Tác giả Lê Kỳ Lộc: Chắt chiu ký ức phù sa

  • 09:27 | Chủ Nhật, 24/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ông viết nhạc bằng tất cả sự chân thành và những tình cảm dành cho quê hương, xứ sở. Dẫu cuộc đời đã từng đi qua nhiều mất mát, thua thiệt nhưng nhạc của ông vẫn lãng mạn, trữ tình và lạc quan như chính con người của ông vậy. Từ những ký ức như phù sa mỡ màu, bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và miệt mài, tác giả Lê Kỳ Lộc (TP. Đồng Hới), hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình đã chắt chiu nên những tác phẩm thấm đẫm tình quê, tình người.
 
Ngày gặp mặt, ông tặng tôi tập ca khúc “Tình khúc bốn mùa”. Ông bảo, đây là ấn phẩm thứ hai ra đời trong những năm tháng ông trăn trở bên từng khuông nhạc. Bên trong những ca khúc đã được in thành tuyển tập ấy là bao nhiêu tâm tư, tình cảm, cũng là bấy nhiêu nỗi niềm giữa một cuộc đời đã nếm đủ đầy buồn vui, mất mát, sướng khổ.
 
Đã có nhiều tác phẩm ra đời, trong đó có các ca khúc được người yêu nhạc tỉnh nhà đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao nhưng ông vẫn khiêm tốn tự nhận mình chỉ là người viết nhạc bình dị, như con ong cần mẫn đi gom nhặt những mật ngọt giữa cánh đồng hoa cuộc đời.
Tác giả Lê Kỳ Lộc.
Tác giả Lê Kỳ Lộc.

Như rất nhiều những gia đình thời chiến khác, gia đình ông Lê Kỳ Lộc những năm chống Mỹ đã phải thường xuyên sơ tán, di dời qua nhiều vùng quê. Năm ông lên 10, cả gia đình sơ tán về quê ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy). Với ông, đó là tháng ngày chắt chiu nên những ký ức đẹp đẽ về đồng quê, về dòng sông và con đò để rồi về sau, ký ức mộc mạc, chân chất ấy cứ tự nhiên chảy vào ca khúc của ông, ngọt lành như dòng Kiến Giang.

Hạnh phúc ngắn ngủi, năm ông lên 13 tuổi, mẹ và 3 anh em của ông bị bom Mỹ giết hại. Đó là một đêm trung thu trăng sáng vằng vặc, chỉ có cuộc đời của đứa trẻ tuổi 13 bắt đầu những tháng ngày u buồn, không tình mẫu tử. Ký ức về mẹ đẹp đẽ và thiêng liêng đã đi vào ca khúc “Mẹ và tháng mười”-một trong những tác phẩm ông tâm đắc nhất trong suốt năm tháng sáng tác của mình.

Lê Kỳ Lộc vốn là một cán bộ của Xí nghiệp sửa chữa ô tô A3 Quảng Bình về hưu. Ông không được học qua bất kỳ trường lớp bài bản nào về âm nhạc. Và hành trình sáng tác chỉ mới bắt đầu trong gần 10 năm trở lại đây. Nhưng vốn liếng của ông được chắt chiu từ những ngày cần mẫn theo chân những người anh, người bạn chơi nhạc, từ những ngày tự mày mò học đàn, học hát. Niềm đam mê cùng năng khiếu sẵn có đã giúp ông nhanh nhạy nắm bắt nhạc lý rồi cứ tự nhiên như sông, như suối, ông đến với sáng tác như bản năng. Lê Kỳ Lộc viết bằng tất cả tâm hồn của một người đã đi qua đau thương, mất mát, của một người dẫu còn thiệt thòi nhưng vẫn yêu đời đến thao thiết.
 
Ông bảo, mỗi tác phẩm có khi chỉ mất 2, 3 ngày để hoàn thiện, tuy nhiên cái trăn trở, tâm tư với từng nốt nhạc, ca từ cứ đeo đẳng mãi. Khi thì đàn và hát, khi thì lật giở bản nhạc rồi tư duy, sửa từng từ, từng nốt. Có khi, ông mang bản nhạc đi tìm gặp những người đi trước nhờ tư vấn, sửa lỗi. Lắng nghe để học hỏi nhưng tuyệt nhiên không bị ảnh hưởng mà tự ông bước đi trên hành trình sáng tác của riêng mình. Một phong cách không bị trộn lẫn. “Nhiều đêm khó ngủ, tôi hay trăn trở về những bài hát vừa viết xong. Nhiều lần, bà xã tôi cứ thắc mắc sao lúc ngủ mà hai tay tôi cứ vỗ nhịp liên hồi. Thỉnh thoảng, nửa đêm lại ngồi bật dậy khi bỗng nghĩ ra được một từ, một nốt nhạc ưng ý để sửa cho ca khúc mới ra đời”, ông cười hiền.
 
Tác giả Lê Kỳ Lộc, sinh năm 1954, quê ở huyện Lệ Thủy. Ông là hội viên Phân hội Âm nhạc, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình. Ông đã ra mắt 2 tập ca khúc “Tình khúc bốn mùa” vào năm 2020 và 2023.

Ông ít nói, hay cười, thỉnh thoảng trầm tư với ánh nhìn vời vợi, xa xôi. Nhưng ẩn trong đó là một tâm hồn lãng tử, phiêu du, đầy nghệ sĩ. Bị thương tật sau một tai nạn lao động, đôi chân của ông đã không còn lành lặn. Những hành trình khám phá các cung đường, kiếm tìm nguồn cảm hứng sáng tác đã thêm những gập ghềnh. Nhưng chính những bước chân không vẹn tròn ấy cùng bao nhiêu mất mát, đau thương trong quá khứ đã giúp tâm hồn nghệ sĩ của ông hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc đời. Có đi qua mất mát mới thấy thương quý hơn những đủ đầy của hiện tại. Nên viết nhạc, với ông, đơn giản chỉ là sự giãi bày trước những đủ đầy ấy. Đề tài sáng tác của ông thường lấy cảm hứng từ tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm lứa đôi. Vậy mà, tuyệt nhiên, không có bất kỳ ca khúc nào cho thấy sự u buồn hoặc những tuyệt vọng, đau thương.

 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, một người bạn gắn bó với Lê Kỳ Lộc, kể lại rằng: “Một lần, cùng với mấy người bạn khác được nghe anh hát với ngón đàn guitar trên tay, rất nhịp nhàng và uyển chuyển. Mà bài hát chính anh sáng tác. Tôi giật mình. Một giai điệu trữ tình, lúc cao vút, lúc êm đềm thẳm sâu. May mắn được nghe người nhạc sĩ phóng khoáng, tự do, không tên hát bài hát của mình, lại xem bản thảo tập ca khúc đầu tay, tôi nhận ra, dòng nhạc Lê Kỳ Lộc thấm đẫm dấu ấn trữ tình tự sự. Cuộc sống cho ta tình yêu, khát vọng, được cầm đàn và hát giữa mọi người đó là hạnh phúc. Tôi mong với niềm đam mê có sẵn, sẽ biến thành ngọn lửa sáng tạo trong trái tim âm nhạc Lê Kỳ Lộc”.
2 tuyển tập “Tình khúc bốn mùa” của tác giả Lê Kỳ Lộc.
2 tuyển tập “Tình khúc bốn mùa” của tác giả Lê Kỳ Lộc.

Trong hai tuyển tập “Tình khúc bốn mùa”, ngoài những ca khúc tự ông viết lời, rất nhiều ca khúc ông phổ nhạc từ thơ của những nhà thơ nổi tiếng, như: Hoàng Vũ Thuật, Lê Đình Ty, Hải Kỳ, Thái Hải, Trần Quang Đạo… Đó là “Ru sen” (thơ Trần Quang Đạo), “Mưa nói gì với tôi” (thơ Hải Kỳ), “Trăng xưa” (thơ Hoàng Vũ Thuật)… Khi những giai điệu được cất lên từ lời thơ, nó tạo thành một mối tương giao kỳ diệu giữa hồn người, hồn nhạc. Lời thơ góp phần làm giàu khúc thức, tiết tấu, nhịp điệu. Và điệu nhạc giúp cho bài thơ được sống lại ở một dáng hình khác.

Dưới góc nhìn chuyên môn, thạc sĩ Nguyễn Đình Khóa, giảng viên Trường đại học Quảng Bình cho rằng, Lê Kỳ Lộc thường xây dựng giai điệu trong ca khúc của mình với phần lớn các quãng có tính học thuật nhiều hơn là quãng thiên về bài hát phong trào hay ca khúc quần chúng. Bởi vậy, khi chọn ca sĩ để thể hiện ca khúc của ông phần lớn phải là ca sĩ có kỹ thuật thanh nhạc tốt mới thể hiện hết yêu cầu nội dung của tác phẩm.

Ông đã lăn khắp thành phố bé nhỏ này/ra Bắc, vào Nam thời bao cấp/những chuyến xe đầy hàng những chuyến xe rỗng túi/đêm bụi ngày nung thỏi thép mới ra lò/trở về bằng quá khứ/ông chẳng thèm muốn điều gì/ngoài giọng ca vàng làm rung chuyển đất đai”, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã viết về người bạn thơ ca của mình bằng những lời trân trọng như thế. Từ ký ức phù sa, người đàn ông “trở về bằng quá khứ” Lê Kỳ Lộc đã chắt chiu nên những lời ca đẹp đẽ cho hiện tại và cho cả tương lai.
Diệu Hương

tin liên quan