"Sân khấu là một phần cuộc sống"

  • 07:35 | Chủ Nhật, 14/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là chia sẻ của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thùy Linh (Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình) người có giọng ca “vàng” trong làng âm nhạc Quảng Bình. Trò chuyện với chị vào một ngày cuối tháng ba, nghe chị trải lòng về chuyện nghề... Chị nói: “Với tôi, sân khấu là một phần cuộc sống, ca hát là niềm đam mê cháy bỏng. Đó là lý do để tôi không ngừng nỗ lực, cống hiến”.
 
- P.V: Sở hữu giọng hát ngọt ngào, mang đậm chất dân ca và đặc biệt là rất “Quảng Bình”, phải chăng những ca khúc hay về Quảng Bình đã góp phần mang lại cho chị sự thành công nhất định.
 
- NSND Thùy Linh: Đúng vậy. Mỗi lần đứng trên sân khấu cất lên những lời ca về quê hương Quảng Bình, tôi luôn cảm thấy bồi hồi, xúc động xen lẫn niềm tự hào, bởi tôi thấy hình ảnh mình, gia đình mình và những gì thân thương nhất trong từng ca từ, giai điệu. Chính những ca khúc về quê hương, nhất là về Quảng Bình đã mang lại cho tôi những thành công nhất định, đưa tôi đến gần hơn với khán giả.
Thùy Linh luôn nồng nàn, cháy bỏng tình yêu với quê hương qua từng ca khúc.
Thùy Linh luôn nồng nàn, cháy bỏng tình yêu với quê hương qua từng ca khúc.
Nổi bật là những ca khúc: “Ngạn ngữ sông quê”, “Nhớ về mẹ Suốt” (An Thuyên) hai lần mang đến cho tôi huy chương vàng (HCV) liên hoan tiếng hát đường 9 xanh; “Huyền ảo Phong Nha” (Lê Anh) HCV hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2009; “Kỳ tích Phong Nha” (Lê Anh) HCV ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2015; “Ru con Ka tu” (Lê Anh) HCV hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1995 và giải nhất tiếng hát trên sóng phát thanh năm 1997; “Hò sáu mái” hò khoan Lệ Thủy, giải nhì đơn ca tại liên hoan dân ca truyền hình 2005; “Dòng sông tình mẹ” (Lê Đức Trí) giải A liên hoan âm nhạc Bắc miền Trung...
 
Ngoài ra, nhiều ca khúc về Quảng Bình mà tôi thể hiện được khán giả nhiệt tình đón nhận, như: “Tình ta biển bạc đồng xanh” (Hoàng Sông Hương), “Suối Bang” (thơ Hoàng Vũ Thuật, nhạc Lê Anh), “Quảng Bình trong câu hát” (Xuân Đồng)...
 
Ca sĩ Thùy Linh tên thật là Nguyễn Thị Thấy (SN 1972), quê ở phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới). Chị là Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình phụ trách chuyên môn; Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Chị là gương mặt thân quen của nhiều người yêu nhạc trong và ngoài tỉnh. Năm 2007, ca sĩ Thùy Linh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và tháng 3/2024, chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.
Để “sống” được với nghề, đáp ứng yêu cầu của công chúng, nhất là công chúng trẻ, tôi không ngừng thử thách, khám phá bản thân qua việc thể hiện nhiều ca khúc thuộc âm nhạc hiện đại nhưng chính dòng nhạc truyền thống, nhất là những ca khúc mang âm hưởng dân ca miền Trung đã tạo cho tôi những thành công trong sự nghiệp. Tôi nghĩ rằng, cứ cống hiến hết mình với con đường mình đi sẽ gặt hái được những “quả ngọt”. 
 
- P.V: Chị có phải là “con nhà nòi” về truyền thống nghệ thuật?
 
- NSND Thùy Linh: Thực ra, tôi không phải là “con nhà nòi”. Bố mẹ tôi không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Thế nhưng, tôi được thừa hưởng giọng hát và năng khiếu văn nghệ từ bố mẹ. Gia đình tôi ai cũng có năng khiếu hát, múa, chơi nhạc cụ và đã từng thành lập đội văn nghệ biểu diễn phục vụ bà con ở địa phương.
 
Học chưa xong cấp ba (THPT), tôi được Đoàn Nghệ thuật tổng hợp (nay là Đoàn Nghệ thuật truyền thống) tuyển và trúng tuyển. Lúc đó, tôi rất vui nhưng gia đình phản đối, bởi quan niệm “má văn công, mông bộ đội”...
 
Bằng tình yêu với âm nhạc, tôi đã thuyết phục được bố mẹ, quyết tâm đi theo con đường nghệ chuyên nghiệp và được cơ quan tạo điều kiện cho đi học tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, sau đó học lên đại học chuyên ngành thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế.
 
- P.V: Chắc hẳn khi đến với hoạt động nghệ thuật, chị cũng có những hình mẫu thần tượng?
 
- NSND Thùy Linh: Từ khi còn nhỏ, tôi đã mê giọng hát của các nghệ sĩ “gạo cội”, như: Thu Hiền, Thanh Hoa, Hồng Năm, Trung Đức... và ngấm các làn điệu dân ca từ mẹ cùng chị gái. Khi được đào tạo tại môi trường chuyên nghiệp, tôi may mắn được hát các ca khúc của những nhạc sĩ nổi tiếng, như: An Thuyên, Trần Hoàn, Lê Anh, Xuân Đồng... và gắn bó, gần gũi với tôi nhất là nhạc sĩ Hoàng Sông Hương của Quảng Bình. Sự lao động miệt mài vì nghệ thuật của các nghệ sĩ lớn là tấm gương để tôi phấn đấu học tập, xây dựng “thương hiệu” của riêng mình.
Ca sĩ Thùy Linh là gương mặt thân quen của người yêu nhạc Quảng Bình.
Ca sĩ Thùy Linh là gương mặt thân quen của người yêu nhạc Quảng Bình.

- P.V: Một thực tế là thế hệ trẻ ngày nay không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống. Là một NSND chắc chị cũng có nhiều trăn trở?

- NSND Thùy Linh: Đời sống âm nhạc hiện nay rất phong phú. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển khá mạnh kể cả những vùng nông thôn với sự ra đời của nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng. Tại các sở, ngành, đơn vị cũng có sự đầu tư lớn cho những chương trình văn nghệ khi có các hội thi, hội diễn. Qua đó, phát hiện một số gương mặt trẻ triển vọng, nhiều giọng hát hay...

Tuy nhiên, điều tôi và nhiều nghệ sĩ trăn trở là thiếu những gương mặt trẻ tâm huyết với dòng nhạc quê hương. Ngay cả Đoàn Nghệ thuật truyền thống, nơi tôi công tác cũng thiếu những giọng ca trẻ nhưng lại không tuyển được vì không có chỉ tiêu biên chế.

Tôi mong muốn, tỉnh tổ chức nhiều hơn những sân chơi âm nhạc, nhất là âm nhạc truyền thống để thu hút người tham gia, từ đó khơi dậy tình yêu đối với dòng nhạc quê hương, dòng nhạc truyền thống của dân tộc trong thế hệ trẻ.

- P.V: Gần 35 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, điều làm cho chị nhớ nhất, ấn tượng nhất là gì?
 
- NSND Thùy Linh: Kỷ niệm với nghề và các chuyến lưu diễn trong tỉnh, trong nước và nước ngoài thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất là các buổi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa. Ở đảo, cán bộ, chiến sĩ còn đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, song đời sống tinh thần của họ lại hết sức phong phú.
 
Hát ở đó, chúng tôi nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả và được trải nghiệm cuộc sống thực tế để thấy rõ hơn trách nhiệm của nghệ sĩ đối với cộng đồng.
 
Ngoài ra, tôi còn có nhiều ấn tượng sâu sắc khi được biểu diễn phục vụ các đơn vị trong lực lượng vũ trang, các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi chuyến đi ấy đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm và yêu hơn công việc mình đang làm để tận tâm cống hiến. 
 
“Tôi là người Quảng Bình xa quê rất yêu âm nhạc và “mê” giọng hát của ca sĩ Thùy Linh. Giọng Thùy Linh “ngọt” nhưng rất mộc mạc nên khi hát về Quảng Bình có sức cuốn hút người nghe, làm cho người xa quê càng thêm nhớ, thêm yêu quê hương. 35 năm Thùy Linh hoạt động nghệ thuật là cũng chừng ấy thời gian tôi nghe và gắn bó với giọng hát của cô ấy. Nói như các con, cháu của tôi thì tôi là “người hâm mộ” của Thùy Linh”, bà Trương Thị Thanh (70 tuổi) sinh sống ở TP. Huế cho hay.

- P.V: Đâu là “điểm tựa” góp phần giúp chị thành danh như ngày hôm nay?

- NSND Thùy Linh: Đó là gia đình tôi. May mắn là chồng, con dâu, con gái tôi đều hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì thế, các thành viên trong gia đình đồng cảm, chia sẻ với nhau trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, những người anh, người chị, đồng nghiệp luôn đồng hành cùng tôi.
 
Đặc biệt, tôi dành sự biết ơn chân thành đến đông đảo khán giả, những người yêu giọng hát của tôi. Tất cả là “điểm tựa” vững chắc để tôi có những thành công trong hoạt động nghệ thuật.
 
- P.V: Chị có thể chia sẻ về dự định, mong muốn của mình trên hành trình mới?
 
- NSND Thùy Linh: Được vinh danh NSND đó là niềm vinh dự rất lớn đối với tôi. Đây là thành quả của bản thân đã nỗ lực và ghi nhận trong suốt những năm qua, mở ra cho tôi một hành trình mới để tiếp tục phấn đấu nhằm xứng đáng với danh hiệu được trao.
 
Tôi mong muốn có một chương trình âm nhạc của riêng mình. Đó là “đất” để tôi thể hiện đam mê, nhất là những ca khúc về Quảng Bình nơi tôi sinh ra. Song để làm được điều đó là không dễ dàng nên tôi cứ ấp ủ dự định, cứ cống hiến chờ thời điểm thuận lợi để được “cháy” hết mình với khán giả.
 
- P.V: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này! 
Nh.V (thực hiện)

tin liên quan

Báo cáo kết quả lớp trao truyền kỹ năng đàn và hát dân ca

(QBĐT) - Chiều 13/4, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức báo cáo kết quả lớp trao truyền kỹ năng đàn và hát dân ca tại xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới).

Hai phía cuộc đời

(QBĐT) - Bao nhiêu đồng đội của tôi
Hóa mây, hóa gió, thành người chiêm bao...

Giá trị bất tận của nghệ thuật

(QBĐT) - Đắm chìm trong một bộ phim, lật từng trang sách say mê, thả hồn theo giai điệu du dương, hay bất ngờ trước một bức tranh… tất cả đều mang đến cho ta không chỉ sự thỏa mãn đam mê, mà còn là cơ hội để bồi đắp tâm hồn và kiến thức.