Gặp gỡ ở Hàng Châu

  • 09:13 | Chủ Nhật, 10/12/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Cuộc gặp gỡ của nghệ sĩ trên con đường tơ lụa” là tên sự kiện nghệ thuật do Diễn đàn Lương Chử (Liangzhu Forum) tổ chức từ ngày 23/11-3/12/2023 tại TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
 
Đây là sự kiện văn hóa, nghệ thuật quan trọng của tỉnh Chiết Giang nói riêng và Trung Quốc nói chung. Đại sứ quán Trung Quốc tại Thủ đô Hà Nội đã mời nghệ sĩ Việt Nam gặp gỡ trò chuyện trước lúc sang tham dự sự kiện. Qua đó, giới thiệu tổng quan về sự kiện cùng những giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan nổi bật tại TP. Hàng Châu, nơi được mệnh danh là “Thiên đường hạ giới”, là viên ngọc của du lịch Trung Quốc hiện nay.
 
19 giờ ngày 23/11, ban tổ chức đón nghệ sĩ tại sân bay Thượng Hải và xe đưa đến nơi diễn ra các sự kiện là quận Dư Hàng, TP. Hàng Châu (cách Thượng Hải khoảng 180km). Gần 100 nghệ sĩ từ các châu lục trên thế giới hội tụ, mỗi quốc gia có 1 nghệ sĩ được mời tham dự sự kiện.
 
Ngày thứ nhất (24/11) là chuyến tham quan, tìm hiểu di chỉ khảo cổ của thành phố cổ Lương Chử (Archaeological Ruins of Liangzhu City) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2019. Được khai quật năm 1936, thành phố Lương Chử được xem là đô thị phương Đông cổ nhất trên thế giới tính đến thời điểm này với nền văn hóa chế tác đồ đá, tiêu biểu là ngọc thạch, hệ thống thủy lợi phức tạp và hiện đại được hình thành khoảng hơn 5.000 năm. Khu di tích được xây dựng thành một quần thể rộng lớn (khoảng 3km2) với các điểm tham quan trưng bày hiện vật, di chỉ, mộ táng… cùng phục dựng cảnh sinh hoạt của người dân cổ đại và cảnh quan thiên nhiên rất hài hòa, tổng thể là một công viên sinh thái đẹp mắt rộng lớn.
 
Buổi chiều, chúng tôi đến tham quan Bảo tàng Văn hóa Lương Chử ngay trung tâm quận Dư Hàng. Được xây dựng năm 2008, bảo tàng có kiến trúc đương đại, bao quanh là một hồ nước lớn phản chiếu như gương. Bảo tàng trưng bày hệ thống và chi tiết về nền văn hóa Lương Chử. Dù số lượng khách tham quan tại bảo tàng rất đông (bao gồm đoàn nghệ sĩ, tình nguyện viên và du khách) nhưng các nghệ sĩ đều được phát tai nghe theo nhóm sử dụng các ngôn ngữ, như: Tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha…và có các thông dịch viên dịch theo từng ngôn ngữ nên không nhận thấy sự ồn ào.
 
 Các hoạt động của nghệ sĩ quốc tế tại “Cuộc gặp gỡ của nghệ sĩ trên con đường tơ lụa” .
Các hoạt động của nghệ sĩ quốc tế tại “Cuộc gặp gỡ của nghệ sĩ trên con đường tơ lụa”.
Lâm An (Hàng Châu) từng là kinh đô thời Nam Tống (1127-1279), ngày 25/11, chúng tôi đến tham quan danh thắng Tonglu, nơi đây là một quần thể danh lam thắng cảnh, hang động và di tích lịch sử văn hóa, chùa chiền gắn với văn hóa thời Tống. Đoàn nghệ sĩ đi thuyền trên sông nước ngắm cảnh núi non hùng vĩ, đặc biệt là sắc cảnh của cây lá mùa thu tự như những bức tranh thủy mặc chúng ta thường thấy trong quốc họa Trung Hoa. Di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ trên sông nước, điểm đến là một thành cổ được tái tạo các hoạt động sinh hoạt, văn hóa của phong kiến thời Tống.
 
Những địa điểm trong suốt chuyến hành trình tiếp theo tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, như: Phố nước Hồ Châu (phố cổ ven sông-nơi xuất phát của con đường tơ lụa), phủ quan đời nhà Thanh (nơi ở cũ của Hu Xueyan-trên phố cổ đi bộ He Fang Jie sầm uất nhất TP. Hàng Châu), đi du thuyền trên sông Tiền Đường ngắm thành phố mới hiện đại Tiền Giang (Qianjiang New City), tham quan thành phố trong mơ (Dream Town City) của tập đoàn Alibaba... Chúng tôi cũng được giới thiệu thông qua màn hình lớn các video về các danh thắng nổi tiếng khác, như: Hai di sản thế giới là Tây Hồ và kênh Đại Vận Hà cùng nhiều nơi khác tại Hàng Châu cũng như Trung Quốc.   
 
Ban tổ chức đã dành thời gian 3 ngày sáng tạo (27-29/11), đầu tiên là các nghệ sĩ tìm hiểu, trải nghiệm vẽ tranh thủy mặc và cùng nhau hoàn thành một bức tranh thủy mặc trên giấy khổ lớn (1mx30m) do ban tổ chức chuẩn bị. Tại không gian dành cho sáng tác, các loại họa cụ, họa phẩm được chuẩn bị sẵn, các tình nguyện viên hỗ trợ suốt trong quá trình làm việc của mỗi nghệ sĩ. Nghệ sĩ Việt Nam thực hiện 5 tác phẩm gồm: Chinese Color-Chinese Face (màu của Trung Quốc-Gương mặt người Trung Quốc), The Blue Moon (Trăng xanh), The time (thời gian), The Autumn in Hangzhou (Mùa thu ở Hàng Châu), Peaceful (Bình yên).
 
Trong những nội dung quan trọng, nghệ sĩ quốc tế đến thăm các bảo tàng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật trong thành phố. Đặc biệt có các tiểu diễn đàn trao đổi với giảng viên và sinh viên với 2 học viện nghệ thuật tại Hàng Châu. Tác phẩm Peaceful (Bình yên, kích thước 120x150cm, chất liệu Acrylic) được ban tổ chức lựa chọn để tác giả trình bày và trao đổi ý tưởng, chuyên môn với các nghệ sĩ và sinh viên nghệ thuật: “Tác phẩm Bình yên là chân dung tự họa trên nền bức tranh Mục đồng thổi sáo (Tranh dân gian Đồng Hồ-Việt Nam), cùng hình tượng những con chim được tạo tác từ ngọc thạch của văn hóa Lương Chử. Tôi muốn nói đến sự kết nối văn hóa giữa các quốc gia với nhau trên cùng một không gian nghệ thuật, vì nghệ thuật là phi biên giới. Hình tượng chú bé ngồi trên lưng trâu đang thổi sáo, con trâu ngước lên trời và đang đạp lên bom đạn của chiến tranh. Tác phẩm muốn nói chúng ta đều yêu hoà bình, muốn có cuộc sống bình yên bởi hơn ai hết, người Việt Nam chúng tôi hiểu rõ nỗi đau của chiến tranh. Vì chiến tranh phá hủy văn hóa, con người, không gian sống… tất cả”...
 
Tại ngày khai mạc triển lãm (2/12), có sự tham dự của đại diện chính quyền tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật Chiết Giang, TP. Hàng Châu và một số nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. Đa số thời gian họ dành cho nghệ sĩ quốc tế chia sẻ cảm nhận về Hàng Châu và trao đổi giới thiệu văn hóa đất nước mình, về con đường nghệ thuật của các nghệ sĩ đại diện cho mỗi châu lục. Đại diện của khu vực Đông Nam Á là một nghệ sĩ Thái Lan, ông là một trong những họa sĩ nổi tiếng ở đất nước Chùa vàng.
 
Phong cảnh mùa thu tại Hàng Châu rực rỡ với sắc vàng của cây ngân hạnh và đỏ cam của cây phong cùng nhiều loại cây và rất nhiều hoa trên phố, trong công viên… Bảng màu thiên nhiên như rực rỡ hơn dưới ánh nắng vàng phủ khắp không gian, dù nhiệt độ có lúc thấp nhất vào ban ngày là từ 2-3 độ. Điều kiện ăn ở dành cho nghệ sĩ rất tiện nghi. Ẩm thực rất phong phú, tại các điểm đến đều được chiêu đãi đặc sản địa phương. Người dân thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn đến từng chi tiết nhỏ nhất. Đặc biệt, đội ngũ tình nguyện viên luôn đi sát hỗ trợ nghệ sĩ bất cứ lúc nào. Tôi cũng rất ấn tượng với sự sạch sẽ và thông thoáng trên các đường phố.
 
10 ngày tham dự sự kiện nghệ thuật tại Hàng Châu do Cục Hợp tác Quốc tế-Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch Việt Nam đề cử, tôi có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, trải nghiệm về cuộc sống, cảnh quan, ẩm thực cùng chứng kiến sự phát triển phồn thịnh của đất nước bạn; được giao lưu, kết bạn với nhiều nghệ sĩ đến từ các quốc gia trên thế giới, thấy được sự phong phú và đa dạng trong những sắc màu văn hóa 5 châu học tập, trao đổi, mở ra nhiều chân trời mới về kỹ thuật, phương thức thực hành trong sáng tạo nghệ thuật tạo hình. Những điều “đi một ngày đàng” thu nhận được để bản thân nhìn lại mình và tiếp tục học hỏi, đúc kết vận dụng trong hành trình sáng tạo. Nếu có cơ hội, hãy mạnh dạn, tự tin bước ra bên ngoài, sẽ thấy những điều đầy mới mẻ.
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng

tin liên quan