Chàng trai trẻ hát dân ca xứ núi

  • 07:40 | Thứ Hai, 11/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong khi đa số giới trẻ hiện nay yêu thích các loại hình nghệ thuật mới mẻ, hiện đại thì Hoàng Việt Anh, chàng trai 22 tuổi ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa) vừa mới tốt nghiệp Trường đại học Luật-Đại học Huế lại đam mê với các làn điệu dân ca của quê hương. Không chỉ sở hữu giọng hát ngọt, mộc, đậm chất dân ca, Hoàng Việt Anh còn sử dụng tốt nhiều loại nhạc cụ dân tộc và luôn nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của quê hương.
 
Lớn lên từ lời ru của ngoại
 
Tiếp xúc, trò chuyện với Hoàng Việt Anh, chúng tôi ấn tượng về chàng trai thế hệ 10X năng động. Nhìn dáng vẻ bề ngoài của chàng thanh niên này nhiều người liên tưởng đến 1 nam sinh hay một ca sĩ của dòng nhạc hiện đại. Ít ai ngờ rằng, Hoàng Việt Anh lại là một nghệ nhân dân gian đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ (CLB) Đàn, hát dân ca Minh Hóa, hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. 
 Hoàng Việt Anh (áo đỏ) trình diễn sắc bùa trên sân khấu.
Hoàng Việt Anh (người đứng bên trái) trình diễn sắc bùa trên sân khấu.

Nói về việc “bén duyên” với nghệ thuật truyền thống, Hoàng Việt Anh cho biết: "Em thích nghe dân ca Minh Hóa từ nhỏ nên thường đòi bà ngoại hát cho nghe. Ai ngờ càng nghe càng “say” và rồi các làn điệu dân ca mộc mạc của quê hương đã trở thành một phần trong cuộc sống của em”.

Hoàng Việt Anh kể: Em quê gốc ở xã Quảng Tiên (TX. Ba Đồn) nhưng cả gia đình sống, lập nghiệp ở quê ngoại (xã Xuân Hóa, Minh Hóa). Từ nhỏ do mẹ đi dạy xa nhà, bố bận công việc nên em được bà ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuổi thơ của em được “tắm” trong lời ru của bà nên “ngấm” và yêu dân ca từ nhỏ. Khi đã biết nói, rồi biết hát, những câu hát đầu tiên của em là hát ru bắt chước từ bà ngoại. Thấy em yêu thích dân ca, bà ngoại dành nhiều thời gian để tập hát cho em. Ban đầu là những bài hát ru, rồi đến các làn điệu đúm, ví, hò thuốc cá… Dần dần em thuộc rất nhiều làn điệu cổ và hát được tất cả các thể loại dân ca Minh Hóa.  

Với Hoàng Việt Anh, bà ngoại là nghệ nhân lớn. Bà không đứng trên sân khấu nhưng lại là kho tư liệu lớn về dân ca Minh Hóa. Buồn hay vui bà đều gửi gắm trong các làn điệu dân ca để rồi từng câu hát cứ đọng lại trong lòng, khơi dậy trong em tình yêu đặc biệt đối với dân ca Minh Hóa, nhất là thể loại hát ru.
 
“Giờ đây, mỗi lần nghe em hát, bà ngoại em vui lắm. Thỉnh thoảng, em lại ôm đàn và đàn cho bà hát. Hai bà cháu luôn hòa mình trong từng giai điệu cổ và cùng chia sẻ cho nhau nghe về niềm đam mê dân ca của mình”, Hoàng Việt Anh tâm sự.
 
Thổn thức với dân ca
 
Khi đã có nền tảng về các làn điệu dân ca của quê nhà, Hoàng Việt Anh muốn nghiên cứu sâu hơn về văn hóa truyền thống nên đã tìm đến các nghệ nhân gạo cội ở Minh Hóa để học hát.
 
“Hoàng Việt Anh là người tiếp thu rất nhanh những bài học từ các nghệ nhân trao truyền. Mới đây nhất, em đã học và thực hành tốt cách đánh trống trở phục vụ cho việc biểu diễn sắc bùa từ cố nghệ nhân Đinh Văn Trợ và cũng là thành viên tích cực trong truyền dạy dân ca, nhạc cụ truyền thống của huyện Minh Hóa cho những người yêu thích văn hóa văn nghệ dân gian. Sự tâm huyết của Việt Anh đã góp phần quan trọng trong việc trao truyền những giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau", bà Đinh Thị Loan, Chủ nhiệm CLB Đàn, hát dân ca Minh Hóa cho hay.

Người thầy gắn bó với em nhiều nhất là nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống (Xuân Hóa), người có công rất lớn trong thực hành và truyền dạy dân ca trên địa bàn huyện Minh Hóa. Nhờ chăm chỉ học tập, Việt Anh tiến bộ rất nhanh và trở thành trò cưng của nghệ nhân Phương Đống. 

Nghệ nhân Đinh Thị Phương Đống cho hay: “Việt Anh rất chăm học. Trong những ngày tôi bị tai nạn không thể đi lại được phải nằm ở nhà, Việt Anh thường đến nhà tôi để cùng tôi trò chuyện và học hát. Ngày ngày, hai bà cháu lại say sưa với những câu dân ca. Nhờ thế đã giúp tôi tạm quên đi hoàn cảnh của bản thân, sống vui hơn mỗi ngày…”.
 
Trong những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Việt Anh đã tìm đến các nghệ nhân am hiểu về văn hóa truyền thống để tìm hiểu về nghệ thuật hát sắc bùa, một trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân Minh Hóa. Em say sưa tập hát để rồi trở thành giọng chính khi thể hiện các làn điệu sắc bùa cổ và cùng các bậc cao niên trong làng đi hát sắc bùa chúc Tết bà con nhân dịp đón năm mới. Em cũng luôn có mặt trong các chương trình biểu diễn sắc bùa và văn nghệ dân gian do huyện, tỉnh tổ chức.
 
Nặng lòng với dân ca, những năm còn học bậc THPT, Hoàng Việt Anh đã đứng ra thành lập CLB Dân ca trẻ xã Xuân Hóa, tập hợp được nhiều học sinh các độ tuổi tham gia và trực tiếp truyền dạy dân ca cho các thành viên trong CLB. Dưới sự dìu dắt của các nghệ nhân đi trước, CLB đã xây dựng được một số chương trình biểu diễn ấn tượng. Song CLB không tồn tại được lâu vì kết thúc bậc học THPT, Việt Anh thi đỗ và theo học đại học trong khi chưa tìm được người đủ tâm huyết để tiếp tục tổ chức các hoạt động của CLB.
Hoàng Việt Anh với cây đàn ống quên thuộc trong nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian
Hoàng Việt Anh với cây đàn ống quên thuộc trong nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian.

Hoàng Việt Anh còn tham gia và tạo ấn tượng tại liên hoan dân ca Huế, liên hoan dân ca các tỉnh phía Nam… và cùng với các thành viên trong CLB Đàn, hát dân ca Minh Hóa tham gia Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc tỉnh Quảng Bình và đoạt giải A tiết mục “Tổ khúc dân ca Minh Hóa”.

Những năm tháng là sinh viên, Hoàng Việt Anh còn tìm đến Học viện Âm nhạc Huế xin được học thêm đàn bầu và tìm hiểu nhạc cụ truyền thống. Thấy một cậu thanh niên miền núi đam mê dân ca, nhạc cổ, các thầy giáo đã nhiệt tình truyền dạy miễn phí cho em bộ môn đàn bầu. Thành công với đàn bầu, em lại tiếp tục tự tìm tòi, học hỏi và sử dụng được các nhạc cụ khác, như: Sáo, nhị và nhất là đàn ống Minh Hóa. Em còn tự đi tìm nguyên liệu (cây nứa trong khe suối và các loại vật liệu từ thiên nhiên) rồi tự chế ra cây đàn ống và gắn bó với với nhạc cụ này. 

Việt Anh còn có niềm đam mê khác là nghiên cứu, sưu tầm cổ vật (mâm, chén, bát, dĩa…). Cứ một mình xách ba lô lên và đi, Hoàng Việt Anh rong ruổi khắp các bản làng xa xôi của huyện tìm cổ vật để lưu giữ và hiến tặng cho phòng truyền thống của huyện, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh…
 
"Em sẽ cháy hết mình với dân ca, sẵn sàng truyền dạy cho bất cứ ai muốn học hỏi và mơ ước sau này sẽ tạo nên được một không gian trưng bày với đa dạng các loại hiện vật để nhiều người có chung niềm đam mê được tìm hiểu và yêu hơn, trân quý hơn những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương", Hoàng Việt Anh trải lòng.
Nh.V

tin liên quan

Gặp gỡ ở Hàng Châu

(QBĐT) - "Cuộc gặp gỡ của nghệ sĩ trên con đường tơ lụa" là tên sự kiện nghệ thuật do Diễn đàn Lương Chử (Liangzhu Forum) tổ chức từ ngày 23/11-3/12/2023 tại TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Tình yêu Lâm Thủy

(QBĐT) - Thế hệ 7X chúng tôi lớn lên khi đất nước đang gặp vô vàn khó khăn. Đa phần mọi người có thời học trò vất vả, nhất là các bạn ở vùng đồng bằng và vùng núi.

Lục bát mùa đông

(QBĐT) - Mẹ tôi gom nắng mùa đông
Gửi cho con phía mỏi mong đợi chờ