Về mái trường của mẹ…

  • 07:38 | Thứ Sáu, 17/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trường gần nhà, ngày qua lại không nhớ bao nhiêu lần, thế mà chẳng mấy khi mẹ ghé vào kể từ ngày tốt nghiệp. Chiều nay cùng con gái ra sân trường tập xe đạp, vòng xe tập tễnh của con làm những chiếc lá vàng khô xao xác, đánh thức trong mẹ những ký ức nằm lòng về thầy cô, mái trường, về một thời thiếu nữ say mê…
 
Mẹ đã thấy mình là cô gái trong câu hát “tuổi mười lăm em trở thành thiếu nữ, tóc em dài như gió mùa thu” khi lần đầu tiên trong chiếc áo dài trắng, mái tóc đen mượt qua eo ngày tựu trường. Những cảm giác mới mẻ, tinh khôi như chính màu áo ấy, hay cảm giác tươi trẻ, tinh nghịch như chính vũ điệu tà áo ấy tung bay trước gió… có lẽ không chỉ của riêng mẹ, mà là của chung tất thảy những cô bé nữ sinh trung học.
 
Ngày đó, trường chưa được khang trang như bây giờ. Mẹ thích la cà, nhấn nhá trên sân trường mỗi chiều tan học năm lớp mười, để mái tóc dài nhẹ bay dưới bóng cây mát rượi và nghe tiếng gió lao xao trên những hàng dương. Mẹ thích những sớm tinh mơ đến trường năm lớp mười một, ngắm nhìn sắc hồng tím và hít hà chút hương thơm dịu nhẹ của những bồn hoa địa lan mùa nở rộ, để thu vào tâm hồn chút mơ mộng, bình yên của tuổi thanh xuân.
 
Đôi khi, mẹ thích những giờ học thể dục, giẫm chân, lăn lê bò toài trên cỏ ướt ban mai, cùng đám bạn thân ngửa mắt nhìn bầu trời màu xanh hy vọng, cùng nhau mơ tưởng về tương lai, nghịch ngợm hái những cành me, tuốt lá vào đầy mũ cối, rồi tung rắc lên trời, cho rơi dính đầy vai, áo, gọi đó là “cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”...
 
Thích cả những phút rủ nhau cà kê ghế đá năm lớp mười hai, gặm nhấm cảm giác vừa khấp khởi đợi tiếng trống vào tiết, lại vừa hùi hụi tiếc phút ra chơi ngắn ngủi khiến câu chuyện đang "buôn" tạm dang dở, cũng như cái cảm giác vừa háo hức mong ngày phượng nở, ve kêu để nhanh đến mùa thi, nhanh thành người lớn, nhưng lại ngẩn ngơ tiếc nuối về một thời áo trắng kỷ niệm sớm qua mau…
 
Những gương mặt thầy cô cũng hiện ra trước mắt mẹ đầy thân thương và rõ mồn một từng người, từng cái tên. Các thầy, các cô, nay người đã nghỉ hưu, người đã chuyển công tác, người vẫn gắn bó với bục giảng, miệt mài với những chuyến đò sang sông. Dù mẹ không để lại ấn tượng là một học sinh giỏi, dù mẹ chưa một lần thốt nên lời những tình cảm riêng có với thầy cô, ngay cả khi năm tháng cứ vô tình qua và dòng đời êm đềm trôi thì những giọng nói, dáng hình thân quen ấy, những công lao như sao trời, nước biển ấy… mãi mãi hằn sâu trong tâm mẹ.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Lớp mẹ ngày xưa toàn con gái nhưng cũng ra dáng ma-học-trò lắm. Cũng xe đạp ngày nắng rong ruổi về các xã vùng ven; cũng đêm hôm bờ sông ngồi nghe nhau kể chuyện; có đứa thậm thụt đọc thư hộc bàn, đứa e ấp quà tặng âm nhạc thay lời muốn nói, có đứa khắc tên người ấy lên cây, đứa đếm bao nhiêu bông hoa trong bồn hoa tự trồng là bấy nhiêu tình cảm với thầy mình thần tượng.
 
Lớp toàn con gái, lại nhiều bạn xinh nên thành ra các anh khóa trên hay để ý. Có anh chực chờ ở cổng để dúi em gói kẹo mút giờ tan học; có anh ngập ngừng ở cửa để trao em cái áo tiện lợi ngày trời bỗng đổ cơn mưa; có cậu bạn làm liều, gói ghém hộp sô-cô-la hình trái tim màu hồng vào hộc bàn cô gái, khiến cô vào lớp trước hàng trăm con mắt liếc nhìn và miệng cười khúc khích mà vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì…
 
Mọi thứ như vừa mới đây thôi, thế mà đã mười lăm năm trôi qua rồi. Lũ con gái ngày ấy nay đã ngoài ba mươi... Cuộc sống mưu sinh bộn bề, thân phụ nữ trăm thứ phải lo, đôi khi muốn thong thả một chút ngồi cùng nhau đông đủ cũng thật khó, nhưng khi có việc cần hay vào những ngày trọng đại, những cô gái ấy vẫn có mặt, sẻ chia cùng nhau, trao nhau những ấm áp của tình bạn, bởi lẽ họ đã đến và ở lại trong nhau từ mùa hoa đẹp nhất của mỗi cuộc đời.
 
Cõi nhân gian đôi khi nghĩ cũng thật dễ thương, trăm mối duyên kỳ ngộ, vô tình thành định mệnh. Chính nơi đây, dưới mái trường này, mẹ đã gặp ba của con. Khi đó ba là giáo viên dạy Văn nhưng đang theo khóa cao học, còn mẹ là cô nữ sinh lớp mười, thường chỉ gặp nhau qua những trang viết. Những ấn tượng lần đầu nhìn thấy nhau không quá mạnh mẽ, mà có lẽ những đồng điệu, sẻ chia về niềm yêu thích văn chương đã dẫn lối hai người đến với những gắn bó sau này.
 
Mẹ chính là người khắc tên người ấy lên thân cây, người ấy không ai khác mà chính là ba. Mẹ cũng chính là người được nhận hộp sô-cô-la hộc bàn, nhưng với người tặng thì chỉ là chút thân thiết của những người bạn, bởi mẹ đã có ba trong suy nghĩ của mình. Một nữ sinh lớp mười với những ý nghĩ trong veo đã cảm nhận và say mê chất nghệ sĩ tài hoa qua từng trang viết của thầy giáo, thương những trăn trở, khắc khoải của một người yêu văn chương đến đỗi coi văn chương là thức ăn, là nước uống, là hơi thở mỗi ngày.
 
Cũng không thể ngờ những rung động nhẹ nhàng, non nớt, hồn nhiên buổi ban đầu của một cô bé lại có thể lâu dài và ám ảnh cả hai người đến vậy. Văn chương chính là sợi dây kết nối tâm hồn, đan cài những tấm lòng với nhau một cách tự nhiên mà bền chặt. Và con chính là trái ngọt của một tình yêu học đường, của niềm yêu văn chương giữa ba và mẹ.
 
Rồi con sẽ lớn lên, sẽ trở thành cô nữ sinh duyên dáng. Mái trường này đã nuôi dưỡng những ký ức đẹp đẽ của ba mẹ, rồi sẽ thành nơi in dấu những kỷ niệm trong trẻo của con. Những ký ức và kỷ niệm ấy sẽ theo chúng ta vượt qua những thử thách, khó khăn trong cõi nhân sinh này. Nói như thi sĩ Trương Đăng Dung thì “kỷ niệm cứu rỗi chúng ta, nó lưu giữ thứ ánh sáng làm cho gương mặt ta mãi mãi là gương mặt con người”.
 
Những hồi tưởng về mái trường của mẹ chiều nay cứ miên man, vương vấn theo những vòng xe, quay đều… quay đều…
Nhung Nhung

tin liên quan

Công bố 36 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với 36 di sản ở khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam. 

Số hóa tài liệu lịch sử

(QBĐT) - Đằng sau những trang tài liệu đã được số hóa, lưu trữ vĩnh viễn là sự đóng góp miệt mài của những cán bộ, nhân viên thuộc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình.

Tiếng Việt lời ru

(QBĐT) - Tiếng Việt nguồn cội, mẹ ơi!
Ta đi cuối biển cùng trời mãi yêu