Bán sách, nỗi niềm muôn nẻo

  • 08:13 | Chủ Nhật, 17/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cơ chế thị trường đã mở ra cho hoạt động xuất bản-phát hành sách không gian phát triển rộng rãi và đa dạng. Nếu như trước đây sách chỉ được các nhà xuất bản phê duyệt, in ấn và phát hành trong hệ thống các hiệu sách thì hiện nay chỉ cần được một nhà xuất bản cấp quyết định xuất bản phẩm, cá nhân các tác giả cũng được quyền in sách với số lượng tùy ý.
 
Trung bình mỗi năm có từ 10-15 hội viên của Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tự xuất bản và phát hành tác phẩm. Chủ yếu tập trung ở các thể loại: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, lý luận phê bình, văn nghệ dân gian, cùng số ít tập bản nhạc, sách ảnh, mỹ thuật. Một phần kinh phí in ấn, các tác giả được UBND tỉnh hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương hoặc Hội VHNT tỉnh hỗ trợ từ nguồn Chính phủ cấp cho các hoạt động sáng tạo tác phẩm VHNT. Phần còn lại do tác giả tự lo (tiết kiệm tiền lương, huy động hỗ trợ của con cái hay in trước trả sau…), sau đó, bán sách để thu lại vốn. Câu chuyện bán sách của hội viên Hội VHNT tỉnh thời gian qua đã nảy sinh nhiều vấn đề, vui có, buồn có, dở khóc dở cười có.
 
Nếu các tác giả đã khẳng định tên tuổi thông qua tác phẩm, sách được phát hành thuận tiện hơn. Tác giả chỉ thông báo nhẹ niềm vui về việc ra sách lên trang facebook, zalo cá nhân hay qua một bài báo giới thiệu là độc giả, bạn bè đồng nghiệp khắp nơi chủ động đặt mua, chứ không cần phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, thuyết phục này nọ. Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na khi xuất bản tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà” gần như đã tạo cơn dư chấn tích cực trên truyền thông đại chúng.
 
Có hơn 10 bài báo viết về tập truyện ngắn này của chị. Điều đó giúp Lê Na thuận lợi rất nhiều trong phát hành sách. Bạn bè, độc giả khắp nơi cả nước đặt mua với số lượng lớn. Nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh hoạt động sáng tạo trên lĩnh vực rất khó nhằn và kén người đọc nhưng nhờ sự mến mộ của đồng nghiệp và độc giả, công việc phát hành sách của chị diễn ra khá dễ dàng.
 
Nhà văn Nguyễn Hương Duyên với những gì tạo dựng được qua tác phẩm luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người khi công bố phát hành sách. Nhà văn Trác Diễm cũng vậy. Hầu như tác phẩm của họ không có sự tồn đọng. Bên cạnh đó, một số tác giả khác như anh Nguyễn Bách Chiến nhờ giao tiếp rộng, nhiều bạn bè và chịu khó tiếp xúc nên công tác phát hành sách ảnh “Quảng Bình, quê hương con người” được cho là thành công; tác giả Hoàng Đình Bường từng là cựu chiến binh, giáo viên, có số lượng đồng đội, đồng nghiệp, học trò khá đông nên ông không vất vả khi đưa sách của mình đến với người đọc. Tuy nhiên, số tác giả như nêu trên không nhiều, đa số vẫn rất chật vật khi phát hành sách.
 
Hiện nay, con đường bán sách chủ yếu của nhiều tác giả là đến các cơ quan đơn vị, trường học nhờ mua giúp. Lãnh đạo Hội VHNT tỉnh thỉnh thoảng vẫn nhận được phản hồi về việc hội viên đi bán sách ở các nơi. Một số yêu thích văn chương nghệ thuật và tôn trọng văn nghệ sĩ vui vẻ mua ủng hộ. Một số mua cho xong chuyện vì ngại phiền phức. Một số từ chối (nói trực tiếp hoặc tránh đi chỗ khác) vì không có nhu cầu hay không tin tưởng vào chất lượng sách. Một số than phiền vì nhiều người đến ngồi tại phòng làm việc của lãnh đạo đơn vị quá lâu, thậm chí ngồi cho đến khi bán được sách thì mới về... Đáng buồn là có người còn coi anh em đi bán sách như những người đi bán tăm, bán bút bi của các hội người mù hay hội bảo trợ người khuyết tật…
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Năm 2020, tác giả Trần Thị Huê xuất bản tập thơ “Giữa tro và cõi sống”. Chị đã một mình đi xe máy từ xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) mang sách lên tận Đồn Biên phòng Cà Roòng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch). Tôi thông cảm với chị về sự vất vả ấy. Huê nói rằng: “Thực ra em đi một quãng đường xa xôi và có phần nguy hiểm như thế không hoàn toàn vì tiền đâu. Mỗi tập thơ đề giá chưa đến trăm nghìn. Bán được 5 quyển thì chỉ vài trăm thôi. Ai nói em vì tiền là người đó không thấu hiểu hết tình yêu của người nghệ sĩ đối với tác phẩm của mình. Mục đích của em là mang thơ đến với cán bộ, chiến sĩ ở biên giới, góp cho anh em một món ăn tinh thần…”. Tôi tin mục đích tốt đẹp của Huê cũng là của nhiều tác giả khác. Họ đi bán sách chưa hẳn tất cả vì tiền!
 
Trong cơ chế kinh tế thị trường, sách là hàng hóa, dù đặc biệt cũng không thể thoát khỏi quy luật cung cầu và đào thải. Khách hàng cần mới mua, không thì thôi! Hàng hóa chất lượng tốt thì đông khách, không thì thôi! Một thực trạng trở thành rào cản khi phát hành sách của các tác giả ở Quảng Bình là cung và cầu không gặp nhau, sách nhiều nhưng thiếu vắng tác phẩm chất lượng cao, có sách nhưng không có người đọc sách. Vậy nên, bỏ tiền ra in sách dù khó khăn mấy cũng không khó khăn bằng hành trình bán sách. Có ý kiến chủ quan cho rằng, nguyên nhân là do trong đời sống đa phương tiện, vật chất lên ngôi, văn hóa đọc bị mai một, nhiều người không quan tâm đến sách. Thực ra đó chỉ mới là một trong nhiều nguyên nhân.
 
Tiểu thuyết của cố nhà văn Hữu Phương, truyện ngắn của Lê Na, Hương Duyên, Trác Diễm, sách của Hoàng Thụy Anh, thơ của Hoàng Vũ Thuật và một số tác giả khác vẫn có nhiều người tìm mua, chứng tỏ không phải toàn xã hội quay lưng với sách. Những người cầm bút cần phải nhìn nhận vấn đề thật sòng phẳng để nâng cao chất lượng tác phẩm. Hiện nay, phần lớn tác giả ở Quảng Bình viết theo cách mình thích, in sách dựa vào số tiền mình có chứ chưa quan tâm đến xu hướng tiếp cận tác phẩm VHNT hiện đại của công chúng.
 
Các tác giả vẫn mãi cắm cúi đi trên con đường quen của mình và bằng lòng với sự an toàn buồn tẻ ấy, chứ chưa thực sự thay đổi phương pháp sáng tác, tư duy tiếp cận đề tài và hình thức nghệ thuật thể hiện nhằm thu hút độc giả. Đây là nguyên nhân khiến người đọc không mặn mà với sách. Nói gì thì nói, muốn có người đọc, người mua thì sách phải hay và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí của công chúng. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc khuyến khích sáng tác theo thị hiếu thẩm mỹ nhất thời, thu hút độc giả bằng các tác phẩm giật gân lệch chuẩn, đi ngược thuần phong mỹ tục, đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.   
 
Hiện nay, một bộ phận công chúng nhìn nhận về việc tác giả tự đi bán sách chưa được thiện cảm. Nhiều người cho rằng, chỉ sách do các nhà xuất bản in và phát hành trong các hiệu sách mới có chất lượng. Thực ra, trong cơ chế thị trường, người sáng tác, xuất bản và đi bán sách của mình là chuyện bình thường. Vấn đề là quá trình bán ấy được diễn ra như thế nào và cách tiếp cận khách hàng của cá nhân tác giả ra sao mà thôi. Có một kênh quảng bá bán sách được nhiều tác giả trong cả nước sử dụng rất hiệu quả, đó là thông qua các trang thông tin điện tử cá nhân.
 
Ở Quảng Bình, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh đã rất thức thời khi tận dụng lợi thế của facebook để giới thiệu tác phẩm từ nhiều năm trước. Hầu như chị xuất bản cuốn nào là bán hết cuốn đó. Vừa qua, gia đình cố nhà văn Hữu Phương xuất bản tiểu thuyết “Trăng mọc bến phà xưa” của ông, Hoàng Thụy Anh cũng giúp gia đình nhà văn bán được khá nhiều bản qua facebook. Nhà thơ Đỗ Thành Đồng, tác giả Lê Hương… cũng sử dụng con đường "điện tử" để đưa sách đến với độc giả và quả nhiên rất khả quan. Người mua cho địa chỉ, tác giả thông báo tài khoản, vậy là sách đến được nơi cần đến. Họ không phải đi đâu xa mà vẫn đưa tác phẩm của mình đi muôn nơi hết sức sang trọng.  
 
Xuất bản-phát hành sách trong cơ chế thị trường không chỉ khó đối với cá nhân các tác giả mà còn đối với cả các nhà xuất bản. Nỗi niềm này không của riêng ai! Để kích cầu thị trường sách không có con đường nào khác là bên cạnh tìm giải pháp chấn hưng văn hóa đọc trong toàn xã hội, rất cần tính chuyên nghiệp của các tác giả trong cả quá trình từ sáng tác, xuất bản đến phát hành. Có như vậy, mới vơi bớt nỗi niềm buồn vui lẫn lộn của những người làm ra sách và gạt bỏ được nhận thức sai lệch về hành trình bán sách của các tác giả trong một bộ phận công chúng. Giá trị tinh thần và vật chất của sách nhờ đó sẽ được tăng lên xứng đáng.
Trương Thu Hiền

tin liên quan

Quê

(QBĐT) - hoa mướp hoa bầu soi gương
hiên ngoài bóng mẹ ngọn đồi của nắng
chái bếp lặng thầm miền xa

Giấc mơ xanh

(QBĐT) - Từng sợi mưa như những chiếc nan hoa rắc xéo xiên lên bờ tường Thành cổ. Hồ Leng ngồi dưới cội cây sung, có mái hiên chìa ra. Ngắm mưa!

Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024

(QBĐT) -  Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 14/12/2023 về tổ chức Tết Giáp Thìn 2024.