Người "giữ hồn" của núi

  • 07:56 | Thứ Năm, 07/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh), già làng Hồ Ai được ví như là người giữ “hồn” của núi rừng, bản làng.
 
Già làng Hồ Ai hiện sống ở bản Khe Cát, thượng nguồn dòng Đại Giang. Năm nay, đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hàng ngày già Hồ Ai vẫn miệt mài với công việc khôi phục và lưu truyền bản sắc văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều.
 
Mỗi khi rảnh rỗi, già Hồ Ai với chiếc sáo Khơ-lui quen thuộc vừa thổi sáo vừa hát Si-nớt (“sử thi” của người Bru-Vân Kiều). Trong giọng hát của già có thanh âm của núi rừng hoang dã với cuộc sống phóng khoáng; có âm thanh trong trẻo như dòng chảy của thượng nguồn dòng Đại Giang, khiến người nghe có cảm tưởng như tất cả những gì của đại ngàn Trường Sơn đều hòa quyện trong giọng hát của già Hồ Ai.
 
Mỗi khi bản làng người Bru-Vân Kiều có dịp lễ hội quan trọng trong năm, như: Lễ hội trỉa lúa (lấp lỗ), lễ mừng lúa mới hay đám chay khi trong bản có người mất..., già Hồ Ai được mọi người tín nhiệm bầu làm chủ lễ, đứng ra triệu tập người dân trong bản cùng đóng góp và tham gia.
 
Đặc biệt, khi lễ hội trỉa lúa của cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều người cho rằng, công đầu thuộc về già làng Hồ Ai. Ở lễ hội này, già làng Hồ Ai cũng luôn là người lĩnh trọng trách "chủ lễ".
Già làng Hồ Ai và cây sáo pi của người Bru-Vân Kiều. Ảnh: Bách Chiến
Già làng Hồ Ai và cây sáo pi của người Bru-Vân Kiều. Ảnh: Bách Chiến
Trong lớp người già của người Bru-Vân Kiều hiện nay ở xã Trường Sơn, già làng Hồ Ai là người tài hoa nhất trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống, như: Chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, ta-riêng, đàn pơ-lựa, đàn tính-tùng; hát si-nớt, hát tà-oải và nắm giữ nhiều nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội cúng tế truyền thống của người Bru-Vân Kiều.
 
Với bà con người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, khi thực hiện các nghi thức thờ cúng tổ tiên, vị thần, già Hồ Ai là “cầu nối” linh thiêng giữa các đấng thần linh và bà con dân bản. Vì vậy, họ luôn dành những lời kính trọng khi nói về già làng Hồ Ai. Họ đều coi già Hồ Ai như linh hồn của người Bru-Vân Kiều, người gìn giữ truyền thống và văn hóa của người Bru-Vân Kiều cho đến tận ngày hôm nay.
 
Nhiều năm qua, tuy cao tuổi nhưng già Hồ Ai rất cố gắng khôi phục và lưu truyền bản sắc văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Tiếng sáo và tiếng hát của già đã đi biểu diễn ở nhiều nơi và tham dự nhiều liên hoan khác nhau.
 
Đặc biệt, già làng Hồ Ai được mời tham gia lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru-Vân Kiều cho các thế hệ trẻ trên địa bàn và các em học sinh người Bru-Vân Kiều tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trường Sơn với mục tiêu phục hồi các giá trị nghệ thuật truyền thống.
 
Già làng Hồ Ai tâm sự: “Chúng tôi phải khơi dậy cho lớp trẻ niềm tự hào về văn hóa truyền thống bao đời mà tổ tiên dân tộc Bru-Vân Kiều đã lưu giữ, phát triển. Sắp tới, tôi sẽ chia sẻ cho bà con trong bản cách chế tác đàn, đẽo tượng gỗ, đan gùi… để bán cho khách du lịch, tạo thêm thu nhập và để lớp trẻ có niềm đam mê học hỏi, lưu giữ tốt bản sắc văn hóa truyền thống người Bru-Vân Kiều trên dãy Trường Sơn…”.
L.An

tin liên quan