 100 cháu, thì các lớp học ở thôn 8 lại gặp nhiều khó khăn. Với tổng số 135 cháu cho 6 lớp, trường chỉ có đủ 3 phòng học. Do đó, buổi trưa, mặc dù phụ huynh rất muốn cho con em ở lại bán trú, nhưng nhà trường không có điều kiện để tổ chức.

Trong năm học tới, trường sẽ tiếp nhận thêm 15 trẻ trong nhóm tuổi từ 24 - 36 tháng tuổi, cô hiệu trưởng Hoàng Thị Hoa đang băn khoăn không biết xếp lớp như thế nào cho hợp lý. Ngoài ra, 11 cán bộ, giáo viên trong trường phải sinh hoạt trong một căn phòng rất nhỏ (đây vốn dĩ là kho để đồ dùng học tập của lớp học), vừa là phòng hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, y tế, ban giám hiệu. Các cô nuôi dạy trẻ nơi đây cũng mong muốn có một khu vệ sinh riêng cho giáo viên, bởi 2 nhà vệ sinh hiện tại cũng đã không đủ đáp ứng cho nhu cầu của các cháu.

Ở Trường THCS Phú Định, bên cạnh nỗi lo về thiếu các phòng chức năng chuyên biệt, như phòng hiệu bộ, thực hành sinh hóa, Đoàn đội, thư viện, y tế, là một nỗi lo lớn không kém khác. Khu nhà vệ sinh của Trường hiện nay đã xuống cấp, không thể sử dụng. Do vậy, cả thầy và trò đều phải đi nhờ nhà dân mỗi khi có nhu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định, xã rất thấu hiểu và thông cảm cho những khó khăn mà thầy trò các trường trên địa bàn đang phải vượt qua, nhưng Phú Định là một xã còn lắm gian nan, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn 14,5%, do đó mức đầu tư vào giáo dục vẫn khá hạn chế. Xã rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn của các cấp, ngành, các tổ chức, đơn vị, cá nhân hảo tâm để cải thiện môi trường dạy và học của thầy trò.

                                                                                         Mai Nhân




 

,
.
.
.