Tình yêu Lâm Thủy

  • 09:15 | Chủ Nhật, 10/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thế hệ 7X chúng tôi lớn lên khi đất nước đang gặp vô vàn khó khăn. Đa phần mọi người có thời học trò vất vả, nhất là các bạn ở vùng đồng bằng và vùng núi. Tuổi thơ thường gắn liền với đói nghèo và bỏ học. Xóm tôi, có 9 bạn cùng lứa nghỉ học từ cấp 1 đến cấp 2. Còn đường đến trường lầy lội bùn đất, tuổi thơ lấm lem, sình lầy cùng các bạn. Nhưng từ đó, chúng tôi nhận ra, khi và chỉ khi đi đều đặn mỗi ngày trên con đường ấy sẽ đến được con đường khác rộng hơn, dài hơn, ý nghĩa hơn.
 
Năm 2018, tôi nhận nhiệm vụ mới tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy). Nhiều niềm vui và cảm xúc nảy nở trong lòng khi được ngắm nhìn những đám mây ngày ngày qua lưng núi và bần thần trước vẻ đẹp của màu lau nở ở biên giới.
 
Công tác dạy học ở đây, tôi ví như hành trình con chữ ngược dòng suối, bởi điều cốt yếu là phải vận động học sinh đến trường rồi mới tính đến chất lượng dạy học. Ngôi trường nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi. Phía sau lưng là con suối Khe Vàng vực sâu hun hút. Bản Xà Khía, nơi đặt điểm trường trung tâm có đến 70% hộ nghèo gồm nhiều ngôi nhà tạm bợ trước mùa gió chướng. Học sinh lớp 3 đến lớp 9 trong toàn xã Lâm Thủy tập trung ở nội trú. Vào khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán hoặc ở bản có đám cưới, đám ma, nhất là tập trung khai giảng đầu năm học, trò vắng học rất nhiều. Nhìn sân trường vắng lặng, lớp học trống vắng, nỗi buồn dâng lên ngập choán tâm hồn với toàn thể cán bộ, giáo viên.
 
Chúng tôi lập kế hoạch đi vận động học sinh đến trường, hết kết hợp với trưởng bản, bộ đội Đồn Biên phòng Làng Ho đến chính quyền các cấp. Tuần nào, cũng có họp bàn, thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường. Đêm đến, giáo viên thường xuyên xuống bản để cái bụng của bà con được ấm áp. Đêm vùng cao dài lắm. Tiếng vượn hú nghe não ruột nhưng không ngăn được bước chân của chúng tôi. Có lần, ra bản Tân Ly gặp phụ huynh em Hồ Xinh thì bị trượt ngã trên con dốc do đêm tối, trời mưa. Khi vào nhà được chủ nhà châm lửa soi rửa chân, lau vội bộ quần áo.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Ngôi nhà sàn bé nhỏ nằm ven bìa rừng không có giường chiếu, chỉ có bếp lửa nhưng Hồ Xinh có 4 em nhỏ. Cô học trò tay chân nhem nhuốc, khơi bếp lửa giữa nhà sàn rụt rè:
 
- Thầy ơi! Em không được đi học nữa.
 
- Vì phải chăm em, nấu cơm có phải không?
 
- Dạ, bố mẹ em đi rừng từ sớm. Mấy đứa em không có ai giữ ạ.Với lại, tốt nghiệp lớp 9 thì cũng ở nhà để lấy chồng thôi.
 
Tôi lặng người. Tiếng thở dài của bố Hồ Xinh như khơi lên ngọn lửa.
 
- Em nghĩ vậy là rất thương các em. Nhưng thầy nói cái này, ngày mai thầy sẽ xin cho em chiếc xe đạp mới để em đi học và ra nhà cho tiện. Thầy sẽ nói ông bà sang giữ các cháu khi em đi học. Ngoài ra, Liên đội sẽ hỗ trợ em sách vở, bút mực. Nếu việc nhà cần thiết lắm, thầy sẽ cho em nghỉ 1-2 ngày để giúp gia đình.
 
Hồ Xinh đánh ánh mắt buồn sang bố thăm dò. Bất chợt em khẽ nói:
 
- Em mời thầy uống nước ạ!
 
Tôi cầm ly nước đặt lên môi. Không biết em nấu lá cây gì nhưng màu nước đen ngòm, có mùi hăng hắc, uống vào họng thì như nghẹn đắng. Tôi nhắm mắt, nuốt ực một cái. Bố Hồ Xinh lúc này cười tươi, mình ưng cái bụng giáo viên, mình mời cốc rượu nhé.
 
Đêm Lâm Thủy vắng lặng đến lạ. Ngoài tiếng nước suối sau lưng nhà là tiếng của tôi và phụ huynh nói chuyện về việc tiếp sức cho con em học tập như thế nào. Không gian như mênh mông hơn khi thi thoảng vang lên những tiếng hú dài của chú vượn đang tìm bạn.
 
- Xin cảm ơn thầy, ngày mai con mình sẽ đi học trở lại. Thầy vào trường đi ngủ nhé. Mình đi làm đây.
 
- Anh làm gì vào giờ này?-Mình ra suối soi cá. Mình đi tìm cá cũng như thầy đi tìm học trò. Cũng khó lắm đấy!
***     
 
Mới đó mà đã 5 năm tôi công tác tại mái trường Lâm Thủy mến yêu, hàng chục học sinh được tôi và đồng nghiệp vận động đến trường thành công. Cũng bằng ấy là bao tâm huyết, thời gian và sự dành dụm yêu thương cho các em. Chúng tôi học tiếng Bru-Vân Kiều để nghe được tiếng nói, tâm tư, tình cảm của phụ huynh, học sinh. Chúng tôi biết học cách đi suối để cõng các em qua sóng dữ khi mùa mưa bão đến. Chúng tôi học cách vượt dốc để đi vào bản Bạch Đàn hoặc lên bản Eo Bù-Chút Mút. Thậm chí học cả cách uống rượu với đồng bào để hòa nhập như con em dân bản.    
 
Những học sinh được vận động đến trường trong 5 năm qua sau khi học xong lớp 9 đã đi học nghề. Nhiều em đã trưởng thành, có bạn đã đi nghĩa vụ quân sự, nhiều bạn vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân, có bạn học nghề chăn nuôi, giờ đi làm ở các trang trại của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Riêng Hồ Xinh, hiện là sinh viên khoa Mầm non của Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. Mai đây, chúng tôi sẽ có thêm một đồng nghiệp gắn bó với người Bru-Vân Kiều ở vùng biên viễn Lâm Thủy. Em sẽ cùng với các giáo viên cắm bản tiếp sức, hỗ trợ nhau dạy cho học sinh con chữ, những việc nhỏ ở lưng chừng núi.
 
Với tôi, Lâm Thủy là tình yêu. Bởi trong xanh thẳm núi rừng kia là mỗi ngày đồng nghiệp của mình đang làm tất cả để học sinh được đến trường. Khi có con chữ, các em sẽ có hiểu biết, con đường mở ra trước mắt không chỉ là những ngọn đồi, con suối. Các em sẽ được đi xa hơn con đường đi học mỗi ngày. Đó là con đường sẽ dẫn đến với thế giới văn minh và đại lộ của việc thay đổi số phận của mình sau những bìa rừng tĩnh yên.
 
Ngô Mậu Tình

tin liên quan