Nhà văn và câu chuyện đọc văn

  • 07:05 | Thứ Ba, 16/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà văn đương nhiên là đọc mọi thứ. Bởi văn chỉ tràn ra trong nhà văn khi mà cái sống đã thật đầy. Mà lưng túi vốn sống của nhà văn thì phải là một khối tổng hòa nhuyễn gộp: Vốn trải nghiệm thực tế, sức hư cấu tưởng tượng và vốn đọc. Đọc là con đường ngắn nhất, là phương cách tối ưu để bổ khuyết những hụt lẹm, để vượt thoát những giới hạn nơi cái sống của một chủ thể sống.
 
Thông tin, tri thức, nếu lắng lọc thì không gây bội thực mà chuyển hóa thành sự uyên bác, thông tuệ, sự hiểu biết, lịch duyệt, đẩy xả những u tối vô minh. Có nghĩa, đọc để thanh tẩy, để nới giãn, để được trong sạch và phong phú hơn. Một chủ thể sống bất kỳ đều thế, huống gì là một nhà văn-chủ thể sống đồng thời là chủ thể viết. Pablo Neruda (Nobel văn chương 1971) tuyên bố: “Tôi ăn tạp mọi thứ. Tôi muốn nuốt chửng quả đất. Tôi muốn uống cạn biển cả”. Lê Quý Đôn khẳng quyết, trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ vĩ thì không thể làm thơ được. Roz Morris ví đọc sách giống như nhìn vào kính thiên văn, giúp con người khám phá toàn bộ vũ trụ, có thể leo lên đỉnh núi cao nhất, lặn xuống biển sâu nhất.
 
Nhà văn phải thâu nạp bách khoa tri thức đông tây kim cổ, để có thể trở thành một người chữ, nơi mà đến lượt, từng con chữ được chiết xuất ra đều đẫm trĩu hàm lượng thông tin, tri thức. Họ đọc thế giới nói chung, đọc thế giới các loại hình nghệ thuật nói riêng, nhưng như một tất nhiên tất yếu, lực hấp dẫn thường hút cái đọc của họ về phía văn chương. Olga Tokarczuk (Nobel văn chương 2018) phát biểu, văn chương là phương cách an toàn để vượt qua mọi ranh giới, mà đời người tựa hồ cuộc hành trình đến tận cùng thế giới. Phải, không gì có thể làm thỏa mãn cái ham hố phiêu lưu, khám phá, cái thèm khát được đi xa hơn ra khỏi chính mình của nhà văn bằng văn chương. Văn chương với họ là ma lực, đọc văn chương với họ là lạc thú. Nhà văn đọc văn, sống văn, để viết văn.
 
Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006) chia sẻ, để vui sống, hàng ngày ông phải dùng một liều văn chương. Stephen King quả quyết: “Tôi thật khó tin rằng những người đọc ít hoặc hoàn toàn không đọc văn lại có thể cho ra những tác phẩm xuất sắc và mong đợi mọi người thích những gì họ viết. Hãy nhớ rằng, đọc văn chính là trung tâm sáng tạo trong cuộc đời các nhà văn”.
 
Nhà văn đọc văn là đọc thế giới từ bản chất bên trong, từ tầng đáy rộng rinh và thẳm sâu nhất của nó, để kháng cự lại cái thế giới nóng vội, nông cạn bề ngoài mà ồn ào này. Ngôn từ là tấm lụa bạch đón hứng và lưu giữ ký ức linh hồn nhân loại, là chứng nhân cho hành trình truy cầu tinh thần của lớp lớp thế hệ nhà văn. Đọc văn là chìm đắm tuyệt đối vào tâm hồn của tác phẩm, là đọc tha nhân, là gặp nhân quần. Dăm pho sách cũ bên đầu/Ngỡ như còn gối mối sầu cổ nhân (Hồng Nguyên). John Updike nói, một cuốn sách (giấy) thật kỳ diệu vì nó chứa đựng bao nhiêu sự ly kỳ và cảm xúc, nó có thể theo chúng ta lên giường, gần gũi và tin cậy, nó mở ra cả một nền văn minh.
 
Nhà văn đọc văn cũng là đọc thông tin tri thức, nhưng không phải là thông tin tri thức kiểu thông tấn, mà là thông tin tri thức thẩm mỹ đã được cá thể hóa cao độ thông qua những chỉnh thể nghệ thuật tác phẩm. Có nghĩa, nhà văn đọc văn là để học hỏi cái cách mà nhà văn khác xử lý thông tin tri thức, hay nói cách khác là để học bài học về nghệ thuật nghe nhìn, thưởng thức và tái sáng tạo, tái cấu trúc thế giới. Bởi, đúng như Orhan Pamuk nói, tác phẩm văn chương không phải kể về thế giới, mà là nhìn thế giới bằng ngôn từ. Tựu trung, nhà văn đọc văn là để học viết văn. Trịnh Y Thư giãi bộc, đối với riêng ông, Kundera là người thầy dạy ông viết văn, mặc dù ông chưa bao giờ có cơ hội gặp Kundera ngoài đời.
 
Như vậy, nhà văn đọc văn không chỉ để thưởng văn đơn thuần, mà còn là để làm nghề, tức đọc để viết. Vậy nên, càng ngày, khi mà phông nền chung trong họ đã đủ rộng dày thì họ thiên về cái đọc vị lợi. Một nhà văn Việt Nam ở hải ngoại chia sẻ, hồi nhỏ, ông đọc tất cả những gì ông có; lớn lên, ông đọc những gì ông thích; sau này, khi ông viết nhiều, hầu như ông chỉ đọc những gì mình cần. Jon Fosse (Nobel văn chương 2023) cho hay, thường khi đọc một cuốn sách, ông dùng bút chì đánh dấu những ý tưởng quan trọng và ghi chép bên lề sách; những ghi chú này đến một lúc nào đó sẽ rất “được việc”.
 
Nhà văn đọc văn vị lợi, thực dụng, ấy là chỉ chọn đọc những thứ văn đáng đọc, tức là những tác phẩm lớn, những tác phẩm được xem như những điển phạm trong phạm vi toàn cầu. Sự tiến bộ của các nhà văn phụ thuộc rất nhiều vào việc họ đọc những cuốn sách tốt. Ta dễ nhận ra, các tác phẩm của các nhà văn lớn như Fitzgerald hay Carver có ý nghĩa nâng đỡ cho sáng tác của Murakami rất nhiều. Jon Fosse thì cảm thấy “vui mừng và biết ơn” những tác phẩm văn học thực sự có giá trị mà những người khác đã viết, vì chúng mở rộng và làm giàu cuộc sống của ông và của tất cả những người quan tâm tới văn học.
 
Nhà văn đọc văn vị lợi, thực dụng, ấy là không chỉ đọc văn sáng tác, mà còn đọc cả văn phê bình. Bởi, càng ngày, nhà văn càng bớt cả tin vào cái gọi là tài năng thiên bẩm hay cái gọi là cơn lên đồng trời cho. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến các phạm trù, như: Nghệ thuật viết, kỹ thuật viết, chiến lược viết, quy hoạch sự viết. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng: “Nếu nhà văn coi viết là một nghề, một nghề chuyên môn hóa như bất kỳ nghề nào khác, họ sẽ coi trọng tất cả những gì liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp, và lúc đó họ sẽ có nhu cầu tìm đọc các nhà phê bình”.
 
Khi đồng thời là một nhà phê bình, tức một “người đọc lý tưởng”, thì đến lượt, nhà văn sẽ có khả năng rẽ văn để thâm nhập vào tác phẩm của người khác, tức có khả năng đọc vỡ chữ, đọc thủng văn, tiệm cận “hồng tim” tác phẩm, kể cả đó là tác phẩm được coi là khó đọc. Dương Tường chia sẻ, sau khi bản dịch Cái trống thiếc của Gunter Grass do ông thực hiện ra mắt, có nhà văn trẻ nói với ông là “đọc nặng quá”, lại có nhà văn khác điện cho ông nói “lạ quá, mới quá”, ông đi đến cảm thán: “Thật là buồn, một cuốn sách ra đời ngót nửa thế kỷ mà nhà văn Việt Nam vẫn còn thấy mới, thấy lạ”.
 
Harold Pinter (Nobel văn chương 2005) nói, thế giới của ông luôn được bao bọc bởi các tác giả khác-đó là một điều tuyệt vời. Phải, các nhà văn thường chịu ảnh hưởng qua lại theo cách này hay cách kia, như không khí chúng ta thở không bao giờ đứng im ở một nơi, như lửa không bao giờ bất động tại một chỗ.
 
Nhà văn đọc thiên kinh vạn quyển, sống chữ, sống văn, để viết văn, điều này là hiển nhiên, tất yếu. Song lý tưởng nhất có lẽ là, đọc để… quên. Có nghĩa, khi viết thì mọi cái đọc đều đã chuyển hóa tan hòa vào cái sống, thành hơi thở, thành máu thịt của người viết. Lúc này, nói như Lão Tử là, “khoáng hề kỳ nhược cốc”. Trống không như hang núi. Hang núi trống không nhưng mang đội cả ngọn núi.
 
Mỗi nhà văn đều có hàng tá nhà văn khác ảnh hưởng lên, nhưng họ không viết cuốn sách của bất kỳ nhà văn nào cả, mà là tự viết cuốn sách của mình. Viết là sáng tạo. Sáng tạo ra tác phẩm. Sáng tạo ra thế giới. Và sáng tạo ra chính nhà văn.
Hoàng Đăng Khoa

tin liên quan

Đợi

(QBĐT) - Đợi em thăm thẳm ngày trôi 
Mở trang sách đọc bồi hồi ngóng trông 
Bâng khuâng cây lúa giữa đồng 
Có bao cây lại trổ bông ngập ngừng

Ngày hội sách hướng về biên giới, hải đảo

(QBĐT) - Đó là chủ đề ngày hội sách Việt Nam năm 2024 do Trường đại học Quảng Bình phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức vào sáng 15/4. 

 

Giá đừng

(QBĐT) - Giá đừng
có sóng lả mềm
Lân tinh đừng
 cháy khát thèm biển khơi